Tới dự Lễ tuyên dương có đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Đào Ngọc Dung, Uỷ viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đại diện các Bộ, ban ngành liên quan.
Tại buổi Lễ, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây là một trong ba bước đột phá quan trọng nhằm cụ thể hoá chủ trương hiện đại hoá, công nghiệp hoá. Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, việc thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đổi mới theo hướng gắn kết với thị trường lao động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng số lượng lao động làm việc trong khu vực có quan hệ lao động. Đồng chí Trương Thị Mai đã biểu dương những thành tích trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp những năm qua và sáng kiến của Bộ LĐ-TB&XH về việc tổ chức tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc tiêu biểu năm 2020.
Tại buổi Lễ, Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trương Thị Mai đã dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo tới các lĩnh vực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nói chung, công tác giáo dục nghề nghiệp nói riêng để đạt được những thành tựu bước đầu trong thời gian qua.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, tại Việt Nam, trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc đến Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với dự tham dự của hơn 1.500 đại biểu bao gồm đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục… tham gia diễn đàn để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục, phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh mới.
Vào ngày 4/10, Bộ đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 04/10 là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và khai mạc Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020.
Với sự quan tâm đó, công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có những thay đổi căn bản và những bước phát triển quan trọng, góp phần vào những thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật, đồng thời nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam trong khu vực.
Môi trường học tập của các em học sinh, sinh viên ngày được quan tâm, tạo điều kiện; vận dụng các phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học tiên tiến, hiện đại; quan tâm giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh, sinh viên.
Những kết quả quan trọng này đã góp phần đưa chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc (xếp thứ 102/141) tại báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
“Công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng trở nên cấp thiết, trong đó việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu là điều rất quan trọng, góp phần xây dựng môi trường và tạo động lực cho học sinh, sinh viên thi đua học tập tốt, rèn luyện, phấn đấu, phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tuyên dương Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu. Các học sinh, sinh viên được tuyên dương là những em có thành tích xuất sắc toàn diện trong học tập và rèn luyện, tiêu biểu về đạo đức và lối sống, được đề cử và xét chọn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
Bộ LĐ-TB&XH đã thống nhất lựa chọn và tuyên dương 130 học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu nhất, trong đó có 49 học sinh, sinh viên là nữ, 30 em là người dân tộc thiểu số.
Thu Hà