Liên quan đến đề xuất phân ngạch giảng viên của một Tiến sĩ thuộc đại học Hoàng gia London, dư luận đã đưa ra nhiều luồng ý kiến chiều. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Triệu Thế Hùng, Uỷ viên Thường trực uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Đây là ý kiến rất đáng quan tâm".
PV: Có ý kiến cho rằng, nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ chuyển biến khi chúng ta đổi mới cơ chế quản lý, phân ngạch cán bộ giảng viên (giảng viên nghiên cứu khoa học và ngạch giảng dạy). Ông nghĩ sao về đề xuất này?
PGS.TS Triệu Thế Hùng: Tôi cho rằng đây cũng là ý kiến rất đáng quan tâm, cần được nghiên cứu để xem thời điểm nào nên đưa ra cho phù hợp với thực tiễn của giáo dục đại học nói chung và đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu nói riêng. Tuy nhiên, theo chính sách, pháp luật hiện hành về giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã quy định nhiệm vụ chính của giảng viên đại học là công tác giảng day và nghiên cứu khoa học, ngoài hai nhiệm vụ chính đó thì có thể tham gia các công tác khác.
Vì vậy, đối với một giảng viên thì nghiên cứu khoa học không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là yêu cầu cần thiết để nâng cao năng lực chuyên môn của người thầy đáp ứng được yêu cầu chất lượng của công tác giảng dạy. Chính vì thế, không thể nói giảng viên chỉ chuyên giảng dạy mà không có nghiên cứu để cập nhật thông tin khoa học chuyên ngành từ thực tiễn được.
Còn nếu anh chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thôi mà không giảng dạy thì cũng không thể là ngạch giảng viên được, theo quy định của pháp luật anh sẽ ở mã ngạch nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính hoặc nghiên cứu viên cao cấp,… ở các viện nghiên cứu, trung tâm thuộc cơ sở giáo dục đại học rồi.
Tuy nhiên, trong một cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu thì tỉ trọng về số giờ quy đổi từ công tác nghiên cứu khoa học sẽ ngang hoặc cao hơn so với số giờ đứng lớp giảng dạy. Còn các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng và thực hành thì tỉ trọng về số giờ giảng dạy và thực hành sẽ cao hơn nhiều so với số giờ giảng viên được quy đổi từ nghiên cứu khoa học. Điều này cũng đã được quy định trong các văn bản về chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo như: luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học, điều lệ trường đại học,… cũng đã quy định rất rõ về việc này.
PV: Thực tế hiện nay, ở nhiều trường đại học của chúng ta không có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu khoa học chất lượng. Theo ông, việc phân loại giảng viên có cải thiện được tình trạng này?
PGS.TS Triệu Thế Hùng: Đó đúng là một thực trạng. Ở đại học của chúng ta chưa có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu có tầm cỡ, và với một số trường đại học việc đăng báo trên tạp chí quốc tế còn mang tính đối phó bằng nhiều cách để có số lượng nhưng không có giá trị cao về khoa học.
Một thực tế là hiện nay, việc nghiên cứu khoa học của nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cốt chỉ để hoàn thành nhiệm vụ của năm học và kinh phí gần như hoàn toàn từ ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ các trường còn kiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng của các nhà giáo – nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học nước ta hiện nay.
Đa phần những công trình khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước chưa gắn với thực tiễn đời sống để có thể ứng dụng, triển khai để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, nên tình trạng đề tài khoa học được nghiên cứu xong để trong ngăn kéo vẫn là một tồn tại, bất cập. Tôi cho rằng, việc này cần phải được khắc phục, và nên bắt đầu từ việc điều chỉnh những cơ chế, chính sách liên quan.
PV: Vậy theo ông, làm thế nào để các đề tài khoa học nghiên cứu xong không để trong ngăn kéo?
PGS.TS Triệu Thế Hùng: Chúng ta cần phải có một yếu tố trung gian của “thị trường khoa học” nhằm kết nối, đặt hàng từ doanh nghiệp, xã hội với các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học. Tôi cũng hy vọng dự án luật Chuyển giao về khoa học công nghệ sửa đổi sẽ thông qua ở kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV này sẽ đóng góp lớn để giải quyết vấn đề này.
Để thực hiện Nghị quyết 29/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam và luật Giáo dục đại học 2012 về tự chủ của giáo dục đại học thì bên cạnh nguồn thu từ học phí trong đào tạo, nguồn thu từ việc chuyển giao nghiên cứu khoa học công nghệ cũng góp phần quan trọng đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện quyền tự chủ đại học ở mỗi cơ sở giáo dục đại học.
PV: Ở Việt Nam có nhiều trường đào tạo chuyên về nghiên cứu hay thiên về kỹ năng... nhưng dù có đào tạo chuyên sâu, các công trình nghiên cứu khoa học vẫn thiếu vắng và ít có tên trong "bản đồ" đại học khu vực và thế giới. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
PGS.TS Triệu Thế Hùng: Theo phân tầng, xếp hạng của luật Giáo dục đại học hiện hành thì Việt Nam có ba tầng được hiểu theo nghĩa là ba loại hình, loại thứ nhất là cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, bởi vì, so với đại học nghiên cứu ở một số nước thì tỉ trọng về nghiên cứu khoa học còn thấp hơn nhiều so với công tác giảng dạy. Loại hình thứ hai là cơ sở giáo dục đại học ứng dụng và thứ ba là thực hành (bây giờ là các trường cao đẳng, không thuộc khối đại học - PV). Sắp tới, trong luật Giáo dục đại học sẽ sửa đổi, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.
Về giáo dục nói chung và giáo dục đại học Việt Nam so sánh với các nước trên thế giới thì cũng rất khó và rất khập khiễng vì hoàn cảnh lịch sử cũng như điều kiện thực tiễn của chúng ta khác. Chúng ta không so với những nền giáo dục có điều kiện thuận lợi và có nền tảng hàng trăm năm được. Chúng ta cũng không thể ngay lập tức đòi hỏi một cách bài bản như trên thế giới được.
Nhưng chúng ta sẽ khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực sự cầu thị tiếp thu tinh hoa của các nền giáo dục tiên tiến để xây dựng nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, để có thể đáp ứng tốt về nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nguồn nhân lực cao cho khu vực.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
H.Lan- Đ.Thơm