Nhà tâm lý tài ba
Hơn 28 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi đồng (TP.HCM) đã có không ít kỷ niệm vui buồn. Chia sẻ về công việc của mình, bác sĩ Khanh cho hay, làm bác sĩ đã vất vả nhưng bác sĩ Nhi khoa thì áp lực tăng gấp đôi. Bởi trẻ con chưa biết nói hoặc nói chưa sõi nên bác sĩ phải sử dụng kinh nghiệm để tìm ra đúng bệnh cho bé.
“Đối với bác sĩ Nhi khoa tiêu chí đầu tiên đó là sự nhanh nhẹn, biết lắng nghe và thấu hiểu. Bởi, các bệnh nhi vốn rất “khó tính”. Chỉ cần nghe thấy đi bệnh viện, gặp bác sĩ là các bé đã òa khóc rồi. Đến khi gặp bác sĩ, được thăm khám bệnh thì càng khóc nhiều hơn. Thậm chí có em còn giãy đạp không cho khám đã gây khó cho bác sĩ chẩn đoán. Vì thế, bác sĩ Nhi cần phải thấu hiểu, biết cách dỗ dành các bé”, bác sĩ Khanh nói.
Chia sẻ bí quyết dỗ dành bệnh nhân, bác sĩ Khanh cho biết, đối với các em nhỏ, chúng ta càng nhẹ nhàng bao nhiêu thì càng “lấy lòng” được bệnh nhân của mình bấy nhiêu. Khi khám cho những bệnh nhi cũng cần sự nhẹ nhàng, từ từ. Kỹ năng phát hiện triệu chứng cũng rất cần thiết vì trẻ con khác người lớn rất nhiều.
Cũng theo bác sĩ Khanh, ngoài việc khám bệnh cho các bé, bác sĩ cần phải lắng nghe người nhà bệnh nhân chia sẻ, bởi họ là người theo dõi các bé nhiều nhất, họ sẽ nắm được cụ thể tình hình bệnh tật. Làm việc trong môi trường áp lực, đòi hỏi bác sĩ Nhi không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là những nhà tâm lý tài ba. Họ khéo léo, nhẹ nhàng và rất được lòng con trẻ. Chưa kể, họ cũng rất thấu hiểu bố mẹ bệnh nhi cần gì, muốn gì.
Những kỉ niệm buồn, vui
Theo chia sẻ của bác sĩ Khanh, trước đây, khi còn trẻ, ông phải trực nhiều. Thậm chí, ít khi được đón tết cùng gia đình. Những lúc như thế, ông biết vợ con sẽ buồn nhưng ông phải giải thích để mọi người hiểu, vì đây là đặc thù của nghề. Không thể bỏ bệnh nhân để về ăn tết được.
“Bệnh tình của bệnh nhi diễn biến rất nhanh nên chúng tôi dường như phải túc trực 24/24 giờ ở đó để kịp thời xử lý tình huống. Hơn nữa, có nhiều phụ huynh thường hay xung đột với bác sĩ khi chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Những lúc như thế, chúng tôi lại phải bình tĩnh chờ, lắng nghe xem họ thắc mắc điều gì để giải quyết vấn đề. Nếu như khi ấy bác sĩ Nhi khoa lại áp đặt suy nghĩ của mình cho họ thì xung đột sẽ nhiều hơn và chúng ta cần giải thích cho họ hiểu. Có như vậy mới lấy được niềm tin của người nhà bệnh nhân”, bác sĩ Khanh kể.
Có lẽ, nhắc đến bác sĩ Khanh nhiều người sẽ nhớ ngay đến một “hiệp sĩ chống dịch”. Thế nhưng, khi nhắc đến cái tên đó ông nói: “Đã làm được gì nhiều cho các cháu nhỏ đâu. Với tôi, mỗi ngày còn sức khỏe sẽ cố gắng mang lại tiếng cười trẻ thơ cho các cháu”.
Không chỉ là “hiệp sĩ chống dịch” mà bác sĩ Khanh còn là một người mê con nít. Ông mê con nít, mê nụ cười con nít. Mỗi lần khám chữa bệnh cho các cháu nhỏ xong được nhìn chúng cười đùa, nụ cười hồn nhiên đó chính là động lực, món quà quý giá nhất mà ông được tặng.
Mới đây, bác sĩ Khanh đã mở “phòng mạch facebook” nhằm phục vụ việc tư vấn, khám chữa bệnh các bệnh nhi. “Hiện nay có rất nhiều bà mẹ đang hiểu sai về cách chữa bệnh, họ không có kiến thức chăm sóc con nhỏ. Mà trẻ con bệnh tình diễn biến đột ngột, không đơn giản như người lớn. Nên tôi lập ra Hỏi đáp nhi đồng này cũng rất mong được tư vấn cho họ.
Mới thành lập được hơn 3 năm nhưng tôi cũng giải quyết được nhiều thắc mắc từ các bà mẹ có con nhỏ và “phòng mạch” của tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tôi tư vấn hoàn toàn miễn phí chỉ mong sao các gia đình có con nhỏ sẽ đưa ra quyết định tốt, đúng hướng để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình”, bác sĩ Khanh trăn trở.