Nghiệp đời truân chuyên của cụ bà nguyện hiến xác cho y học

Nghiệp đời truân chuyên của cụ bà nguyện hiến xác cho y học

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Chẳng mấy ai nhớ tên thật của cụ, người ta vẫn gọi cụ bằng cái tên thân mật "bà Cân" bởi 26 năm qua, cụ gắn chặt cuộc đời mình với chiếc cân, lặng lẽ mưu sinh nơi vỉa hè khu vực Thanh Xuân này. Cụ ngồi đây kiếm đồng ra đồng vào để tự nuôi thân với hy vọng khi "nhắm mắt xuôi tay", có thể hiến xác phục vụ y học.

Lưng còng còm cõi mưu sinh

26 năm qua, ngày nào cũng vậy, cứ 10h sáng, người dân khu vực Bách hóa Thanh Xuân (Hà Nội) lại thấy một cụ bà dáng người nhỏ thó, lưng còng tập tễnh đẩy chiếc xe cút kít đến ngồi bán hàng tại một góc nhỏ của khu Bách hóa. Dưới tiết trời lạnh tê tái, bà lão ngồi co ro như cố thu mình lại, đôi mắt khô gầy không ngừng ngóng ra phía đường... Khuôn mặt bà hằn lên những nếp nhăn của thời gian.

"Gian hàng" nhỏ của "bà Cân" chỉ vẻn vẹn vài cuốn lịch vạn niên (trong đó có vài cuốn của năm ngoái), vài quyển lịch bỏ túi và lổm cổm mấy bao thuốc lá đặt trên một miếng xốp cáu bẩn. Nhìn sạp hàng của cụ, chúng tôi không khỏi ái ngại, nhưng chính cụ thì lạc quan đến lạ. Cụ "khoe" một quyển sách 10 nghìn thì lãi được 2 nghìn, không bán được người ta cho trả lại. Tôi không chắc liệu cụ có biết những quyển lịch đang bán đã "hết hạn sử dụng" không và liệu người ta có cho cụ trả lại những quyển sách đã quăn hết mép và sờn rách như thế không nữa?

Đồ vật có giá trị nhất trong sạp hàng của cụ có lẽ là chiếc cân to kèm thước đo chiều cao. Cụ nói: "Bà "đầu tư" một triệu ba vào chiếc cân này đấy. Cân này đo được cả chiều cao mà lại bền, nó còn bền và chuẩn hơn cả những cái cân "biết nói" mà người ta cứ đẩy đi khắp nơi ấy chứ. Bà phải lên tận Tràng Tiền để mua cái cân này đấy, nó là loại bền nhất nhưng cứ ba năm là phải thay cân mới vì dần dần xích cân bị mòn đi, cân không chuẩn nữa. Chẳng bao giờ bà gỡ lại được tiền mua cân đâu, bà sắm nó coi như có một khoản rồi "bóc ra" ăn dần thôi".

Không như những người bán hàng khác, "bà Cân" chẳng giấu diếm gì về những khoản lỗ lãi. Cụ tự hào, cả sạp hàng với cái cân đem lại thu nhập hai đến ba chục nghìn mỗi ngày. Số tiền vừa đủ để trang trải tiền ăn, tiền nhà và tiền thuốc. Mỗi ngày, cụ phải chi 13 nghìn đồng mua những viên thuốc giảm đau cho bệnh viêm khớp mãn tính. Có liều thuốc giảm đau nhanh, uống là đỡ đau ngay nhưng cụ không dám mua vì cái giá 9 nghìn mỗi viên quá cao so với thu nhập của cụ. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, cụ vừa nắn bóp cánh tay đau, những nếp da nhăn nheo xô vào nhau làm lộ ra cánh tay gầy guộc đến tội. Hai chân cụ giờ đi lại rất khó khăn, ngay việc đứng lên ngồi xuống cũng là cả một thử thách đối với cụ.

