Lạm phát của Đức đạt kỷ lục mới trong tháng 9 do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, theo số liệu do Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis).
Cụ thể, chỉ số CPI ở Đức tăng từ mức 7,9 trong tháng 8 lên 10,0% trong tháng 9. Giá năng lượng tăng mạnh 43,9% so với năm ngoái do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 18,7% trong quãng thời gian này.
Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu sẽ đẩy Đức vào suy thoái năm 2023, khi giá năng lượng tăng cao gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất công nghiệp và lạm phát, đồng nghĩa với việc sức mua của người dân sẽ giảm, Bộ Kinh tế Đức cho biết.
“Chúng ta hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang dần trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhận định.
Khoảng cách giàu nghèo
Mặc dù Đức là một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới, nhưng các dấu hiệu của sự nghèo đói đang ngày càng trở nên rõ rệt trên khắp quốc gia này. Chính phủ liên bang cũng lo ngại sự chênh lệch giàu nghèo sẽ dần dần lớn hơn ở Đức.
Hiện có 13,8 triệu người Đức đang sống trong cảnh nghèo đói hoặc có nguy cơ trượt xuống dưới mức nghèo đói, Paritätische Wohlfahrtsverband, tổ chức bảo trợ cho các quỹ phúc lợi Đức cho biết.
Tuy nhiên, nghèo đói trong bối cảnh này không có nghĩa là thiếu ăn, thiếu mặc. Nó là tình trạng nghèo tương đối, được đo bằng điều kiện sống trung bình của xã hội.
Năm 2021, Đức được xếp hạng là quốc gia giàu thứ 20 trên thế giới, tính theo GDP bình quân đầu người. Nếu cộng giá trị của tất cả các sản phẩm và và hàng hóa được sản xuất tại Đức và chia con số này cho số cư dân, trung bình mỗi người Đức sẽ nhận được 52.200 EUR /năm. Con số này là là 140.000 EUR/năm ở Luxembourg, quốc gia giàu nhất thế giới, và 276 EUR/năm ở Burundi, quốc gia nghèo nhất thế giới.
Ở bất kỳ quốc gia châu Âu nào, một người được coi là nghèo hoặc có nguy cơ nghèo nếu thu nhập của họ thấp hơn 60% mức trung bình của quốc gia đó. Nếu thu nhập của họ dưới 50%, họ sẽ được coi là nghèo cùng cực.
Mặc dù số người sống trong tình trạng nghèo đói tuyệt đối ở châu Âu không đáng kể, nhưng số người bị cho là nghèo đói so với mức thu nhập trung bình của cả nước đã lên đến hàng triệu người. Họ sống trong điều kiện thiếu thốn đủ đường, và chỉ có thể xoay xở qua ngày bằng cách hạn chế chi tiêu nhất có thể.
Ở Đức, những người có thu nhập ròng dưới 1.148 EUR một tháng được coi là dưới mức nghèo khổ nếu họ là người độc thân. Con số đó là 1,492 EUR đối với cha mẹ đơn thân có một con, và 2,410 EUR đối với một hộ gia đình có 2 cha mẹ và 2 con.
An sinh xã hội
Đức tự cho mình là nước có một mạng lưới an sinh xã hội vững chắc. Bất kỳ ai không tìm được việc làm, hoặc không thể làm việc đều nhận được chế độ an sinh xã hội cơ bản. Hệ thống an sinh xã hội này thường được gọi nôm na là Hartz IV. Số tiền trợ cấp này dùng để trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản như tiền thuê nhà, sưởi ấm, nước sạch và bảo hiểm y tế.
Theo hệ thống này, các cá nhân và cha mẹ đơn thân sẽ được nhận 449 EUR một tháng để mua thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng, sản phẩm vệ sinh cá nhân và thanh toán các hóa đơn như internet, điện thoại và điện. Cha mẹ sẽ nhận được từ 285 EUR đến 376 EUR tiền trợ cấp cho con, tùy thuộc vào độ tuổi.
Hartz IV và các chương trình phúc lợi công cộng khác ở Đức đã nhiều lần bị chỉ trích vì chỉ bao gồm những nhu cầu thiết yếu nhất. Chính phủ liên bang do đó đã đề xuất tăng số tiền trợ cấp lên 503 EUR mỗi tháng bắt đầu từ năm 2023.
Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu nghèo đói Christoph Butterwege, con số này vẫn chưa thấm vào đâu. Theo ông Butterwege, người nghèo cần ít nhất 650 EUR để mọi người sống “tử tế” và được ăn những thực phẩm lành mạnh.
Số liệu cho thấy mỗi người dân Đức chỉ dành 5 EUR mỗi ngày để mua thực phẩm. Các hộ gia đình nghèo hơn thậm chí phải mua ít thực phẩm hơn hoặc thực phẩm có chất lượng kém hơn.
Khó khăn chồng chất
Trong bối cảnh lạm phát leo thang, ngày càng nhiều người Đức cảm thấy họ không sống nổi nếu không được hỗ trợ. Ngay cả những mặt hàng thiết yếu như bánh mì, sữa, trái cây và rau củ cũng đã đắt hơn 12% so với một năm trước. Năm 2020, khoảng 1,1 triệu người tìm đến ngân hàng lương thực nhờ giúp đỡ, nhưng năm nay, con số đó hiện đã lên gần 2 triệu.
Nghèo đói cũng đang gia tăng ở người cao tuổi Đức. Sau nhiều thập kỷ làm việc, nhiều người Đức nhận thấy lương hưu hàng tháng của họ không đủ để trang trải mọi chi phí. Phụ nữ cao tuổi thậm chí còn cảm thấy áp lực hơn vì họ thường làm công việc bán thời gian và mức lương của họ cũng thấp hơn.
Nhiều người già ở Đức không muốn yêu cầu hỗ trợ vì họ miễn cưỡng bị coi là thiếu thốn. Bên cạnh đó, 2/3 số người đủ tiêu chuẩn xin hỗ trợ cảm thấy xấu hổ khi làm vậy, một nghiên cứu cho biết. Những người lớn tuổi có xu hướng cố gắng làm việc lâu hơn, hoặc kiếm thêm thu nhập từ việc bán đồng nát.
Ngay cả với nhưng người có công việc toàn thời gian cũng thấy mức lương của họ không đủ sống. Với mức lương trung bình 12 EUR/giờ, một người độc thân không có con làm việc 40 giờ một tuần sẽ nhận được thu nhập ròng khoảng 1,480 EUR mỗi tháng. Con số này dù cao hơn mức nghèo khổ, nhưng phần chênh lệch cũng bị lạm phát ăn mòn.
Sinh viên Đức cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lạm phát, đặc biệt là những người nhận tài trợ liên bang. Mỗi sinh viên được nhận tối đa 934 EUR một tháng, bao gồm cả tiền nhà ở và bảo hiểm y tế. Số tiền này đưa sinh viên xuống dưới mức nghèo khổ.
Chính phủ Đức có kế hoạch chi 200 tỷ EUR để giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của giá năng lượng cao. Tuy nhiên, con số này không đủ để trang trải tất cả các chi phí bổ sung của người dân Đức. Các nhà kinh tế tin rằng lạm phát ở quốc gia này sẽ vẫn ở mức cao. Cuộc sống ở Đức vẫn sẽ đắt đỏ trong tương lai gần, và điều này sẽ được cảm nhận rõ ràng nhất bởi những người không có tiền tiết kiệm.
Nguyễn Tuyết (Theo DW, Daily Sabah, Clean Energy Wire)