Nghiện game trở thành một vấn nạn trong giới thanh thiếu niên nhiều năm trở lại đây. Không ít đối tượng nghiện game không ăn không ngủ, bỏ bê học hành rồi bị tâm thần, trầm cảm, thậm chí lấy cắp đồ gia đình để bán chơi game. Chứng nghiện game gây ra nhiều hệ lụy trong cuộc sống. Trong đó, có không ít vụ án mạng nghiêm trọng liên quan đến game.
Ảo giác trong game mang ra đời thực dẫn đến vụ án thương tâm
Mới đây, cháu bé 5 tuổi ở xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu, Nghệ An) tử vong bất thường, có dấu hiệu bị sát hại. Công an đã triệu tập nghi can Đào Ngọc H. (học sinh lớp 11, hàng xóm nạn nhân) để làm rõ.
Được biết, Đào Ngọc H. là người nghiện game. Thông tin trên báo Lao Động, làm việc với cơ quan công an, bước đầu H. khai nhận việc đưa bé Đ. vào khu vực rừng dẫn đến cái chết của bé là do nam sinh này thực hiện theo trò chơi điện tử.
H. đưa bé Đ. đi với động cơ là "giấu" bé rồi sau đó sẽ đưa cháu bé về như mình là người có công tìm ra bé. Tuy nhiên, khi thấy gia đình, cơ quan chức năng đi tìm, nam sinh H. lo sợ không đưa cháu bé về nữa, dẫn đến sự việc đau lòng.
Nam thanh niên nghiện game xông vào trường chém học sinh
Vào giờ ra chơi sáng ngày 3/5/2019, đối tượng Đỗ Mãnh Chiểu Minh bất ngờ xông vào trường Tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) với nhiều biểu hiện bất thường. Sau đó, đối tượng dùng dao đâm chém loạn xạ các em học sinh.
Vụ việc khiến em Lê Hữu P. (học sinh lớp 5A) tử vong, cùng 4 em học sinh và một cô giáo bị thương. Sau 1 giờ lẩn trốn ở địa bàn bên cạnh, đối tượng Minh đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Lời khai ban đầu của nghi phạm còn chưa rõ ràng, chứa nhiều mâu thuẫn và lộn xộn nên vẫn chưa xác định rõ nguyên do. Nhận định ban đầu, đối tượng Minh là người ít nói, chỉ nhốt mình trong phòng chơi game, vô công rỗi nghề, sống cùng bố và ông bà nội.
Giết người vì "mệnh lệnh ảo"
Ngày 19/6/2013, Phạm Văn Trọng (SN 1993, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, sinh viên năm hai trường Đại học Cần Thơ), bị bắt để điều tra về hành vi giết người.
Tại cơ quan điều tra, hung thủ khai nhận thực hiện nhiệm vụ theo một mệnh lệnh “ảo” của chủ nhóm game: "Phải giết được 10 người nếu muốn tham gia nhóm.
Ngay lập tức, Trọng về nhà trọ và lên kế hoạch tỉ mỉ cho việc mỗi ngày giết 1 người (5 nam, 5 nữ) và ra chợ mua hung khí gây án gồm 2 con dao, khẩu trang, găng tay và một chiếc ba lô màu đen. Rất may hành động điên rồ này của hắn kịp thời được ngăn chặn.
Dù bị bắt vì hành vi giết người, tại cơ quan điều tra, đối tượng Trọng vẫn khai rằng kế hoạch giết người đã được suy nghĩ kỹ càng, vạch sẵn từ trước đó nên “cảm thấy tiếc vì việc giết người không thành công”. Trọng thừa nhận, việc giết người của mình là xuất phát từ việc nguyện vọng muốn được tham gia vào một nhóm game online.
Trong nghiên cứu về vấn nạn nghiện game ở thanh thiếu niên, PGS.TS Trần Thành Nam - chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - cho biết không riêng Việt Nam, thế giới cũng ghi nhận nhiều vụ án nghiêm trọng do trẻ vị thành niên gây ra dưới tác động tiêu cực của việc chơi game.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, "Game thỏa mãn cho người chơi những điều không làm được ở ngoài đời thật như kết hôn, nuôi con, xây ngôi nhà mơ ước, hay trở thành vua, thành anh hùng, bắn giết, chiến thắng kẻ khác. Nhưng khi không dứt ra được thế giới ảo đó, người nghiện game có thể mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật" và "Những kẻ phạm tội có ảnh hưởng từ game đều rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật".
Chơi game không phải là điều xấu, thậm chí giúp vui vẻ, giảm căng thẳng trong cuộc sống. Nhưng việc lạm dụng game, đặc biệt là trò chơi mang nặng tính bạo lực, đến mức gây nghiện, và sinh ra ảo giác thì rất nguy hiểm.
Trúc Chi (T/H)