Thời gian gần đây, hàng loạt trường hợp cán bộ thuộc các cơ quan công an đại diện cho luật pháp, thi hành luật pháp nhưng trong lúc thực thi nhiệm vụ đã có những hành vi trái quy định dẫn đến chết người gây ra những bức xúc trong dư luận. Gia đình nạn nhân thì đau xót khi mất đi người thân, còn chính bản thân những cán bộ này cũng phải trả giá cho những hành vi không tôn trọng luật pháp của mình.
Trường hợp Nguyễn Văn Ninh (SN 1958 - nguyên là trung tá Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây là một ví dụ điển hình. Theo cáo trạng của VKS, ngày 28/11/2011 Nguyễn Văn Ninh cùng tổ dân phòng tự quản làm nhiệm vụ xử phạt những trường hợp vi phạm giao thông đường bộ thuộc địa bàn phường Thịnh Liệt. Trong lúc làm việc, phát hiện ông Trịnh Xuân T (SN 1958, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vi phạm giao thông, trung tá Ninh đã khóa tay, đưa ông T về trụ sở công an phường. Tại trụ sở, ông Ninh đã dùng vũ lực, gây ra cái chết đối với ông T.
Quá trình điều tra xét hỏi, bị cáo Ninh đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Ngày 13/1/2012, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Ninh 4 năm tù về tội "gây chết người trong khi thi hành công vụ".
Trong khâu hỏi cung, cũng cần biện pháp giám sát đặc biệt. Ảnh minh họa
Nhận định về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Hoa (văn phòng luật ATK - Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: Thực tế hành vi tra tấn, ép cung với các bị can, bị cáo bị pháp luật nghiêm cấm. Nếu phía cơ quan điều tra có hành vi đánh người, nhằm "ép cung" mà các bị can, bị cáo có bằng chứng để chứng minh thì họ có quyền làm đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng. Theo tôi, trong trường hợp này, do người dân chưa nắm bắt được những quy định của pháp luật để có thể tự bảo vệ mình nên thường phải thiệt thòi và ấm ức. Chính vì vậy, người nhà của bị can, bị cáo nên mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thân. Luật sư là người hiểu luật pháp, có quyền yêu cầu cơ quan điều tra cho tham gia trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Đặng Thành Liêm (kiểm sát viên VKSND tỉnh Hậu Giang) cho biết: Trường hợp người thi hành công vụ đánh bị can, bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai là phạm vào tội "Cố ý gây thương tích, hoặc Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vu... Trong một số trường hợp nghiêm trọng (đánh chết người ngay tại chỗ) thì còn có thể khởi tố về tội Giết người. Việc lấy lời khai của bị can, bị cáo phải được thực hiện bằng những biện pháp mà pháp luật cho phép: Gọi hỏi, thẩm vấn, yêu cầu thành khẩn khai báo những hành vi vi phạm. Trong mọi trường hợp, pháp luật đều nghiêm cấm sử dụng hình thức nhục hình, bức cung,... đối với bị can, bị cáo.
Ông Liêm cũng tỏ ra bức xúc về việc thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều trường hợp công an xã, phường đánh người gây thương tích. Những hành vi vi phạm này cần phải nghiêm trị đúng theo pháp luật, tránh gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý, mất niềm tin từ phía người dân. Để nâng cao về nhân quyền, sự công khai trong quá trình thẩm vấn, chúng ta cũng nên gắn camera tại phòng hỏi cung, thông báo quyền được mời luật sư bảo vệ với các bị can, bị cáo.
Cùng chung quan điểm không đồng tình về sự vi phạm tới quyền được pháp luật bảo vệ, quyền con người đối với các bị can, bị cáo trong công tác điều tra xét hỏi, bà Nguyễn Thị Hoài Thu ( nguyên Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Quốc hội) khẳng định: Chúng ta phải làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cần nâng cao sự nhận thức và thấm nhuần những điều Bác Hồ dạy CAND. Như vậy, CAND mới bảo vệ được dân, giữ được lòng tin của trong quần chúng nhân dân...
Hoàng Sa