Trong những năm gần đây, thị trường phim Việt chỉ thực sự sôi động mỗi dịp cuối năm, hay còn gọi là mùa “hài Tết”. Thế nhưng, thời của gameshow, truyền hình thực tế, đĩa lậu đang khiến thị trường phim hài mùa Tết ngày càng ảm đạm. Cùng với đó, đa phần các phim hài tết năm nào cũng vậy quanh đi quẩn lại với những đề tài cũ mèm như trưởng giả học làm sang, ngố ngố, dại dại… Thị trường hài thiếu đi những kịch bản chuyên nghiệp, có sức hút đối với khán giả. Các sản phẩm thi nhau đắp, chắp, nối dài những sản phẩm đã có tiếng vang trước đó nên phim hài tết ngày càng nhảm và vụ vặt… khán giả vì thế cũng nhạt dần đối với hài Tết.
Bên cạnh đó, nhiều năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều tác phẩm mà việc quảng cáo quá lộ liễu, lời thoại giới thiệu sản phẩm một cách quá gượng ép xuất hiện ngày càng nhiều khiến khán giả ngao ngán khi xem đĩa hài tết.
Lý giải cho điều này, một số đạo diễn đã cho rằng sở dĩ xảy ra hiện tượng này là do nhà tài trợ, đơn vị quảng cáo chi phối. Nhiều đơn vị sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào kinh phí của các nhà tài trợ đã tạo ra thời kỳ mà nhà sản xuất trực tiếp can thiệp vào kịch bản. Cũng chính vì thế, nhiều đạo diễn phải miễn cưỡng chấp nhận kịch bản "xộc xệch" hay quảng cáo quá lộ liễu. Từ đó, khi kinh phí đã có người chống lưng nên doanh thu từ việc bán đĩa gốc không còn là ưu tiên số một của các nhà sản xuất, mà ưu tiên số một là làm sao ra được càng nhiều… đĩa lậu càng tốt, càng phổ biến trên mạng xã hội càng nhiều càng tốt. Với cách này, nhiều nhà sản xuất còn bật mí, đôi khi số tiền được tài trợ còn cao gấp 3, 4 lần chi phí bỏ ra.
Đạo diễn Nguyễn Mai Long, đạo diễn hài tết Tam nam bất bần, cho rằng: “Nói thật ra làm hài tết hiện nay có một bộ phận nhà sản xuất chủ yếu dựa vào các nhà tài trợ, mà yêu cầu của nhà tài trợ thì phải dựa vào tính phổ biến của tác phẩm. Vì thế ngoài việc phát hành đĩa ra thì cũng có rất nhiều kênh như Youtube, mạng xã hội…
Với nhà sản xuất thì không bao giờ mong muốn có đĩa lậu, bởi đĩa lậu sẽ ảnh hưởng đến doanh thu phát hành đĩa. Tuy nhiên, việc lan tỏa lớn lại là điều nhà tài trợ mong muốn. Như vậy sẽ có 2 khuynh hướng một là không có đĩa lậu thì doanh số bán đĩa cho nhà sản xuất sẽ rất tốt và thay thế đĩa lậu bằng đĩa gốc, tem mác đàng hoàng, nhà sản xuất cũng sẽ đảm bảo nguồn thu về kinh phí. Hai là, với khuynh hướng đĩa lậu hoành hành như hiện nay thì tác phẩm làm ra chỉ được một mặt duy nhất là phát tán. Chính vì thế, để đối phó với tình trạng đĩa lậu như hiện nay thì không còn cách nào khác nhiều nhà sản xuất đã phải nhờ cậy đến các nhà tài trợ để đảm bảo kinh phí sản xuất. Khi đã đủ vốn, đảm bảo có lãi rồi, nên việc phát tán bao nhiêu đĩa gốc, có bao nhiêu đĩa lậu, phát tán trên những kênh nào, có đảm bảo bản quyền hay không, không còn là sự quan tâm của các nhà sản xuất nữa."
Với nhu cầu thưởng thức hài tết như hiện nay thì việc sản xuất phim tết, nhất là phim hài được coi như miếng bánh béo bở cho không ít đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường hài tết hiện nay có hai loại hình sản xuất phim hài. Loại thứ nhất là sử dụng tiền của các nhà tài trợ để dựng phim. Sau khi tác phẩm được hoàn thiện, mục đích của các tác phẩm này không phải để trình chiếu trên truyền hình chính thống hay phát hành ra thị trường dưới dạng đĩa gốc mà chủ yếu thông qua các kênh diễn đàn, mạng xã hội, kênh chia sẻ video cho cộng đồng. Với sức phát triển của mạng xã hội hiện nay thì loại hình sản xuất theo kiểu này vừa có lan tỏa lớn lại không phải thông qua quá trình kiểm duyệt của nhà nước. Do vậy, các đơn vị sản xuất cứ vô tư đưa quảng cáo vào tác phẩm bất chấp các quy định của pháp luật. Bởi, theo quy đinh của luật quảng cáo hiện nay thì quảng cáo không được phép xuất hiện quá 7% thời lượng của cả phim. Nghĩa là, một phim có thời lượng 100 phút, quảng cáo không được quá 7 phút.
Loại thứ hai là các nhà sản xuất sau khi đã sản xuất ra tác phẩm sau đó mới kêu gọi quảng cáo, đăng ký bản quyền và thông qua các khâu kiểu duyệt của các cơ quan chức năng rồi mới được phát hành. Đây được coi như hoạt động sản xuất mang tính "chính thống", tuy nhiên, quy trình sản xuất này lại đối mặt với nạn đĩa lậu và vi phạm bản quyền. Nếu không "chống" nổi với vấn nạn đĩa lậu thì chắc chắn nhà sản xuất lỗ nặng.
Trao đổi với PV, đạo diễn Phạm Đông Hồng, cho biết: “Với một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh mà nhà sản xuất bỏ vốn của chính mình ra để kinh doanh sẽ được đầu tư từ kịch bản phim, nhân lực, đạo cụ, phục trang... cho đến khâu phát hành. Sau khi xong phần hậu kỳ, sản phẩm này sẽ phải được thông qua hệ thống kiểm duyệt của nhà nước (Cục điện ảnh). Khi được Cục thông qua, nhà sản xuất làm công tác xã hội hóa tài trợ. Với loại này, dù muốn cho thật nhiều quảng cáo vào sản phẩm thì nhà sản xuất vẫn phải tuân thủ theo luật. Đối với đơn vị chúng tôi thì việc xã hội hóa cũng là một việc hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc quảng cáo cũng phải tuân theo luật, không phải việc nhà tài trợ gắn bao nhiêu quảng cáo vào cũng được. Việc bán được đĩa gốc, bán bản quyền cho các đài truyền hình hoặc trở thành đối tác bản quyền trên youtube vẫn là những kênh mang lại lợi nhuận cho đơn vị sản xuất chúng tôi”.
Nói về nguyên nhân, đạo diễn Nguyễn Mai Long cũng chia sẻ: “Cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng với tình trạng quản lý bản quyền lỏng lẻo như ở nước ta hiện nay thì việc trông chờ vào doanh thu bán đĩa gốc chắc chắn không còn một nhà sản xuất nào chống nổi. Trước đây, khi sản xuất các đĩa hài tết, chúng tôi cũng đã thử nhiều cách để chống đĩa lậu, phổ biến lên mạng xã hội… Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không mang lại hiệu quả. Chính vì thế nhiều đơn vị đã chọn cách “sống chung với lũ” để tồn tại trong thị trường phim tết đầy khốc liệt”.
Trần Phương