Thiếu hụt lao động một số ngành nghề hậu Covid-19
Hiện nay, các địa phương đang có kế hoạch mở cửa trở lại, đây là tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài dừng sản xuất. Nhưng việc ổn định sản xuất không đồng đều giữa các vùng sẽ khiến chúng ta đối mặt với vấn đề cung-cầu lao động.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc trung tâm Thông tin phân tích và Dự báo chiến lược, viện Khoa học lao động và Xã hội cho biết: “Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy được hiện nay sẽ có khoảng 17 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Con số này bao gồm cả những người thất nghiệp, thay đổi nghề nghiệp, không được đi làm,…
Tuy số người thất nghiệp không nhỏ nhưng dự báo nguy cơ trong quý IV/2021 sẽ có tình trạng thiếu hụt nhân lực tại các khu công nghiệp, đặc biệt sẽ đối mặt với thách thức phân bổ không đều nguồn nhân lực”.
Nguyên nhân chủ yếu theo ông Toàn là do chúng ta bắt đầu kiểm soát được dịch, đẩy mạnh khôi phục kinh tế, các khu công nghiệp quay trở lại hoạt động, cần một lượng sản xuất lớn. Tuy cầu lao động lớn nhưng thời gian trước đó để đảm bảo phòng an toàn lao động đã trở về địa phương và hiện nay vẫn có tâm lý lo lắng khi quay trở lại nơi làm việc.
Khối ngành công nghiệp chế biến, dệt may, da giày, thực phẩm sẽ là nhóm ngành nghề đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động. Vì đây là nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu, cần lượng lao động lớn ngay sau khi mở cửa trở lại, nhất là ở các tỉnh phía Nam.
Ông Toàn cũng đưa ra một số giải pháp: “Ngoài những biện pháp phòng chống dịch. Các địa phương hiện nay cần phải lập danh sách cụ thể những người lao động ở tỉnh khác trở về, lấy thông tin về nhu cầu việc làm của họ. Thông qua đó, sẽ biết được số lượng lao động đã có công việc thay thế, số lao động muốn quay trở lại các tỉnh thành để làm việc. Mặt khác, tổng hợp nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, từ đây ta sẽ tính toán được lượng thiếu hụt nhân lực.
Sau khi có được con số cụ thể về thiếu hụt lao động chúng ta sẽ đưa ra những biện pháp thu hút lao động phù hợp. Trước mắt, cần tập trung giải quyết bài toán di chuyển của người dân từ những vùng ven đô sang trung tâm để làm việc, bởi nếu vẫn còn các “vùng xanh”, “vùng đỏ” sẽ là rào cản lớn trong việc điều chỉnh nguồn lao động”.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà theo khảo sát của Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia (National Federation of Independent Business) tại Mỹ hiên nay có 46% doanh nghiệp nhỏ hiện nay không thể tuyển được người - tương quan với mức trung bình 22% của 48 năm trở lại đây. Trong tháng 4 gần nhất, Mỹ ghi nhận số lượng việc làm trống (việc tìm người) là 9,3 triệu, lớn gấp nhiều lần số lao động tìm được việc làm.
Tăng giờ làm để đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất
Sáng ngày 26/9, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trao đổi với Người Đưa Tin về giải pháp trên, ông Trần Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Công đoàn Việt Nam cho biết: “Việc tăng giờ làm là giải pháp phù hợp trước mắt hiện nay, hoạt động này sẽ đảm bảo sản xuất cho doanh nghiệp sau thời gian đóng cửa kéo dài.
Việc tăng giờ làm trước đó đã được quy định trong luật lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi bố trí tăng ca sẽ phải quan tâm đến chi phí nhân lực, có những chính sách về lương, thưởng, chế độ cho phù hợp, có sự thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Những vấn đề này chúng ta đã bàn tới nhưng hiện nay phải áp dụng một cách linh hoạt trong bối cảnh đại dịch, tránh dập khuôn máy móc”.
Có thể thấy giải pháp tăng thời gian lao động chỉ là một trong những giải pháp ngắn hạn, bởi thời gian làm việc tăng cũng cần phải kèm theo hiệu quả làm việc. Ngoài ra, cần tính toán cụ thể những vị trí công việc, ngành nghề nào nên kéo dài thời gian lao động. Việc tăng giờ làm sẽ diễn ra trong thời gian bao lâu, sức khỏe người lao động, các phương án đảm bảo phòng chống dịch cũng là những yếu tố cần phải được tính đến.
Từ đợt dịch lần này đã đặt ra một vấn đề cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đây có lẽ sẽ là giải pháp dài hơi hơn thay vì việc sau những ảnh hưởng của xã hội, người lao động lại phải làm thêm giờ.
Theo báo cáo thị trường lao động Hà Nội tháng 8 của Trung tâm dữ liệu việc làm Hà Nội:
Nhu cầu tuyển dụng có xu hướng giảm ở ngành công nghiệp gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhóm lao động giản đơn. Các doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng ở nhóm vị trí nhân viên văn phòng, nhóm các lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh việc giảm hoặc không có nhu cầu tuyến dung ở một số ngành nghê thuộc lĩnh vực không thiết yếu, thì một số ngành nghề ở lĩnh vực: Công nghệ thông tin, ngân hàng, dịch vụ hàng hóa, điện tử, điện lạnh, viễn thông... nhu cầu tuyển dụng vẫn có xu hướng nhu cầu tuyển dụng lớn.
Hồng Bích