Pháp luật - Nghiệp đời truân chuyên của cụ bà nguyện hiến xác cho y học

Sạp hàng tuềnh toàng của "bà Cân" trước cửa Bách hóa Thanh Xuân, Hà Nội

Hiện tại, cụ đang sống trong một căn phòng trọ tồi tàn rộng 6m2, cách bách hóa Thanh Xuân hơn 2km. Căn phòng vừa đủ để kê một chiếc giường nhỏ và một "khu vệ sinh" rộng 1,5m2. Cụ còn sắm cho mình một chiếc bếp ga du lịch nhưng hiếm khi nấu vì "giờ già rồi, bà ăn được mấy đâu, dùng nó phí đi". Đợt trước, không có đồng nào trả tiền thuê trọ, cụ phải ngủ vạ vật ngoài vỉa hè bách hóa suốt mấy tháng trời. Cụ chọn luôn chỗ bày sạp hàng để ngủ. Nhắc lại câu chuyện này, cụ cười vui vẻ. "Thời gian bà phải ngủ ngoài này không ai lấy đồ của bà cả. Bà còn ngủ cạnh mấy thằng nghiện suốt đấy nhưng được cái chúng cũng ngoan lắm, không đụng đến đồ của bà đâu".

Cụ cười nói tiếp: "Ngủ ngoài này tiết kiệm cả mấy triệu tiền thuê nhà đấy. Tiền thuê nhà mới đầu chỉ khoảng 300 nghìn đồng, bây giờ đã tăng lên 1,1 triệu rồi. Khi nào bà hết tiền, bà lại ra đây ngủ cho tiết kiệm, 4 tháng ngủ ngoài này bà cũng tiết kiệm được vài triệu đấy". Thời gian đó, cụ phải mua nước để rửa mặt, mỗi tháng cũng mất vài chục nghìn đồng, nói rồi cụ lại cười móm mém: "Giờ bà cứ ở trọ, bao giờ hết tiền lại ngủ ở đây, có tiền lại về nhà trọ".

Mong sớm ra đi để được hiến xác

Hàng chục năm ngồi ở góc bách hóa này, "bà Cân" cũng có nhiều khách hàng quen thuộc. Đôi khi, những người làm tại các văn phòng gần đó lại ra hỏi thăm, nói chuyện cho cụ đỡ buồn. Cụ rất hay chuyện, vừa nhác thấy bóng người quen, cụ lại hồ hởi trò chuyện như thể không biết mệt. Cụ kể chuyện mấy hôm trước cụ suýt bị mất trộm. Cụ tường thuật lại: "Hôm đó bà trải chiếu nằm nghỉ, khi bà vừa đứng lên, quay lưng đi thì có người đến lục đồ. Nó lật tung cái chiếu của bà lên để xem bà có giấu tiền ở đấy không, bà làm gì có tiền mà giấu, mỗi ngày được vài chục, có mấy đồng lẻ để trong người chứ làm gì có của cất đi. Mà không phải mấy đứa nghiện đâu nhé, bọn nghiện nó còn tử tế chán".

Khi chúng tôi ngỏ ý hỏi về người thân, ánh mắt cụ đượm buồn, cụ trả lời ngắt quãng: "Năm 1957, khi mới 26 tuổi, bà một mình rời quê hương Thái Bình lên Hà Nội lập nghiệp. Ngay những ngày đầu đến thủ đô, bà làm rất nhiều việc để kiếm sống rồi cuối cùng có một sạp hàng xén ở khu chợ Xanh. Một thời gian sau, bà lập gia đình. Làm ăn vất vả cùng với tiêu pha chắt bóp, hai vợ chồng bà cũng mua được một căn nhà ở khu vực đối diện Bách hóa Thanh Xuân. Những tưởng cuộc sống của bà từ đó sẽ ổn định và êm đềm nhưng bất hạnh ập xuống khi chồng bà ra đi sau cơn bạo bệnh. Lúc đó bà mới chỉ 38 tuổi. Căn nhà hai ông bà gây dựng được cũng phải bán đi để chạy chữa cho ông nhưng ông đã không thể qua khỏi".

