Và chính nơi đây, lấp lánh trong ánh xà cừ là những người nghệ nhân tâm huyết, những “bảo tàng sống” đã và đang “giữ lửa” nghề, thắp sáng lên tình yêu nghề cho thế hệ mai sau.
Cách trung tâm Tp.Hà Nội hơn 30km, “đất trăm nghề” Phú Xuyên là nơi sản sinh ra biết bao nhiêu làng nghề truyền thống, nức tiếng gần xa khắp đất Việt. Và trong số đó, đặc biệt phải kể đến làng nghề khảm trai ốc Chuôn Ngọ đã có hàng nghìn năm tuổi.
Theo lời kể của các nghệ nhân trong làng, “ông tổ” nghề khảm trai - Phó tướng thời Lý - Trương Công Thành là một vị tướng tài dưới thời vua Lý Nhân Tông, có nhiều công dẹp giặc ngoại xâm. Sau thời gian làm quan, ông lui về ở ẩn, thường xuyên tìm kiếm vỏ trai về để khảm những đồ thờ cúng. Trước khi mất vào năm 1099, Đức Trương Công Thành đã truyền nghề khảm trai cho người dân thôn Ngọ. Từ đó, nghề khảm trai phát triển và được truyền rộng ra nhiều làng trong xã Chuyên Mỹ cũng như một số vùng khác.
Nghề khảm trai là nghề đòi hỏi phải có trình độ thẩm mỹ cao và năng khiếu bẩm sinh. Quá trình sản xuất có nhiều công đoạn phức tạp từ vẽ kiểu, dũa, đục, tác và đánh bóng. Ngày nay, công nghệ sản xuất đã hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ của máy móc để mài trai. Tuy nhiên, những hình ảnh tinh xảo vẫn phải làm bằng tay. Chính vì vậy, ở thôn Ngọ, truyền thống hiếu học, "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong nghề nghiệp, luôn được coi là “kim chỉ nam” xuyên suốt quá trình lịch sử của làng và của nghề.
Không giống với nhiều nghề gia truyền khác, nghề khảm trai đòi hỏi người thợ phải cần mẫn, hòa mình vào công việc, có khi quên hết nhân tình thế thái đang diễn ra xung quanh. Chính vì lẽ đó, mỗi bức tranh khảm ra đời luôn được tôn vinh như một “tuyệt tác” nghệ thuật, khác xa với những sản phẩm sản xuất hàng loạt hiện nay.
Nghề làm khảm trai gỗ đặc trưng bởi sự hoàn thiện qua 5 bước chính. Đầu tiên, người thợ phải vẽ mẫu trên giấy, sau đó sử dụng kỹ thuật cưa trai theo đường vẽ. Tiếp theo, họ thực hiện quá trình đục gỗ và kết hợp trai vào gỗ bằng keo hoặc sơn ta. Kế tiếp là mài khảm để tạo ra đường nét rõ ràng và sau đó sử dụng bột đen sơn ta để làm nổi bật các chi tiết của bức tranh. Sau khi để khô trong một ngày, sản phẩm được đưa vào máy mài và đánh vecni, đây là công đoạn cuối cùng.
Một trong những nghệ nhân tâm huyết với nghề, đồng thời có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, đó chính là nghệ nhân Nguyễn Đình Hải. Với hơn 30 năm tuổi nghề, nghệ nhân Đình Hải vẫn nhớ những ngày đầu vợ chồng anh xoay sở lập nghiệp. Gian khó trăm bề, vốn ít trong khi sản phẩm khảm trai, khảm ốc vốn kén người tiêu thụ do giá thành cao. Thời điểm ấy, anh Hải phải mang từng bức khảm nhỏ đi rao bán khắp nơi để tạo dựng nghề nghiệp mưu sinh đầu năm 1994. Như “trái ngọt” của những ngày chăm chỉ vun trồng, cày cấy, tính đến nay, vợ chồng nghệ nhân Đình Hải đã có một kho tàng tranh khảm đồ sộ với nhiều tác phẩm đặc sắc, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Tranh của anh Hải được đánh giá là mang tính thời sự với cốt cách nho nhã, đa dạng về cả đề tài và mẫu mã. Theo anh, những chủ đề thường được ưa chuộng bao gồm tranh Tứ quý (thể hiện bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông), hay những tác phẩm về “Vinh quy bái tổ” với ý nghĩa dù học tập, làm việc ở đâu đi nữa thì con người vẫn nhớ về công ơn của ông bà tổ tiên. Hiện nay, anh Hải đang mở rộng thêm các tác phẩm thư pháp thể hiện tình cảm, cuộc sống và các đề tài về lịch sử Việt Nam.
Trực tiếp đến cơ sở sản xuất của nghệ nhân Hải, được nhìn thấy những thao tác tỉ mỉ của người thợ và chiêm ngưỡng những sản phẩm hoàn thiện, chúng tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp của kỹ thuật tinh xảo và nguyên liệu quý hiếm đã kết tinh thành chữ, thành tranh.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải cho biết, tỉa hình bằng dao trên chất liệu vỏ ốc, trai là một giai đoạn khó khăn vì chỉ một nét hỏng thì coi như phải khắc lại từ đầu, nhất là chân dung lãnh tụ.
Tâm huyết với nghề, không khỏi trăn trở, băn khoăn trước mặt trái của cơ chế thị trường, nghệ nhân Nguyễn Đình Hải tâm sự: “Khi chúng ta chú trọng phát triển hơn nữa những nghề thủ công mỹ nghệ thì những tác phẩm mới truyền được cảm hứng lan tỏa và đi sâu vào lòng những người đam mê. Mỗi người thợ của làng nghề như chúng tôi đều tận tâm trau chuốt cho từng sản phẩm với một niềm tin mãnh liệt rằng còn người là còn nghề, và khi nhắc đến hàng khảm, mọi người sẽ nghĩ đến làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ chúng tôi”.
Làng nghề Chuôn Ngọ của ngày hôm nay lại càng đẹp hơn, rạng ngời hơn bao giờ hết bởi chính sự tận tâm của những người nghệ nhân như anh Nguyễn Đình Hải. Họ là những người đang “giữ lửa” cho làng nghề, ngày đêm bền bỉ góp phần truyền lửa tự hào dân tộc, tạo nên nét riêng trong tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Với nhiều năm kinh nghiệm, uy tín trong nghề, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Đình Hải đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Điển hình năm 2016 đoàn nghệ nhân sơn mài Nhật Bản (20 người) đến tham quan; năm 2017, về làm việc với huyện Phú Xuyên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lúc đó cùng các cơ quan chức năng đã đến thăm cơ sở sản xuất của anh.
KHÁNH XUÂN – THUẬN NGUYỄN