Ngơ ngác trách nhiệm sau vụ 3 học sinh chết vì điện giật

Ngơ ngác trách nhiệm sau vụ 3 học sinh chết vì điện giật

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Trong buổi làm việc với PV Người đưa tin, ông Đỗ Xuân Hải (Giám đốc Điện lực huyện Đông Triều) liên tục khẳng định sự vô can của họ trong thảm án đau lòng.

Khoảng hơn chục năm trở về trước, khi đường dây điện được kéo về từng mái tranh xiêu vẹo làm sáng bừng lên những gương mặt tối tăm khắc khổ, người dân nơi đây đã mừng vui khôn xiết. Thế nhưng ngày hôm nay, sau thảm án kinh hoàng cướp đi 3 mạng người, chính đường dây điện một thời là niềm kiêu hãnh của những hộ dân nghèo đang làm họ vô cùng hoang mang, sợ hãi...

Pháp luật - Ngơ ngác trách nhiệm sau vụ 3 học sinh chết vì điện giật

Hiện trường vụ việc đau lòng

Ngơ ngác và xót xa

Về huyện Đông Triều (Quảng Ninh) những ngày này, đâu đâu cũng thấy người dân túm năm tụm ba, bàn tán không ngớt về cái chết thương tâm của 3 học sinh lớp 6 Trường THCS Yên Thọ (xã Yên Thọ, huyện Đông Triều). Vụ án mạng nghiêm trọng đã đành, nhưng chính vì tính pháp lý của nó mới đang khiến câu chuyện kéo dài mãi không ngớt, tranh cãi gay gắt về trách nhiệm của các bên liên quan.

Tìm về hiện trường án mạng, theo quan sát của PV đó là một khu đồi đất vắng vẻ, nằm sâu về hướng núi, cách đường quốc lộ 18 chừng 3km. Hố nước nơi các em học sinh tử vong vốn là những hố đào của một công trường khai thác đất sét làm gạch, đã bỏ hoang từ lâu, nước dềnh lên lênh láng. Được biết, khu vực này vốn là ranh giới của hai xã Yên Thọ và Hoàng Quế, phân định bằng một con đường đất hằn sâu những vết bánh xe trọng tải lớn.

Từ nơi các em tử vong, chúng tôi đã thực hiện cuộc hành trình men theo hướng dây điện tìm đến điểm bắt đầu và điểm kết thúc của những đường dây điện vô cùng tạm bợ. Theo quan sát, tổng chiều dài của 2 đường dây trần trụi, chắp vá và cũ kỹ này vào khoảng gần 500m, điểm bắt đầu là một công tơ lấy điện từ nguồn điện của trạm biến áp Yên Thọ, và kết thúc ở nhà 2 hộ dân, trong đó có căn nhà tạm bợ và tối om vì mất điện của gia đình chị Đinh Thị Tuyến (SN 1971, thuộc địa phận xã Hồng Quế). Lúc chúng tôi dừng xe bước vào nhà, hai người phụ nữ trong nhà nhìn chúng tôi run rẩy, họ vội vã giấu đi tờ giấy đang viết dang dở. Hai đứa trẻ tầm 7, 8 tuổi cũng nhìn chúng tôi ngơ ngác, rồi vội vã chui tọt xuống bếp như lảng tránh.

Sau khi giới thiệu là PV đến để tìm hiểu sự việc, chị Tuyến cùng mẹ chồng chị, cụ bà Đỗ Thị Vuốt (81 tuổi) mới rũ bỏ được sự sợ hãi trên những gương mặt khắc khổ rồi trình bày bằng giọng nói như sắp khóc: "Chúng tôi đang viết tường trình gửi lên cơ quan chức năng. Các anh ơi, chúng tôi có phải đi tù không?". Hỏi rõ sự tình được biết, một vài luồng tin dư luận đã nói rằng, gia đình chị sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra cái chết của 3 cháu bé vì đường dây điện bị rò được chính gia đình chị và một số hộ dân khác tự kéo ra để sử dụng.

