Có một thực tế, người nông dân trồng ra hạt lúa nhưng hoàn toàn “mù” tịt thông tin đường đi của hạt lúa sau khi bán cho thương lái. Sau khi thu hoạch, người dân đợi cò vào coi lúa, ngã giá. Dù được giá hay không thì người nông dân cũng phải bán để có tiền xoay vốn trồng tiếp vụ sau. Khi bán lúa, nông dân không hề biết thương lái sẽ bán cho ai, bao nhiêu tiền vì thế họ không có căn cứ để “kỳ kèo” quyền lợi của mình.
Ông Vô nói tỉnh bơ: “Cò vô trả được giá thì mình bán, còn họ làm gì, bán cho ai, lời bao nhiêu ai mà biết được. Cái đó họ đâu nói với mình, mà mình có biết hỏi ai đâu”.
Ảnh: Không nắm được đầu ra, nông dân luôn phải "gánh" phần thiệt nhiều nhất.
“Nếu mình móc nối nông dân bán cho ghe lúa khoảng 100 tấn thì lời được 2 triệu”, anh Toàn (35 tuổi) một “cò” lúa ở Cần Thơ cho biết. Như vậy, trung bình mỗi kilogam lúa nông dân bán cho thương lái thì có lời khoảng 20 đồng. Chỉ cần giao dịch thành công từ 3 – 5 “phi vụ” như vậy, “cò” lúa đã nắm chắc trong tay từ 6 – 10 triệu đồng mà chẳng lo lúa năm nay thất bát, dịch bệnh thế nào.
Theo tỷ lệ hao hụt, một giạ (20kg lúa tươi) sau khi sấy khô, xây xát sẽ cho ra 16kg gạo. Sau khi mua lúa tươi, trung bình thương lái mất thêm 35 đồng vận chuyển, 120 đồng sấy lúa, xay 230 đồng, tùy tình hình biến động giá cả thị trường để làm ra gạo nguyên liệu. “Giống lúa miền Tây TL566 tôi mua khoảng 4,150 đồng/kg, xay ra gạo xô thì bán được 6,5 ngàn đồng/kg”, chị The (30 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) một thương lái cho biết. Trừ hết nhưng chi phí đó, thương lái lời từ 6 – 6,5 ngàn đồng cho một kilogam gạo mua được. Trung bình, ghe 100 tấn thương lái lời từ 50 đến 60 triệu. Cứ thế, tiền sẽ được cộng dồn dựa trên số chuyến thương lái thu mua. Đây là quả là “món hời” không hề nhỏ trong khi chi phí đầu tư và rủi ro luôn nằm trong giới hạn an toàn.
Ảnh: Sau mỗi vụ mùa, chị The luôn lời vài chục triệu.
Trong khi đó, người nông dân trực tiếp sản xuất ra hạt lúa nhưng lại hưởng lợi rất thấp vì diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh múng nên chịu nhiều chi phí, rủi ro phát sinh từ thiên tai, dịch bệnh và vật liệu sản xuất.
Khi doanh nghiệp thu mua gạo để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, giá trị hạt gạo tiếp tục “nâng cấp”. Tại các cửa hàng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh, lúa được bán với giá 8,5 ngàn/kg, gạo từ 9,5 ngàn/kg đến vài chục ngàn, tùy loại. Rõ ràng, người mua luôn phải chịu giá gấp hai, gấp ba lần giá bán của nông dân.
Lộc Bình