Không nóng nhưng vàng SJC vẫn bị "thổi" giá?
Đã thành thông lệ, thị trường vàng ở Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào biến động của thị trường vàng trên thế giới, bởi lượng vàng chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài, phần sản xuất trong nước không đáng kể. Do vậy, mỗi khi giá vàng trên thế giới tăng, giảm sẽ tác động lập tức đến giá vàng ở trong nước.
Trong khi đó, giá vàng thế giới đang tiến tới năm thứ 12 tăng liên tiếp trước những lo ngại rằng chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích tăng trưởng kinh tế của các chính phủ và các ngân hàng trung ương trên thế giới để thúc đẩy sự phục hồi từ suy thoái kinh tế và chống lại hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ làm mất giá đồng tiền và tăng lạm phát.
Tuy nhiên, gần một tuần nay, giá vàng trong nước và thế giới vẫn vênh gần 5 triệu đồng/lượng với xu thế giá vàng SJC cao hơn vàng thế giới và phi mã hơn so với giá vàng phi SJC. Đây cũng là mức chênh lệch kỷ lục của vàng trong nhiều năm trở lại đây.
Giá vàng trong nước và quốc tế hiện nay vẫn chênh lệch (cao hơn) trên 4,6 triệu đồng/lượng
Việc giá vàng tăng bất thường một lần nữa khiến dư luận không ngớt bàn tán về quy định mới của NHNN về vàng. Năm 2011, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh theo và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỉ giá, Thống đốc NHNN đã tuyên bố giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng /lượng là có sự đầu cơ.
Để đối phó với hiện tượng đầu cơ đó, NHNN đã quyết định cho phép 5 ngân hàng tham gia bán một phần vàng huy động, tức được phép âm tối đa 20% trạng thái, từ dân cư để bình ổn giá. Tuy nhiên, chính sách này chỉ hữu hiệu trong thời gian đầu. Sau đó, giá vàng trong nước quay trở lại trạng thái luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1 - 2 triệu đồng/lượng. Trong đợt sốt vàng hiện nay, nhóm 5 ngân hàng trên dường như tỏ ra bất lực trong việc bình ổn giá vàng trên thị trường như kì vọng ban đầu của thống đốc.
Ở bối cảnh nhiều người dân rút bớt lượng tiền gửi bằng vàng tại các ngân hàng, để đảm bảo thanh khoản về vàng và lo ngại giá vàng còn tăng lên, các ngân hàng này có thể đã mua ngược trở lại từ thị trường khiến cho thị trường càng trở nên sốt và khan hiếm vàng hơn. Đặc biệt là hai tháng trước thời hạn 25/11/2012 các ngân hàng thương mại phải chấm dứt việc huy động vàng dưới dạng chứng chỉ ngắn hạn, chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua, một mặt do tác động của giá vàng thế giới tăng cao. Mặt khác do hiệu ứng chính sách về vàng của NHNN mà theo đó sẽ chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các ngân hàng thương mại vào 25/11/2012.
Giai đoạn đó, một số ngân hàng thương mại vẫn chưa tất toán được dư nợ vàng bởi khi giá vàng biến động theo hướng tăng cao, cộng với điều kiện kinh tế khó khăn, các khách hàng vay nợ bằng vàng chưa thể trả dứt điểm những khoản nợ từ những năm trước đây. Ngân hàng "khát" vàng trong khi vàng trên thị trường chỉ còn duy nhất SJC. Giá vàng cao bao nhiêu thì ngân hàng vẫn phải mua vào.
Điều đáng nói là sau cái mốc 25/11, các ngân hàng đã không còn tình trạng ráo riết mua vàng để cân đối trạng thái. Thời điểm cuối năm, nhu cầu người dân mua vàng tích trữ cũng không sôi sục nhưng độ vênh giữa vàng SJC và vàng thế giới lại ở mức kỉ lục. Rõ ràng, ngay cả khi không "nóng", vàng SJC vẫn đang bị làm giá từ quy định mới về vàng của NHNN.
Thống đốc NHNN khẳng định, giá trong nước cao hơn thế giới 400.000 đồng là đã có dấu hiệu đầu cơ. Thế nhưng từ khi có quy định mới liên quan đến thương hiệu vàng SJC, giá vàng SJC lúc nào cũng "nhảy múa" từ 2 - 3 triệu đồng, thậm chí lên tới 5 triệu đồng/lượng là dấu hiệu quá bất thường. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vàng nhận định, khi thị trường còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, họ sẽ biết nhìn nhau để định giá vàng.
