Theo kết quả nghiên cứu mới do hai trường đại học danh tiếng New York và Stanford của Mỹ công bố, những người dùng từ bỏ Facebook cảm thấy hạnh phúc hơn, hài lòng hơn với cuộc sống, đồng thời giảm thiểu lo lắng, trầm cảm hay sự cô đơn.
Theo Zing.vn, thông qua Facebook, các nhà nghiên cứu tuyển được 2.488 tình nguyện viên, những người sẵn sàng hủy kích hoạt tài khoản Facebook trong một tháng.
Trong suốt quá trình "cai nghiện" Facebook, các nhà nghiên cứu liên tục kiểm tra hoạt động Facebook của người dùng để chắc chắn họ không sử dụng mạng xã hội.
Đồng thời, người tham gia phải báo cáo mức độ hạnh phúc, cô đơn của họ mỗi 10 phút. Tuy vậy, người tham gia vẫn được phép sử dụng Facebook Messenger cho nhu cầu nhắn tin.
Theo Hà Nội mới, kết quả đã cho thấy bốn thay đổi quan trọng:
Thứ nhất, người dùng có xu hướng dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, cũng như xem TV. Điều này là khá bình thường, bởi việc “thoát ly” khỏi Facebook giúp mỗi cá nhân có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Tuy nhiên, điều thú vị là việc họ dành thời gian này cho các hoạt động ngoại tuyến chứ không tiếp tục dính lấy chiếc máy tính để sử dụng các mạng xã hội khác, nhắn tin hay chơi game… Thực tế, nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, con người hạnh phúc và mạnh khỏe hơn khi họ dành nhiều thời gian giao tiếp với người khác ngoài đời thực chứ không phải thế giới ảo.
Thứ hai, những người dùng từ bỏ Facebook đủ lâu sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng cường hạnh phúc, dễ hài lòng hơn với cuộc sống, giảm trầm cảm và lo lắng.
Thứ ba, trong bối cảnh nhiều người coi Facebook là nguồn tin tức chủ đạo, việc từ bỏ mạng xã hội này khiến họ nắm bắt các diễn biến đời sống kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên chỉ ra rằng, những người này sẽ ít bị căng thẳng và tức giận hơn, do tâm lý ổn định và ít tiếp cận với những thông tin giả, thông tin mang tính cực đoan, kích động, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.
Thứ tư và cũng là phát hiện thú vị hơn cả là, việc từ bỏ Facebook một thời gian đủ dài còn khiến người dùng có xu hướng ít dùng các mạng xã hội khác hơn, thậm chí tần suất dùng Facebook cũng giảm nếu họ có quay trở lại sau đó. Sau khi nghiên cứu kết thúc, hầu hết những người tham gia đều khẳng định họ sẽ dành ít thời gian hơn cho việc sử dụng Facebook sau này. Vài tuần sau, một đánh giá khác cho thấy những người đã từ bỏ Facebook nhiều hơn 4 tuần, đã sử dụng ít hơn 23% so với những người chỉ từ bỏ 24 tiếng. Họ cũng có xu hướng thận trọng hơn trong việc phân bổ thời gian lướt mạng xã hội, thậm chí xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại của mình. Ấn tượng hơn, sau 9 tuần kể từ khi nghiên cứu kết thúc, 5% số người tham gia không hề kích hoạt lại tài khoản.
Theo các nhà nghiên cứu, việc người dùng giảm thời lượng sử dụng sau những thử nghiệm là phù hợp với phát hiện về việc vô hiệu hóa tài khoản giúp cải thiện sức khỏe chủ thể và cũng phù hợp với các giả thuyết về việc Facebook đang khiến con người hình thành thói quen sử dụng. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy những người tham gia nghiên cứu đã “học hỏi” được rằng, họ có thể tận hưởng cuộc sống không Facebook thực tế tốt hơn nhiều so với những gì họ nghĩ trước đó.
Phong Linh (tổng hợp)