"Khoảng hơn 10 năm về trước, xóm tôi có tất cả 7 hộ dân nghèo. Vì khao khát có điện nên chúng tôi đã tiến cử một người trong thôn là chị Trần Thị Lê đứng lên ký hợp đồng với UBND xã Hoàng Quế xin được cấp điện (thời đó điện vẫn thuộc quản lý của xã - PV). Tuy nhiên, điện chỉ được cấp đến đầu xóm nên chúng tôi đã tự bỏ tiền làm các cột điện và kéo dây về từng nhà để sử dụng. Suốt bao nhiêu năm qua chúng tôi vẫn dùng như vậy và chưa từng xảy ra sự cố nào cả. Bây giờ 5 hộ kia đã chuyển đi, gồm cả nhà chị Lê nên chỉ còn nhà tôi và một nhà nữa ở đây sử dụng. Trung bình 2 nhà mỗi tháng dùng hết khoảng 200 số điện", chị Tuyến thiểu não cho biết.

Về sự việc đáng tiếng xảy ra, người phụ nữ vốn làm cửu vạn ở lò gạch nói trong nghẹn ngào: "Các cháu bị như thế chúng tôi cũng đau đớn và ân hận lắm. Nhưng chúng tôi chỉ là những người dân ít học, nào có biết phải làm sao. Chỉ mong pháp luật thông tỏ để gia đình những hộ nghèo chúng tôi bớt khổ".

Pháp luật - Ngơ ngác trách nhiệm sau vụ 3 học sinh chết vì điện giật (Hình 2).

Ông Đỗ Xuân Hải

"Nhà đèn" "né" trách nhiệm

Theo khảo sát thực tế, nhiều người dân khẳng định suốt nhiều năm qua không thấy có bất cứ sự thay đổi nào của hệ thống điện xập xệ này. Cột điện trực tiếp bị rò được làm bằng bê tông nhưng đã quá cũ và có nhiều đoạn bị vỡ trơ cả khung sắt. Ngay trên đầu phần cột bê tông là một ngọn nối hình chữ T, bằng sắt, dài khoảng 50cm. Đoạn sắt chữ T này đã đỡ hai dây dẫn điện (gồm 1 dây bọc và dây trần) nên đã có sự truyền điện ra đoạn sắt chữ T. Một đoạn dây chằng bằng sắt khác được bắt chéo vào đoạn chữ T và cắm xuống lòng hồ để giữ cột đỡ điện nên đã trở thành dây dẫn điện, gây ra cái chết thương tâm cho các cháu học sinh.

Sau khi làm việc với gia đình chị Tuyến, chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với ông Đỗ Xuân Hải, Giám đốc Điện lực Đông Triều để tìm hiểu rõ hơn về trách nhiệm của họ trong câu chuyện đáng tiếc. Trong suốt buổi làm việc, ông Hải không dưới 3 lần khẳng định sự vô can của công ty mình. Dẫn chứng điều này, ông Hải đưa cho chúng tôi xem bản hợp đồng ký kết giữa bà Lê với Điện lực Đông Triều về việc cung cấp điện.

"Năm 2009, thực hiện chủ trương của tỉnh, Điện lực Đông Triều đã tiếp quản lại hợp đồng của bà Lê từ UBND xã Hoàng Quế để quản lý. Theo Luật Điện lực, trách nhiệm của bên bán điện chỉ là kéo điện về công tơ của các hộ tiêu thụ, còn việc đưa điện từ công tơ về để tiêu thụ là trách nhiệm của từng hộ dân, bao gồm cả việc tự đầu tư kéo dây dẫn điện và xây dựng cột đỡ", ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, khi PV truyền đạt phản ánh của người dân nói rằng, suốt hơn 10 năm qua, đường dây điện trên vẫn như vậy và không có sự thay đổi nào cả. Theo luật định, bên bán trước khi ký hợp đồng phải kiểm tra xem đường dây sau công tơ có đủ tiêu chuẩn hay không mới được ký hợp đồng thì ông Hải ấp úng cho biết, lúc công ty ông tiếp quản lại hợp đồng của bà Lê cũng đã cho người đi kiểm tra và thấy đường dây đó đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn nên đồng ý ký hợp đồng.

Chiều 17/10, trao đổi với PV Người đưa tin, đại diện cơ quan công an tỉnh Quảng Ninh cho biết sự việc vẫn đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Sự việc đau buồn

Chiều 15/10, ba học sinh: Đồng Duyên Ngọc, Phạm Đàm Vân Mai và Phạm Quốc Ân (cùng sinh năm 2001), trên đường đi học thêm môn Toán đã xuống hố nước đọng (thuộc địa phận thôn Tràng Bạch, xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều) để rửa tay chân và bị điện rò xuống từ cột điện gần đó giật chết thảm.

Long Nguyễn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.