Trong ngày 24/4, theo khảo sát của PV, tại một số trang trại nuôi lợn lớn ở miền Bắc, giá thịt lợn hơi (lợn trắng) chỉ 16.000 đồng/kg cho loại đẹp, loại siêu nạc với trọng lượng từ 120 kg/con được bán với giá từ 20.000 – 22.000 đồng/kg. Với giá bán lợn hơi như vậy người chăn nuôi tiếp tục điêu đứng vì giá thấp.
Tuy nhiên, đối lập với giá xuống thảm hại của thịt lợn hơi, ngày 24/4, giá thịt lợn ở thị trường Hà Nội vẫn ở mức cao. Tại chợ Trung Hòa, các cửa hàng thịt tại chợ giá dao động từ 55.000 đồng – 110.000 đồng/kg tùy từng loại. Thấp nhất là thịt mông sấn với giá 55.000 đồng/kg và cao nhất là sườn non.
Cũng giống như chợ Trung Hòa, tại các chợ như Nghĩa Tân, Đồng Xa (Cầu Giấy), Quảng An, Tứ Liên (Tây Hồ), các loạt thịt lợn sau khi giết mổ giá vẫn cao gấp 3, gấp 4 lần thịt lợn hơi xuất chuồng.
Được biết, để nuôi được 1 tạ lợn hơi, người nông dân phải đầu tư từ 2 - 2,2 triệu đồng tiền cám, cộng thêm chi phí giống, khấu hao chuồng trại, thuốc thú y, nhân công... tổng giá thành hết 3,6 - 3,7 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên giá lợn hơi thương lái thu mua giảm xuống còn 2,7 - 2,8 triệu đồng/tạ (trước đây thời điểm cao nhất giá lợn tăng lên 5,2 triệu đồng/tạ; bình quân 4 triệu đồng/tạ). Vì thế, trung bình mỗi con lợn hiện gánh lỗ từ 1 đến 1,5 triệu đồng.
Trái ngược với việc tính toán lỗ lời của người nông dân, thì giá lợn bán tại chợ như hiện nay, lái buôn vẫn lãi trên 2 triệu đồng cho mỗi con lợn khoảng 100 kg (Mỗi con lợn hơi sau khi mổ sẽ thu khoảng 75% thịt).
Tại các siêu thị của Hà Nội, giá thịt lợn cũng được bán với giá từ 79.000 đến 120.000 đồng/kg. Theo đó, tại siêu thị Big C Thăng Long, cửa hàng thịt tại đây bán với giá 128.000 đồng/kg, 122.000 đồng/kg nạc vai.
Điều đáng nói là khi PV đến khảo giá, nhân viên cửa hàng thịt này liên tục đuổi và không cho chụp ảnh giá cả và cho rằng đây là quy định của công ty. Tại các siêu thị như Vinmart, Fivimart giá cũng giao động từ 80 – 120.000 đồng/kg thịt tùy từng loại.
Theo các chuyên gia, sở dĩ giá thịt tại chợ và siêu thị cao như vậy bởi hệ thống phân phối của thịt lợn tại Việt Nam hiện nay còn qua quá nhiều khâu trung gian (ít nhất là 3 khâu), qua các khâu này, thịt lợn phải đội thêm giá, chính những chi phí này đã làm thịt lợn đến tay người tiêu dùng với giá cao. Còn người nuôi phải bán với giá rẻ.
Để tìm hiểu giá lợn “nhảy múa” như thế nào khi xuất khỏi chuồng, PV đã liên hệ với chủ trang trại lợn có tên Ka B. Chủ trang trại lợn này vừa là người nuôi vừa là người “đánh hàng” sang Trung Quốc.
Theo chủ trang trại lợn này, không phải Trung Quốc cấm nhập hoàn toàn thịt lợn của Việt Nam, thậm chí họ còn nhập với giá rất cao. Hiện giá lợn xuất vào đất Trung Quốc thường cao từ 15 đến 20 lần giá các thương lái mua tại chuồng.
Tuy nhiên, do tình trạng nhập lợn từ Trung Quốc hạn chế nên các thương lái buộc phải ép giá người nuôi để đảm bảo bù lỗ “rủi ro”. Theo đó, hiện nay tình trạng nhập lợn vào nội địa Trung Quốc được nhập theo kiểu nhỏ giọt, nghĩa là lọt được chuyến nào thắng chuyến đó. Nếu tính trung bình 1 xe lợn có khoảng 140 con lợn (Trọng lượng trung bình 130 kg, sụt cân phải đền tiền), lái lợn có thể thu lãi 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu không xuất được, ứ đọng lại tại biên, nếu như giá cũ (khoảng 40.000 đồng/kg hơi) chắc chắn lái buôn sẽ lỗ lặng. Do đó, để đảm bảo về mặt an toàn, các lái buôn sẵn sàng ép giá để đảm bảo lợi nhuận.
Với việc thịt lợn trong nước quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay thì chuyện các thương lái người Việt tự ép giá để đảm bảo an toàn đã khiến người nông dân điêu đứng. Thế nhưng, theo nhiều thương lái họ cho rằng, mình “được quyền” làm như vậy vì an toàn của bản thân.
Xem thêm:
>>> Thịt lợn giá rẻ hơn khoai: Điệp khúc của nước mắt
>>>'Giải cứu' thịt lợn: Còn nhiều nghịch lý làm hại nông dân
Trần Phương