Con thi đỗ... cha mẹ sợ
Có mặt tại địa điểm thi trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), PV Người đưa tin đã kịp thời ghi lại nỗi lòng của những bậc phụ huynh có con lai kinh ứng thí. Mỗi người một cảnh ngộ, một nỗi niềm, nhưng chủ đề được bàn tán nhiều nhất có lẽ là chuyện học hành, thi cử của các “cục cưng”.
Chị Lê Thị Sen (Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ: “Vợ chồng làm ruộng, nhà có đến ba mặt con, cái ăn còn thiếu, lo cho cậu cả đi thi lần này đã là cố gắng lắm rồi. Cháu mà đỗ thì không chỉ là niềm vui của cả nhà mà còn là vinh dự của cả thôn, cả họ nên bằng giá nào cũng phải đầu tư”.
Ảnh minh họa
Trệu trạo nhai chiếc bánh mỳ khô đét, chị Sen kể tiếp: “Hai mẹ con khăn gói quả mướp lên Hà Nội từ sáng mùng 2. Cũng muốn đưa cháu lên sớm cho quen đường sá nhưng khổ nỗi chẳng có người thân thích lên sớm tốn kém lắm. Nhìn nhiều em học sinh được bố mẹ, người thân đưa đi chơi, thăm Văn Miếu, sờ đầu rùa cầu may… mà tôi thương cháu vô cùng. Tôi vẫn thường an ủi con, nhà mình nghèo, không được như bạn bè, con phải cố gắng thi đỗ. Trước khi đi, vợ chồng tôi chạy vạy khắp nơi vay nóng 2 triệu đồng làm tiền lộ phí. Đời mình đã khổ nhiều rồi, nhưng không vì thế mà con cái khổ theo. Với gia đình tôi, thành công của con cái là niềm động viên và hạnh phúc lớn nhất. Thế nên, khó mấy, khổ mấy, tôi cũng cố gắng vượt qua được”.
Ngồi cạnh chị Sen, cô Nguyễn Thị Huyền (Giao Thủy, Nam Định), chốc chốc lại quay sang bắt chuyện bằng những tiếng thở dài não lòng. Cô Huyền, năm nay đã ngoài 50 tuổi; đầu hai thứ tóc, mắt mờ, chân chậm theo tuổi tác nhưng dường như vẫn chưa yên lòng vì cô con gái rượu. Người phụ nữ luống tuổi này kể, sau khi đi thanh niên xung phong về, cái tuổi nó đuổi xuân đi, mãi mà vẫn chưa yên bề gia thất.
Ngoài 30, cô mới lập gia đình, rồi sinh được cô con gái duy nhất.Mười hai năm nuôi con ăn học, chỉ mong cháu đỗ đạt thành tài, có công ăn việc làm ổn định. “Dù thiếu thốn thế nào cũng cố cho con thi cử được thuận lợi. Gia đình vừa thu hoạch vài hecta dưa chuột, dưa gang... cũng được dăm triệu. Lo cho con chuyến này chắc cũng vừa hết”, cô Huyền cho biết.
Cô Huyền kể, bình thường ở nhà, cả gia đình chỉ dám ăn 10 nghìn một bữa, lên Hà Nội giá cả đắt đỏ, một bữa cơm ngày thi cũng giá 25 - 30 nghìn đồng.
Tại hội đồng thi ĐH Kiến trúc Hà Nội, chị Dương Thị Trang (Triệu Sơn, Thanh Hóa) lại có một tâm trạng hoàn toàn khác. Đưa con lên Thủ đô ứng thí, nhưng trên gương mặt người phụ nữ ấy vẫn toát lên vẻ lo lắng, khắc khổ. Chị kể, nhà có ba đứa con gái. Bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm chỉ biết con lợn, hạt thóc. Cả ba đứa một buổi đi học, một buổi ra đồng, ăn chẳng đủ no, vậy mà đứa nào cũng học rất giỏi. “Cháu Lan (con chị Trang – PV) học khá nên đậu là cầm chắc rồi. Nhưng tôi lo lắm, đỗ đạt cháu vui, gia đình tôi cũng hãnh diện nhưng cha cháu chắc sẽ khổ hơn đây. Cả ngày làm quần quật nuôi bốn miệng ăn, tôi thì hay đau ốm chẳng giúp được gì, giờ cháu đỗ, gia đình tôi lấy đâu tiền nuôi nó 4 - 5 năm học”.
