Ít ai nghĩ sỏi, vỏ ốc, quả thông… những thứ đơn giản, gần gũi với chúng ta lại trở thành nguyên liệu tạo ra những bức tranh nghệ thuật độc đáo. Những nguyên liệu đó qua bàn tay tài hoa của chị Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1985, đường Đồng Kè, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) trở thành những bức tranh sỏi vô cùng độc đáo.
"Thổi hồn" vào sỏi, đá
PV Người Đưa Tin Pháp luật đã liên hệ với chị Hạnh để được rõ hơn về những công đoạn thực hiện bức tranh đầy tính nghệ thuật đó. Theo chia sẻ của chị Hạnh, chị là sinh viên khoa Mỹ thuật Công nghệ, ngành hoạt hình manga và học tập tại TP.HCM. Đến nay, chị Hạnh đã theo nghề vẽ được 15 năm nhưng gắn bó với công việc làm tranh từ sỏi, đá và vỏ ốc thì chỉ được 4 năm.
Chị Hạnh cho hay: “Sau khi có em bé, tôi đã gác lại đam mê của mình để dành thời gian cho con. Khi bé lớn hơn, tôi biến công việc yêu thích của mình thành niềm vui giản dị của một người mẹ, cùng con trải nghiệm và khám phá các màu sắc, chất liệu và cơ duyên đến với việc sáng tác tranh sỏi cũng bắt nguồn từ đó”.
“Quê tôi ở Hòa Bắc (Đà Nẵng) có rất nhiều sỏi đá dọc theo con sông, con suối gần nhà. Lúc đầu, tôi nhặt những viên sỏi màu sắc và hình thù lạ lạ, hay hay về cho con chơi. Sau tôi vẽ lên trên những viên sỏi lớn hình các con vật cho bé làm quen”, chị Hạnh nói.
Bất ngờ, chị Hạnh nảy ra ý tưởng tận dụng những viên sỏi nhặt được để làm chất liệu vẽ tranh. Chị ghép những viên sỏi theo một bố cục hợp lý lên tranh. Lúc đầu, là những hòn sỏi vẽ hình con vật đơn giản, về sau, chị kết hợp với những vỏ ốc để giảm sức nặng cho tranh.
Những bức tranh đơn giản từ vật liệu có sẵn trong thiên nhiên đó ra đời và được trang trí trong nhà. Sau này, khi đã có kinh nghiệm hơn, chị bắt đầu sắp xếp và kết hợp nhiều nguyên liệu để tạo thành tranh nghệ thuật.
Nhưng, để có được những nguyên liệu đó, chị Hạnh cũng phải bỏ ra khá nhiều thời gian để xử lý nguyên liệu. Với sỏi, chị Hạnh phải chà rửa bề mặt sỏi. Còn với ốc, sau khi mua về ăn hoặc nhặt được ở bãi biển, chị đem về khử mùi, làm sạch.
“Sỏi thì xử lý đơn giản còn vỏ ốc thì cần cầu kì hơn, rửa bằng xà phòng và ngâm dung dịch thuốc tẩy để khử mùi. Con ốc nào vỏ có nhiều mảng bám thì phải dùng bàn chải sắt để chà sạch. Sau khi xử lý sạch sẽ thì phải phơi khô. Khi nào khô hết và không còn mùi nữa thì mới dùng được', chị Hạnh chia sẻ.
Sau khi làm sạch sỏi và vỏ ốc, chị Hạnh bắt đầu lên ý tưởng thực hiện tác phẩm nghệ thuật của mình. Ban đầu, chị sẽ phác họa hình mà muốn vẽ rồi sắp xếp sỏi và vỏ ốc lên. Sau đó, chị liên tưởng xem phối màu như thế nào cho đẹp mắt rồi chụp hình phần thô lại.
“Có ý tưởng rồi thì chọn sỏi liên kết cùng với vỏ ốc sao cho hài hòa về hình ảnh cũng như cân nặng của tranh. Sau đó, tôi đi màu lên sỏi và vỏ ốc. Màu khô thì tôi ráp chất liệu lên tranh như hình thô đã chụp và dán keo cố định chúng”, chị Hạnh nói.
Ban đầu, khi chưa thành thạo, để hoàn thành một bức tranh, chị Hạnh mất tới 6 tháng để lên ý tưởng và thực hiện. Sau này, khi quen rồi, trung bình mỗi bức tranh chị làm trong khoảng 1 tuần. “Tôi sử dụng màu acrylic cho tranh vì an toàn, không độc hại cho trẻ nhỏ và người sử dụng, có kết hợp thêm với lá, hạt cây”, chị Hạnh bộc bạch.
Chị bảo: “Công đoạn khó nhất trong việc làm tranh sỏi là lúc tôi sắp xếp lên ý tưởng. Phải làm cho tranh khi nhìn vào các viên sỏi tuy không giống nhau về kích thước nhưng có sự liên kết chặt chẽ ở mỗi viên và hòa hợp cùng những vỏ ốc”.
Nhận được sự giúp đỡ tận tình từ người chồng
Chính sự sắp đặt ngẫu nhiên mà hài hòa của sỏi và vỏ ốc đã giúp bức tranh của chị Hạnh trở nên mới lạ và đầy sức hút. Đó chính là nhờ óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của người yêu nghệ thuật như chị. Đến thời điểm hiện tại, chị đã hoàn thiện được hơn 100 bức tranh làm từ sỏi, vỏ ốc, quả thông, quả dương liễu. Đề tài mà chị Hạnh hay thực hiện là các em bé, cô gái có mái tóc dài.
“Thời gian tới, ngoài làm tranh từ những nguyên liệu trên, tôi còn đang nghiên cứu thêm về tranh gỗ (những nguyên vật liệu từ thanh gỗ nhỏ bỏ đi sẽ tái chế lại thành tranh) và thêm các loại quả có lớp vỏ cứng cáp làm tranh treo có độ bền ổn định như quả macca, quả óc chó....”, chị Hạnh tâm sự.
Chị bảo, để làm nên những tác phẩm hội họa độc đáo ấy phải kể đến sự giúp đỡ tận tình của chồng. Anh cũng là một họa sĩ, là người chỉ bảo, đóng góp tích cực và đưa ra những nhận xét phù hợp mỗi khi chị thực hiện tác phẩm của mình. Không những vậy, vợ chồng chị còn sử dụng vật liệu tái chế như lốp xe cũ, cành cây khô để trang hoàng lại không gian sống xanh sạch đẹp cho gia đình.
Hiện công việc chính của chị Hạnh là nhận vẽ tranh tường cho các trường mẫu giáo, mở thêm phòng tranh bán tranh sơn dầu nên công việc sáng tạo của chị chỉ được bắt đầu sau khi lo xong cho gia đình. Gần 15 năm theo đuổi nghề vẽ, chị Hạnh hy vọng tranh sỏi đá nghệ thuật sẽ được nhiều người biết đến và đón nhận nhiều hơn nữa.
Phong Linh