Về đường quan lộ, dù cũng nối gót cha nhiều năm làm quận trưởng Cái Bè, theo dõi tố cáo làm tan rã phong trào Minh Tân đang phát triển rầm rộ ở Nam Kỳ, nhưng do thói hoang dâm vô độ, ỷ thế cậy quyền bắt cướp và hiếp cô dâu ngay trong ngày cưới, con trai Trần Bá Lộc là Trần Bá Thọ đã bị tước hết chức quyền, bị bắt còng như một tên vô lại. Tủi hổ, khi được tại ngoại, Thọ đã bắn vào đầu tự sát.
Ngôi mộ Trần Bá Thọ (thấp) bên cạnh ngôi mộ chôn đứng của Trần Bá Lộc.
Cây độc sinh trái độc
Trần Bá Lộc chỉ có một người con duy nhứt là Trần Bá Thọ. Ngay từ nhỏ tính tình Thọ đã cao ngạo hống hách và chính tính cách này đã phá nát cơ nghiệp và cuộc đời của Thọ. Có một giai thoại về Thọ lúc còn nhỏ như sau:
Một nhà nho khí tiết tên Nguyễn Văn Thạnh, quê quán ở Định Tường, đậu khoá thi Hương (cử nhân) ở Gia Định làm quan tại Bình Thuận. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ , Cử Thạnh từ quan, về quê sống ẩn dật.
Lúc nầy Trần Bá Lộc là chủ quận Cái Bè, nghe danh Cử Thạnh nên mời ông ta về nhà làm gia khách dạy chữ nho cho Trần Bá Thọ. Một hôm thấy thầy Cử Thạnh rậm râu, hay hút thuốc, Trần Bá Thọ ra câu đối châm chọc:
"Râu ba chòm lém dém, miệng hút thuốc phì phèo".
Nhìn lại thấy Thọ tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đầu hói, tóc thưa, đi đâu cũng cầm ba - ton ra vẻ hống hách, nên thầy giáo ứng khẩu đối ngay:
"Tóc vài sợi le the, tay cầm gậy ngúc ngắc".
Câu đối của thầy cử Thạnh rất hiểm, nghĩa đen chỉ hình dáng của Thọ, nhưng nghĩa bóng có thể hình dung là bộ sinh dục của đàn ông. Bị một vố đau nhưng Thọ chưa thoả mãn, ra thêm một câu đối nữa mang thâm ý khoe khoang thân thế quan chức của cha mình:
"Phụ từ, tử hiếu, sanh con thế ấy là vàng"
Bực mình, thấy đứa học trò ngạo mạn, thầy giáo đốp thẳng vô mặt Thọ:
"Tham phú, phụ bần, đụ mẹ thằng nào ở bạc!"
Độc ác không thua cha, nhưng Thọ thâm hiểm hơn, một mặt y rình mò theo dõi các hoạt động yêu nước của người Việt ở Nam Kỳ, một mặt lại giả danh những hoạt động văn hóa.
Để thể hiện mình cũng có văn hóa, Thọ mướn người dịch và đứng tên xuất bản quyển “Nhị thập tứ hiếu" bằng Pháp văn và Quốc ngữ để giáo dục dân chúng về luân lý, đạo đức của Nho giáo.
Trong lời tựa sách, Thọ viết "người Việt không kính trọng các kẻ hợp tác với Pháp và nói tiếng Pháp vì họ bị cô lập không nói được tiếng ấy và cũng không được giáo dục nữa".
Nhưng thực ra đây là một quyển sách cổ hủ, cổ súy cho quan niệm hiếu thảo man rợ như Quách Cự chôn con để bớt miệng ăn nhường cơm cho mẹ, Vương Tường nằm trên băng chờ bắt cá chép cho vui lòng mẹ ghẻ… Trần Chánh Chiếu khinh bỉ Thọ, gọi mỉa mai là "Phước Tân" (Phước Tân có nghĩa là cháu ông Phước con ông Lộc, nhưng lại có nghĩa theo diện số đề 36 hoặc 40 thì là "con chó") và nói thẳng là hãy bán hết tài sản làm từ thiện để chuộc lại tội ác.
Sự nghiệp tan tành vì cưỡng hiếp cô dâu trong đám cưới
Cũng giả dạng theo nghiệp Minh Tân, Trần Bá Thọ quy dân lập ấp, xây chợ, cất nhà ở Sa Đéc, nơi cha con Thọ có rất nhiều đất đai để kiếm thêm tư lợi xây dựng cơ ngơi điền sản rất lớn. Dân chúng Sa Đéc vạch trần việc lợi dụng chuyện nhân danh công ích để làm giàu riêng bằng hai câu đối:
“Tân thị Mỹ Thành, chánh bổ Lục na sáng tạo
Quy dân lạc lợi, Hùng đường, Trần Bá Thọ kinh dinh”
Phẫn uất trước sự bóc lột tàn nhẩn của Thọ, nông dân, tá điền Sa Đéc đã nổi dậy đốt cháy toàn bộ dinh cơ và lúa thóc dự trữ ở đây.
