Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn

Thứ 3, 13/05/2025 17:05

Chứng kiến ngôi nhà do ông Phạm Thế Đàn thiết kế, có khả năng xoay theo hướng nắng, gió và giúp gia chủ tránh được mưa, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, tưởng như đang có động đất xảy ra.

Làm nhà tự xoay để tránh mưa nắng, gió

Giữa vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, tại khu vực đèo Giang Sơn uốn lượn theo quốc lộ 27 (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), có một ngôi nhà gỗ nhỏ bé nằm khiêm nhường bên vệ đường. Nhìn từ xa, căn nhà mang dáng vẻ mộc mạc, giản dị như bao mái nhà truyền thống. Thế nhưng điều khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên chính là khả năng tự xoay độc đáo của nó.

Chủ nhân của căn nhà nói trên là ông Phạm Thế Đàn (SN 1978, trú tại thôn Giang Sơn, xã Hòa Hiệp). Ông Đàn kể, gia đình ông rời quê hương Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1978, khi ông vừa chào đời được vài tháng. Trên vùng đất đỏ ba-zan, tuổi thơ của ông Đàn gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy. Học đến hết lớp 9, ông quyết định tạm gác việc họ tập để phụ giúp cha mẹ mưu sinh bằng nhiều nghề lao động chân tay vất vả.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 1.

Cận cảnh căn nhà tự xoay do ông Phạm Thế Đàn thiết kế.

Chính những năm tháng chiếc máy gặt lúa liên hợp và tiếp xúc với cơ khí đã giúp ông âm thầm nhen nhóm trong ông niềm đam mê đặc biệt, tạo nên một điều gì đó khác biệt từ chính đôi tay của mình.

Năm 2005, ông quyết định mua một mảnh đất nhỏ nằm chênh vênh trên đèo Giang Sơn để dựng nhà ở. Từ nơi đây, nhìn xuống là cánh đồng lúa mênh mông, phía xa là dãy núi trùng điệp. Cảnh sắc đẹp là vậy, nhưng sống ở đây cũng không dễ dàng. "Đất cao hơn cánh đồng hơn 70 mét, lại nằm sát quốc lộ, gió mùa cuối năm thổi ào ào, nắng mùa khô thì gay gắt", ông Đàn nói.

Vậy là ý tưởng về một căn nhà gỗ có thể xoay theo hướng nắng, gió và có thể giúp cả gia đình tránh mưa nhen lên trong đầu ông – một ý tưởng tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng. Không có mô hình nào để học hỏi, không tài liệu kỹ thuật nào để tham khảo, ông lao vào nghiên cứu với tất cả vốn sống và kinh nghiệm từ những ngày điều khiển máy gặt lúa liên hợp.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 2.

Phía dưới ngôi nhà là nền bê tông vững chắc.

Sau hơn nửa năm mày mò, ông bắt tay vào thực hiện. Từng đoạn sắt chữ Y, sắt tròn, V40 được cắt, hàn, lắp ghép. Ông thuê người phụ giúp, đổ dầm bê tông dày 60cm để làm nền vững chắc. Ngay trên nền bê tông là một trục quay được thiết kế với hệ thống dây xích, con quay và thiết bị giảm tốc đặt chính giữa. Trục quay được gắn với một khung sắt vững chắc nâng đỡ toàn bộ căn nhà làm bằng gỗ ổi, bạch đàn – vừa thân thiện với thiên nhiên, vừa chắc chắn. Mái nhà được ông lợp tôn, sàn được nâng cao hơn một mét so với nền bê tông. Tất cả cấu trúc ấy có thể chịu được trọng lượng lên tới 30 tấn, trong khi toàn bộ căn nhà chỉ nặng khoảng 15 tấn.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 3.

Khung sắt dưới căn nhà gỗ được làm tỉ mỉ trong từng mối hàn.

