Thay cha hứng búa rìu của miệng thế gian
Nga không biết bố mình đã gây ra tội nghiệt gì. Ông mất khi cô mới 9 tuổi. Ký ức của cô lưu giữ bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ, ấm lòng về cha: ông bế cô lên xoay tít mấy vòng mỗi lần về nhà; luôn mua quà cho cô sau mỗi đợt công tác, cười khì ôm lấy cô "chạy trốn" những cơn sấm sét của mẹ khi cô mắc lỗi... Đối với Nga, bố là điều tốt đẹp khiến cô luôn thấy yêu mến, tin cậy nửa kia của thế giới.
Ở tuổi mới lớn, Nga bắt đầu cảm nhận được cái nhìn khác lạ của hàng xóm, với những câu bình phẩm vừa lén lút vừa như cố tình để hai anh em cô nghe được: "Nhìn thằng bé giống hệt bố nó, chẳng biết có tử tế hơn không", "Giỏ nhà ai quai nhà nấy thôi", "Con bé trông xinh tệ", "Ừ, xinh, ngày xưa bao nhiêu đứa con gái xinh cũng khổ cả đời vì bố nó đấy thôi"...
Nga về hỏi mẹ tại sao họ nói về bố như vậy, ông đã gây ra tội lỗi gì, nhưng mẹ cô luôn né tránh, chỉ bảo rằng, bố yêu các con...
Gia đình Nga sống ở ngoại vi một thành phố miền Đông Bắc, nơi phần lớn dân cư đã sống ở đây nhiều đời, láng giềng đều biết hết tông tích của nhau.
Năm 19 tuổi, nhờ quyết tâm gạn hỏi cô bạn cách nhà mấy chục mét, Nga mới biết chuyện của bố mình: Ngày xưa bố vừa đẹp trai vừa tài giỏi. Vì giỏi, bố trở thành người có quyền lực. Vì đẹp trai, bố được rất nhiều phụ nữ si mê, và bố đã "tận dụng" họ theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ một cách không thương tiếc.
Ảnh minh họa
Một trong số nạn nhân của bố Nga cũng sống ở xóm này - một cô gái 23 tuổi, đã có chồng chưa cưới. Như bị ma ám, cô kiếm cớ bỏ vị hôn phu bằng được. Mọi người không biết quyết định của cô bắt nguồn từ tình cảm cuồng si với bố Nga, lúc đó đã có vợ và một con, cho đến khi cô tự tử với cái thai mới tượng hình mà tác giả là bố Nga (điều này được viết trong lá thư tuyệt mệnh).
Nếu là người bình thường, chắc bố Nga đã bị họ hàng cô gái "làm thịt" rồi. Nhưng ông vừa khôn ngoan vừa có tiền bạc với các mối quan hệ đáng giá, chuyện xảy ra lại không có chứng cứ nên cũng yên dần.
Gia đình Nga bị hàng xóm ghẻ lạnh, nhưng chẳng cần như vậy thì mẹ cô cũng đã không dám ngẩng mặt nhìn ai rồi; còn bố cô thì chẳng xem thiên hạ vào đâu. 10 năm sau, ông chết vì tai nạn giao thông. Cảnh nhà sa sút dần. Nhìn cảnh thiếu thốn của họ, hàng xóm bảo nhau: "Trời phạt đấy!".
Năm 23 tuổi, Nga lấy chồng. Chồng Nga ở quê xa nên chấp nhận ở rể. Hai vợ chồng làm ăn khá, toàn gặp may nên chỉ mấy năm đã mua được miếng đất ở nội thành, nếu Nga không có bầu thì đã xây nhà ngay để sớm ra ở riêng rồi.
Trước hạnh phúc của gia đình cô, một số người hậm hực: "Trời không có mắt". Nhưng họ chẳng phải thất vọng lâu. Chỉ ít tháng sau, bất hạnh đã ập xuống: đứa trẻ Nga sinh ra bị dị tật bẩm sinh, không chỉ ốm yếu mà trí tuệ sau này cũng sẽ không thể bình thường được. Đau đớn, thương xót đến đứt ruột, sợ hãi trước tương lai mờ tối, Nga càng suy sụp khi trong một lần ra đầu ngõ mua xương hầm cháo cho con, cô nghe hai bà già nói với nhau: "Con gái ông X. đấy, đẻ ra con quái thai đấy. Đúng là đời cha ăn mặn, đời con khát nước".
Những cuộc đời bị vùi dập bởi "lời nguyền"
Người Việt vẫn thường tin vào quả báo. Niềm tin về luật nhân quả giúp giữ con người trong vòng lương thiện, và giúp họ giải tỏa tâm lý mỗi khi chứng kiến những kẻ xấu xa vẫn tiếp tục thành công, hưởng thụ sung sướng trên thế gian này, và không ít người tốt vẫn phải chịu long đong cơ cực.
Để tự an ủi bản thân tiếp tục tin vào lẽ công bằng của cuộc đời, không vì bất mãn mà tung hê đạo đức, người ta bảo nhau rằng, kẻ làm điều xấu, điều ác nếu vẫn tung tăng, vênh váo ở kiếp này thì chắc chắn sẽ bị đọa đày trong kiếp khác, hoặc con cháu họ sẽ phải gánh tội thay, như cái câu "đời cha ăn mặn, đời con khát nước".