Khi làm tri phủ quận Tân Bình, Sa Đéc, quen thói tàn bạo và đa dâm, Thọ hay bắt con gái mà cưỡng bức. Lúc này chí sĩ Đặng Thúc Liêng, một thành viên tích cực của nhóm Minh Tân, là bạn chí thân của Trần Chánh Chiếu vừa ra tù (bị bắt trong vụ Minh Tân) về quê vợ ở tại làng Tân Qui Đông tỉnh Sa Đéc mở phòng mạch đông y trị bệnh.
Ông Liêng là học trò của hai ông Phan Tôn, Phan Liêm (con cụ Phan Thanh Giản) vốn nổi tiếng giỏi cả chữ nho, tiếng Pháp nên được chủ tỉnh Sa Đéc là André Mast mời dạy chữ nho và được chủ tỉnh tin cậy, nể trọng.
Ngày nọ, nghe tin Trần Bá Thọ cưỡng đoạt cô dâu giữa tiệc cưới ở làng Tân Dương, ông Đặng Thúc Liêng yêu cầu tham biện Mast gởi công điện về phủ Thống đốc Nam Kỳ mời một thanh tra Pháp xuống điều tra.
Vừa hỏi xong khẩu cung của Thọ, thanh tra ra lệnh ngưng chức và giam Thọ như một tên tội phạm hèn mạt. Những Việt gian bạn bè Trần Bá Lộc kể lể công lao của Lộc trước đây để xin cứu Thọ nhưng André Mast và các quan chức Pháp thuộc phái Xã hội đã quyết liệt yêu cầu phải xử nghiêm để làm trong sạch bộ máy. Thọ bị giải về Sài Gòn, giam vài tháng rồi bị cách chức.
Tan tành tham vọng làm lãnh chúa Cù Lao Ngũ Hiệp
Một bài báo gần đây có bài viết về Trần Bá Thọ, trong đó có câu chuyện giành gái với quan tham biện Vĩnh Long như sau: “Trong một cuộc đua trâu với gã Tây chủ cù lao 5 thôn, Thọ chợt nhìn thấy một cô gái con thầy thuốc bắc, và mê.
Nhưng ở vùng đất của Ta Lơ Feo thì làm sao có chuyện An Nam Mít mà chọn thứ chỉ để dành cúng quan Tây. Thọ đưa lời thách thức. Bạn của Ta Lơ Feo là quan tham biện bèn tham chiến. Thọ hơi chùng vì gặp phải quan Tây. Về thỏ thẻ với đốc phủ Lộc, Thọ nhận được sự đồng ý của cha.
Chỉ vài tháng sau, toàn bộ gần 5.000 mẫu vườn cây ăn trái của Ta Lơ Feo đã được mua lại với giá hời. Đương nhiên, như thời thuộc địa, những thứ đi kèm với vùng đất, đại thể là cô gái đẹp cũng được xem là vật đi kèm. Và chủ nhân mới của cù lao 5 thôn, lại chính là gia đình đốc phủ Lộc”.
Câu chuyện này chỉ đúng về tính chất háo sắc của Trần Bá Thọ nhưng không chính xác về chuyện làm lãnh chúa cù lao Ngũ Hiệp, hay còn gọi là cù lao Năm thôn.
Trần Bá Thọ đã không mua mắc mà mua cù lao này rất rẻ. Mua không phải nịnh nọt ai mà là nhân cơ hội túng cùng của chủ cũ. Và chính cù lao này là nơi kết thúc số phận của y.
Năm 1871, cù lao Năm Thôn bị đem ra phát mại. Trần Bá Lộc lúc đó đang là chủ huyện Cái Bè nhân cơ hội này mua lại cù lao Năm Thôn với tham vọng làm lãnh chúa. Trần Bá Lộc đầu tư mở rộng đất canh tác tại đây lên tới 750 ha.
Trần Bá Lộc chết, Trần Bá Thọ kế thừa di sản, trong đó có cù lao Năm Thôn, tiếp tục giấc mơ làm lảnh chúa ở cù lao này và cũng đi theo vết xe đổ của chủ cũ. Do tham lam, đầu tư quá lớn, bóc lột người dân nặng nề nên nông dân đồng loạt bỏ trốn công cuộc làm ăn thất bại.
Bị mất chức sau vụ cưỡng đoạt cô dâu, công cuộc làm ăn bị thất bại, nợ nần chồng chất, dinh cơ đồ sộ ở Sa Đéc bị dân đốt cháy, đất đai bị ngân hàng tịch biên phát mại, Trần Bá Thọ đã bắn vào đầu tự sát năm 1909.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường đánh giá về Trần Bá Thọ như sau: "Trần Bá Thọ, tuy có leo đến chức Tổng đốc Danh dự (chức hàm), nhưng vẫn lẹt đẹt ở thuộc địa làm một loại địa chủ cường hào của vùng Cái Bè, bắt chước thực dân vụng về khai thác cù lao Năm Thôn đưa đến thất bại phải tự tử thảm thương”.
Theo Xa lộ pháp luật