Do đó, giá trong nước, ở thời kỳ cầu cao hơn cung, chênh lệch giá vàng trong nước cũng chưa từng lên tới 5 triệu đồng/lượng như hiện nay. Cái lợi cho nền kinh tế, cho dân của việc quyết định vàng SJC mang thương hiệu Nhà nước chưa thấy đâu nhưng dư luận về quyền lợi nhóm, quyền lợi ngành về sự làm khổ dân, lợi dụng việc khuấy đục thị trường vàng để kiếm lợi đã xuất hiện.
Với một lượng vàng lớn còn tồn đọng trong dân (theo ước tính của các chuyên gia có thể lên đến 500 tấn, tương đương với khoảng 30 tỉ USD). Hiện nay Nhà nước đang có kế hoạch huy động số vàng này. Nhưng liệu mục tiêu huy động kia có thể thành kết quả không hẳn phải có bước đi và cách thức thuyết phục hơn?
Vàng nhái rộ lên
Có ý kiến cho rằng bài toán mới về vàng dễ đi theo kịch bản của độc quyền điện, xăng, tức là giá đều tăng chóng mặt và thiếu minh bạch. Theo ý kiến trên, quy định sản xuất vàng miếng của NHNN đã bộc lộ quá nhiều bất cập và hệ lụy. Không những không ổn định được giá vàng mà còn kéo theo một loạt các vấn đề nảy sinh thêm như vàng giả SJC, người dân đầu tư vàng, doanh nghiệp làm giá...
Câu hỏi đặt ra là tại sao trước đây hầu như không có hiện tượng vàng nhái SJC thì gần đây hết vàng giả đến vàng nhái SJC lại rộ lên? Đó chính là do độ vênh quá lớn giữa vàng phi SJC và vàng SJC. Bởi với chênh lệch hiện nay cứ tiêu thụ một miếng vàng nhái lợi nhuận là 5 triệu đồng, tiêu thụ 1.000 miếng lợi nhuận là 5 tỷ đồng. Với lợi nhuận đó, có đầu tư máy móc vài trăm nghìn USD thì giới vàng lậu vẫn sẵn sàng làm vì chỉ cần một thời gian ngắn là có thể gỡ vốn.
Có ý kiến cho rằng sau khi NHNN cho dập lại vàng miếng cong vênh, móp méo và cho chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC đã tạo ra một kẽ hở khi vàng bóng, ký trở thành vàng phi SJC và từ vàng phi SJC thành vàng SJC hay vàng nhái SJC. Bởi theo một tổng giám đốc công ty vàng, một số đơn vị đăng ký lượng chuyển đổi vàng nhưng liệu số lượng ấy có được kiểm tra hay không mới là quan trọng.
Hiện nay, chỉ tiêu sản xuất vàng miếng của công ty SJC bị quản lý rất chặt, NHNN chỉ cho phép công ty SJC gia công theo hạn ngạch được cấp từng thời kỳ nên những người ôm vàng lậu bị chôn vốn. Do vậy họ đã nghĩ ra cách dập thành các miếng vàng nhái thương hiệu vàng rồi tuồn vào Việt Nam. Với cách này, chỉ cần đưa vàng qua biên giới, vàng lậu lập tức được hợp thức hóa.
Không thể phủ nhận quy định mới vàng cũng có những mặt tích cực giúp bình ổn thị trường nhưng không nên vì công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn chiếm tới 80% thị phần vàng trong nước mà có thể lấy thương hiệu vàng SIC của doanh nghiệp này làm thương hiệu vàng Nhà nước.
Điều này vô hình trung tạo ra sự độc quyền vô lý cho một doanh nghiệp, làm mất đi tính cạnh tranh lành mạnh mà nền kinh tế nước ta đang cần. Nên chăng và đây là điều hợp lý là NHNN nên tự tạo ra một thương hiệu vàng Nhà nước từ đó quy đổi các thương hiệu vàng khác bằng những tiêu chí phù hợp. Và ngay cả khi tiến hành việc này cũng cần một quy trình hợp lý để tránh gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng đến quyền lợi của dân.
Phải diệt tận gốc vàng nhái Các chuyên gia vàng cũng cho rằng để diệt tận gốc vàng nhái, giả không còn cách nào khác là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới. Chênh lệch hiện nay quá béo bở để giới kinh doanh vàng lậu tìm mọi cách hợp thức hóa. Nếu tình trạng này kéo dài, vàng lậu sẽ thâm nhập thị trường trong nước gây thiệt hại khôn lường. |
Hón Thỵ