Mất nhà, mất chồng, người con trai là chỗ dựa duy nhất của cụ. Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn khi anh bị viêm dạ dày và qua đời ít lâu sau đó. Nhắc tới người con trai chết trẻ, cụ bà 82 tuổi nghẹn lời. Đôi mắt khô gầy như cố ép cho giọt lệ chảy ra nhưng cụ không thể khóc. Có lẽ cụ đã khóc quá nhiều trong suốt cuộc đời cay đắng của mình. Cụ gần như chẳng còn người thân thích vì cô con dâu sau đó cũng tái giá, dắt theo đứa cháu nội, cụ đành chấp nhận số phận và sống cảnh neo đơn. Cách đây 26 năm, khi thấy mình tuổi đã cao, không thể làm việc nặng nhọc được nữa, cụ sắm một cái cân sức khỏe ra ngồi ở hè Bách hóa Thanh Xuân và cứ ngồi ở đấy từ đó đến nay.

Khi được hỏi về nguyện vọng lúc xế chiều, cụ nở một nụ cười hiền hậu: "Bà chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được hiến xác cho y học mà thôi. Bà đã nhiều lần viết đơn cho bệnh viện Bạch Mai xin được hiến xác nhưng họ đều từ chối". Thấy mình tuổi cao, sức yếu lại không nơi nương tựa nên cụ rất sợ bệnh tật kéo tới phải nằm một chỗ không có người chăm sóc thì càng khốn khổ. Bởi vậy, cụ quyết định hiến giác mạc và xác sống với suy nghĩ chắc sẽ có ích cho nhiều người. Cụ nhấn mạnh, mắt và tai cụ còn tinh lắm, cụ muốn hiến tặng đôi mắt cho những người chưa từng nhìn thấy ánh sáng bao giờ.

Cụ nói, giọng dõng dạc: "Bà thích thế. Bà thấy còn nhiều người khổ hơn cả bà. Người thì hỏng mắt, người thì hỏng thận. Cũng nhờ đọc báo, bà mới biết mình có thể hiến xác cho y học. "Thủ trưởng" bệnh viện bảo, khi nào bà qua đời người ta mới nhận xác bà. Chứ bà còn sống thì người ta không nhận, thế mới khổ". Cụ nghĩ rằng, bản thân mình khi sinh ra đã không đóng góp được gì cho xã hội. Tiền của thì không có, tài sản duy nhất mà cụ giữ được chính là lòng nhân hậu và tình người. Con người sống với nhau phải có tình, quý nhau là ở cái tình. Hiến xác vừa giúp được người khác lại vừa văn minh, văn minh hơn nhiều việc hỏa thiêu và chôn cất".

Việc cụ hiến xác cho bệnh viện là một cách cụ đóng góp cho xã hội, cho những mảnh đời bất hạnh hơn cụ. Ánh mắt cụ tỏ vẻ tiếc nuối vì nguyện vọng của cụ chưa được thực hiện. Nhưng cụ vẫn hy vọng, sau khi qua đời, cơ thể cụ sẽ giúp ích cho ngành y học từ đó có thể góp phần chữa bệnh cứu người.

Hàng rong và cơm muối vừng

Ngồi cả ngày ngoài vỉa hè, cụ gặp gì ăn nấy, thấy hàng rong gì đi qua thì cụ mua và ăn cho đỡ đói. Cụ thường mua hai nắm cơm và ăn với muối vừng, mỗi bữa cụ ăn một nắm cơm bằng nắm tay giá 3 nghìn đồng. Cụ bảo: "Bây giờ, không ăn được mấy, cứ muối vừng mà ăn là tốt nhất. Mà muối vừng cũng rất ngon đúng không?".

Thanh Xuân - Hồng Nhung


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.