"Vẫn biết nỗi phẫn nộ, căm ghét của người ta trước kẻ gây tội là chính đáng, là dễ hiểu, nhưng sao tôi vẫn thấy rùng mình, nổi gai ốc mỗi khi nghe ai đó 'trù ếm' đồng loại bằng cái câu 'đời cha ăn mặn, đời con khát nước', hoặc hài lòng nói vậy khi con cháu họ gặp chuyện bất hạnh. Tôi thấy điều này có cái gì đó thật cay nghiệt và tàn nhẫn", ông Lương Đình, 53 tuổi, đang sống ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, nói.
Ông Đình kể, sống gần nhà ông có con trai một tay anh chị từng đánh người, đâm người, đòi nợ thuê, làm đủ điều xấu xa, tội lỗi. Anh ta đã mấy lần vào tù ra tội, và chết vì bệnh trong một lần đang thụ án dở dang. Vợ anh ta cũng dân tứ chiếng giang hồ, khi thấy chồng không về nữa thì vứt con cho bố mẹ chồng rồi đi phương khác. Ông bà nội mất, cậu bé 16 tuổi chính thức trở thành tứ cố vô thân.
"Trước đó, nó đã sống khổ sở rồi, không chỉ vì nghèo mà còn vì bị ghét bỏ, khinh rẻ, cảnh giác, cô lập bởi là con một kẻ tội phạm. Sau khi ông bà chết, nó cô độc hoàn toàn, phơi mình trước bao ‘mũi tên’ của người đời", ông Đình kể lại. "Xung quanh hàng xóm có rất nhiều người từng bị bố nó bắt nạt, làm hại, vì thế họ rất hả hê khi nhìn gia đình anh ta chịu quả báo.
Nhiều người khác cũng thấy tội nghiệp nó, nhưng hoặc cho rằng nó phải chịu khổ là đương nhiên, hoặc nghĩ con kẻ xấu không thể là người tốt, nên chẳng một ai giúp đỡ nó, trừ vợ chồng tôi".
Cậu bé đó tâm sự với ông Đình rằng, cậu biết muốn vươn lên thì phải học, nên quyết tâm theo hết cấp ba rồi sẽ học một nghề kiếm sống. Ông hàng xóm tốt bụng đã tư vấn giúp cậu sử dụng những tài sản ít ỏi ông bà để lại để chi cho việc học hành, sinh hoạt trước khi phải bước vào đời.
"Tôi đã động viên thằng bé rất nhiều, nhưng rồi đến giữa năm lớp 12, khi chỉ cố một chút nữa là tốt nghiệp, nó đã bỏ học vì không chịu nổi sự bủa vây của những lời miệt thị từ trường cho tới nhà, sự cô lập, hành hạ của nhiều người. Trước, nó tin rằng nếu cố gắng, đời nó sẽ tươi sáng, nhưng giờ đây nó tuyệt vọng nghĩ rằng nó chả còn cơ hội nào hết", ông Đình tâm sự.
Có lần, cậu bé bảo ông Đình: "Cháu mang trong mình dòng máu tội phạm chú ạ, ai cũng bảo rồi cháu cũng là thằng du côn, thằng tù, thằng chết đường chết chợ, hoặc nếu không thì trời phật cũng phạt cháu vì tội của bố cháu. Mà đúng là trời đang phạt cháu rồi chú ạ, vì cháu học không thể vào đầu, nhiều lúc bị những thằng khác gây sự, chửi mắng, khinh rẻ, cháu rất muốn xông vào bóp cổ chúng nó. Cháu có máu côn đồ trong người, sẽ có ngày cháu làm thế và đi tù".
Những lời phản đối, phân tích của ông hàng xóm tốt bụng chẳng làm cho cậu bé tin tưởng nữa. Một hôm, cậu sang chào ông Nguyên, bảo sẽ đi xứ khác, nơi không ai biết về mình thì mới sống được.
"Nó không nói đi đâu. Khi tôi dặn cố gắng giữ mình làm người tốt, nó không nói gì. Từ đó đến nay tôi chưa gặp lại nó, không biết nó đã là một người đàn ông lương thiện hay đã thành kẻ xấu rồi, khi người ta đã luôn áp đặt cho thằng bé một lời nguyền về tương lai đen tối không tránh khỏi", Lương Đình nói, "Tôi luôn nghĩ, thằng bé ấy như hạt giống của cái cây bị bệnh, có thể nó sẽ mọc được thành một cái cây khỏe mạnh nếu không bị vứt đi. Giá như thiên hạ đừng mong muốn những đứa trẻ phải 'khát nước' cho dù cha ông chúng từng 'ăn mặn', vì chúng vô tội".
Và ngay cả nếu cái luật "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" được trời đất thực thi một cách khắc nghiệt thì con người lại càng không có lý do gì để trừng phạt thêm, gây đau khổ thêm bằng những định kiến, những lời đay nghiến, phán đoán đáng sợ về tương lai, nhất là với những đứa trẻ.
Theo ông Lương Đình: "Có thể chúng ta là người tốt, luôn sống lương thiện, nhưng khi nói ra cái câu giống như lời nguyền rủa ấy, chúng ta đã trở nên độc ác và nhẫn tâm một cách vô tình".
Theo Tri thức thời đại