Vào hồi đầu tháng 9, bà Lý (51 tuổi, Giang Tô, Trung Quốc) tình cờ xem một video hướng dẫn cách gội đầu để diệt chấy rận bằng cách sử dụng hóa chất trên mạng xã hội.
Thấy hiệu quả bất ngờ nên bà lưu lại để "học hỏi". Cách đây vài hôm, bà Lý bị ngứa đầu mà không khỏi, chợt nhớ lại clip mạng hôm nọ nên bà chạy ra một tiệm tạp hoá mua một chai thuốc trừ sâu Dichlorvos về làm theo.
Bà Lý đã gội đầu bằng thuốc trừ sâu và để ủ trong 20 phút sau đó rửa sạch. Khoảng một giờ sau, người phụ nữ thấy chóng mặt, khó thở và bắt đầu vã mồ hôi, không thể đi lại bình thường.
Nhìn thấy tình trạng bất ổn của bà Lý, gia đình bèn lập tức đưa bà đến bệnh viện Giang Tô. Ở đây, các bác sĩ chẩn đoán bà bị ngộ độc nặng.
Để tẩy sạch hoá chất, họ đã cạo tóc và làm sạch da đầu sau đó đưa bà Lý nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện.
Sau 1 tuần chữa trị, hiện sức khỏe của bà đã tạm thời ổn định.
Trên mạng xã hội, video hướng dẫn cách gội đầu bằng hóa chất mà bà Lý làm theo đã bị gỡ xuống. Cộng đồng mạng Trung Quốc đang lên án gay gắt những người đăng tải video sai lệch khiến người xem gặp họa.
Trước đó, vào ngày 8/9 vừa qua, bé gái 14 tuổi tên Châu Triết sống ở Tào Trang, Sơn Đông, sau khi bị bỏng nặng 96% đã qua đời vào ngày 5/9 vừa qua do bé bắt chước đoạn video hướng dẫn làm bỏng ngô trên mạng.
Sau khi Châu Triết qua đời, cộng đồng mạng không khỏi xót xa và muốn biết được cô bé đã học cách làm bỏng ngô này từ đâu.
Người nhà của Châu Triết cho biết, cô bé đã học cách làm bỏng ngô từ "thánh nữ văn phòng" Tiểu Dã, một trong những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội có hơn 8 triệu lượt theo dõi trên Weibo và hơn 20 triệu lượt theo dõi trên Tiktok.
Sau cái chết của bé, Tiểu Dã đã liên lạc với gia đình và bày tỏ nguyện vọng chia sẻ và giúp đỡ gia đình của cô bé vượt qua thời gian đau buồn.
Theo thông tin từ Zing.vn, gần đây, có một kênh YouTube tên Lay TV đăng tải đoạn phim có tên "23 tuổi vs 1 tuổi". Điều đáng trách, nhân vật lại là một YouTuber Việt!
Trong video này, một em bé khoảng hơn 1 tuổi nghịch nhiều trò với thanh niên lớn tuổi, như kéo ngăn tủ hay gạt ngã.
Đến cuối video, một thanh niên xuất hiện, lôi một chiếc ổ cắm điện nối dài ra đưa cho em bé, và giả vờ chọc ngón tay vào ổ điện bị giật.
Sau 6 ngày đăng tải, đoạn phim nói trên nhận được gần 6 triệu lượt xem, được biết số tiền thu về từ quảng cáo mà YouTube trả cho clip này có thể lên tới 1.000 - 2.000 USD.
Trên nhóm chuyên về làm video YouTube, một thành viên chia sẻ video này và cho biết: "Thật vô nhân tính. Chỉ vì tiền thôi à! Làm video kiểu này khác nào dạy trẻ con giết người".
Một tài khoản khác bình luận: "Làm clip giáo dục, giải trí mà lại đi dạy các cháu tự sát như thế này".
"Đây có thể coi là hành vi hướng dẫn tự tử, hoặc giết người. Nên có hình phạt thích đáng với những người làm YouTube kiểu này. Đây là việc làm bất chấp để câu view. Làm nội dung lâu rồi, không thể không biết việc nguy hiểm do nội dung của mình gây ra", Nguyễn Hữu Nhật, người làm YouTube lâu năm tại TP. HCM nhận xét.
Sau 1 tuần bị la ó, khi có quá nhiều người phản đối về nội dung trong clip chủ kênh mới ẩn clip đi đồng thời xuất hiện trên clip cho rằng "Lỗi của mình là làm cái hình quá là nhạy cảm. Mình chưa bao giờ làm clip dạy tự sát nha anh em. Mình là một kênh YouTube lớn, nên bao giờ mình làm, cái quan trọng nhất là nội dung".
Tuy nhiên hành động của YouTuber này vẫn đang bị cộng đồng làm YouTube lên án mạnh mẽ.
Minh Anh (Tổng hợp)