Đây là một kết quả khá bất ngờ bởi trong năm 2012, V.League rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nhiều CLB bị giải thể. Chưa bao giờ niềm tin của người hâm mộ lại xuống thấp với V.League như vậy. Trước đó, sự kiện VPF ra đời tưởng như sẽ giúp V.League khởi sắc hơn nhưng cuối cùng vẫn đi vào vết xe đổ mà VFF đã từng tạo ra trước đó.
Vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, tình trạng “1 ông chủ 2 đội bóng” và đặc biệt là cuộc chiến bản quyền truyền hình đã trở thành một bóng đen bao trùm mùa giải vừa qua.
Đỉnh điểm của sự thất vọng mang tên V.League, chính là việc hàng loạt các ông bầu bỏ bóng đá, khiến giải đấu không có đủ đội, buộc VPF phải đưa ra các đề xuất “xưa nay hiếm” để cứu nguy cho V.League.
Giải quốc nội đã vậy, trong khi thành tích tham dự quốc tế là sân chơi AFC Cup của hai CLB Navibank SG và SLNA rất kém, đều bị loại từ vòng bảng.
Điều đáng nói là hầu hết các CLB Việt Nam khi tham dự sân chơi châu lục đều tham dự cho có và cố gắng dừng cuộc chơi càng sớm, càng tốt để bớt chi phí.
Với sự u ám như vậy, việc V.League vẫn lọt vào tốp 100 giải VĐQG hay nhất thế giới được cho là khá hài hước. Trước đó, trong lịch sử, V.League thậm chí còn từng lọt vào tốp 50, đó là năm 2009.
Cùng với cách xếp hạng của FIFA với ĐTVN (thua ê chề tại AFF Cup nhưng vẫn đứng thứ 1 ĐNA), thì cách xếp hạng của IFFHS đã mang đến những nghịch lý rất lớn.
Theo Vietnamnet