Cầu thần linh giúp con “vượt vũ môn”
Thức trắng đêm học cùng con, lặn lội hàng trăm cây số để động viên con tự tin bước vào phòng thi, thậm chí “cậy nhờ” thần linh để trợ giúp sĩ tử… đó là tâm trạng của hàng nghìn phụ huynh có con em đi thi. Mặc dù rất tin tưởng vào khả năng của con nhưng chị Nguyễn Thị Lành (Khương Đình, Thanh Xuân) vẫn không quên làm công tác tư tưởng cho cậu quý tử trước khi đi thi. C
hị Lành kể: “Cuối tuần trước, mình đã cắt cử bố cháu dẫn chú nhóc đi Văn Miếu Quốc Tử Giám để cầu may. Hôm mùng 2, đích thân mình “áp tải” cháu đến thắp hương và xin sớ tại chùa Phúc Khánh, nhờ sư thầy cầu cho cháu đỗ đạt. Trước đó, mình cũng đi khắp các chùa ở Hà Nội để cầu rồi. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, mình thành tâm chắc chắn “các ngài” sẽ “độ” cho cháu tinh thần minh mẫn, sáng suốt, sức khỏe ổn định, công danh viên mãn”.
Chị Lành cho biết, một tờ sớ thường ghi đầy đủ tên tuổi, số báo danh, địa điểm và phòng thi của thí sinh. Nhiều người còn cẩn thận ghi thêm ngày giờ thi và môn thi cho chắc. “Cũng không phải vì con tôi học kém mà tôi phải đi lễ, tôi thấy đây là việc cần phải làm thì tôi làm”, chị Lành nói.
Không riêng chị Lành, nhiều phụ huynh khi được trò chuyện cũng cho biết rất tin vào tâm linh. Ngoài việc thắp hương cầu khấn gia tiên, đi chùa xin quẻ, nấu chè đậu đỏ để cho con em ăn trước khi đi thi. Bác Nguyễn Văn Phúc (Cầu Giấy, Hà Nội) vốn là một nhà giáo đã nghỉ hưu lại rất tin vào phong thủy, tướng số. Dù đã ở vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng bác Phúc vẫn một mực “giành” suất đưa thằng cháu đi thi. Nguyên do là, bác muốn chính mình đưa cháu “đích tôn” đi như vậy mới may mắn. Trước khi đi, bác Phúc cũng thắp hương cầu gia tiên, chọn giờ hoàng đạo, thậm chí dặn cháu phải bước chân phải khi ra khỏi nhà.
Anh H. (Quốc Oai, Hà Nội) lí giải cho sự “thành tâm” của mình bắt đầu từ việc đến nhờ thầy xem cho cô con gái thi đại học vào năm ngoái. Nghe thầy phán: “Năm nay năm hạn, quý cô bị sao thái bạch chiếu, gia đình phải cẩn thận không lại hỏng việc đại sự”, anh H. đã lo ngay ngáy trong lòng. Nhưng vợ anh thì lại không tin bói toán, bĩu môi chê chồng mê tín dị đoan. Đến ngày đưa cô con gái rượu đi thi chẳng may va chạm xe, cô bé bị gãy chân phải đi cấp cứu và lỡ mất kì tuyển sinh. Về nhà anh H. được phen làm ầm ĩ với vợ, từ sau sự tình cờ trùng hợp ấy anh lại càng tin lời thầy.
Rút kinh nghiệm năm nay, trước kỳ thi vài tháng, vợ chồng anh H. đã rồng rắn khăn gói, lễ nạp đến nhà thầy để xin “tư vấn”. Theo lời thầy, năm nay cháu sẽ công thành danh toại, gia đình cũng an tâm hơn phần nào.
Con đậu đại học ...cũng lo Nén tiếng thở dài, chị Trang kể tiếp: “Chị nó đang học đại học, đứa lớn học Đại học Hà Nội, đứa thứ 2 học Đại học Nông nghiệp. Con bé út nằn nì xin đi thi và mặc dù rất mê tin học, muốn thi đại học Bách khoa nhưng nó nuốt nước mắt bảo con chỉ đăng ký 2 trường của 2 chị thôi. Đỗ thì ở chung với chị, ăn thêm chút với chị cũng được. “Bố mẹ chỉ biết cắm mặt với hòn đất và đôn đáo vay các loại tiền, bất cứ quỹ nào để cho 2 đứa ăn học. Đứa thứ 3 học giỏi nhất, nay nó đậu thì bố mẹ lại thêm lo”, chị Trang nói. |
Anh Đức