Nhiều người sửng sốt

Sau hơn một năm vừa làm vừa nghiên cứu, cuối cùng ông Đàn cũng hoàn thành căn nhà tự xoay của mình, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Theo lời kể của ông Đàn, căn nhà hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình và xóm giềng. Vợ ông, người từng nghe chồng nói đến nhà xoay nhưng không hình dung được nó như thế nào, khi tận mắt thấy căn nhà chuyển hướng theo ý muốn của mình, đã vô cùng sửng sốt.

Không chỉ khiến gia đình bất ngờ, căn nhà tự xoay do ông Đàn thiết kế còn trở thành đề tài bàn tán xôn xao của người dân địa phương. Nhiều người bán tín bán nghi, có người còn thách đố nhau xem nhà thật sự có thể xoay hay không. Mãi đến khi tận mắt chứng kiến căn nhà từ từ chuyển hướng, có người sửng sốt đến mức tưởng rằng động đất đang xảy ra, vội vã chạy tới định giữ lại cho nhà đỡ rung lắc.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 5.

Cầu thang dẫn lên căn nhà.

Tiếng lành đồn xa. Nhiều người dân trong và ngoài tình đã tìm đến xem căn nhà tự xoay của gia đình ông Đàn. Nhiều người còn hỏi thăm kinh nghiệm, ngỏ ý nhờ ông thiết kế một căn tương tự. Thậm chí, có người ở xa đến xin ở lại qua đêm để trải nghiệm cảm giác được sống trong "ngôi nhà biết xoay".

Trong mắt nhiều người, căn nhà nói trên đơn thuần là một công trình lạ lùng, độc đáo. Tuy nhiên, với ông Đàn, ngôi nhà ấy là kết tinh từ những giấc mơ giản dị, là dấu ấn của lòng kiên trì và sự sáng tạo không mệt mỏi.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 6.

Ông Đàn cho biết, để hoàn thành căn nhà này, ông mất khoảng thời gian hơn 1 năm, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.

Trải qua hơn 20 năm sử dụng, hệ thống dây xích của căn nhà đã bị rỉ sét, không còn tự xoay như xưa. Thế nhưng chỉ, cần một cú đẩy nhẹ tay, ngôi nhà vẫn xoay được theo bất kỳ hướng nào – như một cỗ máy vẫn còn nguyên hơi thở của sáng tạo và đam mê.

Ông Đàn chia sẻ thêm, thời gian tới, ông dự định sẽ thay thế căn nhà gỗ này bằng một ngôi nhà xây kiên cố hơn, vẫn có thể tự xoay nhưng được tích hợp hệ thống điều khiển từ xa – để thỏa niềm đam mê sáng tạo mà ông luôn ấp ủ suốt bao năm qua.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 7.

Trải qua hơn 20 năm sử dụng, hệ thống dây xích của căn nhà đã bị rỉ sét, không còn tự xoay như xưa, nhưng chỉ cần một cú đẩy nhẹ tay, ngôi nhà vẫn xoay được theo bất kỳ hướng nào.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 8.

Sàn gỗ cao cách nền bê tông hơn 1m.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 9.

Mái nhà gỗ được lợp bằng tôn.

Ngỡ ngàng trước căn nhà biết xoay bên đèo Giang Sơn- Ảnh 10.

Nhiều du khách đến thăm quan tại căn nhà tự xoay của ông Đàn.

Toàn cảnh ngôi nhà tự xoay do ông Phạm Thế Đàn thiết kế.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bạch Đình Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết, trên địa bàn chỉ có duy nhất căn nhà do ông Phạm Thế Đàn thiết kế có thể tự xoay. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để cho người dân phát triển thương mại du lịch, nâng cao thu nhập. Trước đây, nhiều người dân đã tò mò tìm đến thăm quan. Tuy nhiên, bận nhiều công việc, thời gian qua, gia đình ông Đàn chưa tập trung vào việc quảng bá du lịch từ mô hình nhà tự xoay này. Đồng thời, mô hình nhà tự xoay này cũng chưa được nhân rộng. Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ căn nhà tự xoay này thì cần phải được đầu tư xứng tầm và cần có chiến lược phát triển lâu dài.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.