Chúng đã vạch cho mình “lộ trình” phải điên từ khi dấn thân vào chốn giang hồ và con đường tội lỗi. Điều tra viên kỳ cựu của PC45 Hải Phòng nói với chúng tôi rằng: Chúng đã gây án, giả điên để tránh tội rồi lại còn giống Chí Phèo của nhà văn Nam Cao là "la làng" để mong thoát tội. Chí Phèo "la làng" vì đòi cuộc sống lương thiện từ Bá Kiến, còn tội phạm giả điên "la làng" để được “công nhận” điên.
Động long mạch nên... phát điên?!!
Giới giang hồ Hải Phòng cách đây 2 năm, rộ lên chuyện rất hoang đường nhưng chẳng ai thèm kiểm chứng, được kể lại theo kiểu châm trọc rằng: Thằng Tiến lợn ở Thuỷ Nguyên vừa điên vì nhà động long mạch. Thằng Đức phở vừa di chuyển mộ cha xong là "đếm kiến, đá ống bơ". Phương ếch vừa nhập viện thần kinh sau khi phát hiện mộ tổ bị nứt... Thông tin mang tính liêu trai chí dị ấy được giới giang hồ phát đi trong những cuộc nhậu vỉa hè. Thời gian sau, những cái tên như Tiến lợn, Đức phở, Phương ếch... ấy tự nhiên "nổi lềnh bềnh" trên "sông" giang hồ. Đơn đặt hàng đòi nợ thuê, những cuộc thanh trừng đối thủ giành quyền bảo kê của nhóm tội phạm điên trên diễn ra nhiều hơn. Lại còn có chuyện, đã đi cướp của người ta nhưng vẫn "la làng" là người tâm thần bị xâm hại sức khoẻ, yêu cầu người bị hại phải bồi thường. Quả thật, đó đích thị là tính cách của Chí Phèo thời hiện đại.
Thấy bảo, Đức phở là kẻ hưởng lợi nhất. Để giành thêm địa bàn bảo kê, tên này dùng chiêu "độc" là mời "thầy" tướng số, "thầy" địa lý về xem. Đức phở muốn "thôn tính" vị trí nào, đều gây hấn rồi vờ sắp xếp kế hoạch để "thầy" tướng số đến can thiệp. "Thầy" tướng số của Đức phở còn "thông thạo" cả thổ địa. Thấy bảo, chẳng hiểu, "thầy" cao tay đến đâu nhưng khi phán thì đối thủ của Đức bủn rủn chân tay, mặt tái mét. Sau đó vài hôm, Đức phở và đối thủ có một cuộc "gặp gỡ thân tình" trong cay cú. Đức phở chiếm được địa bàn bảo kê "màu mỡ" còn đối thủ thì chấp nhận chia chác lợi ích kinh tế phi pháp, vì sợ động long mạch (do tuổi không hợp với đất nơi làm ăn - PV), dẫn tới bị điên.
Bệnh nhân tâm thần thật đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa.
Bị điên vì động long mạch nhưng chẳng ai thấy Đức, Tiến hay gia đình Phương đi cúng, mời "thầy" về hàn long mạch mà chỉ thấy bọn chúng kiếm được nhiều tiền phi pháp hơn trong giới giang hồ chứa đầy hiểm ác, bằng cách thực hiện các hành vi phạm tội tàn độc. Khi bị bắt, gia đình chúng trình ra "bệnh án điên", thế là chúng trốn tránh được việc trừng phạt của pháp luật. Lúc đó, người ta mới thấy rằng, cái tin chúng điên vì động long mạch là sự sắp xếp có chủ ý.
Trước sự việc trên, Kiên có biệt danh điên trong giới giang hồ Hải Phòng (nhưng thực chất là quá tỉnh nên mới gọi là điên - PV) cho rằng: "Không biết thời thế mà dựa vào "bệnh án điên" thì sẽ điên thật, sẽ dựa cột chứ chẳng chơi. Đó chỉ là hạ sách. Chúng vào nhà lạnh (tức trại giam - PV) hết rồi. Điên hay tỉnh thì cũng phải có điểm dừng. Ba cái thứ mà giang hồ đẳng cấp ghét nhất là "dính" vào "cái chết trắng", đánh phụ nữ, hiếp dâm trẻ em. Chúng kém tới mức, phải đem cả mồ mả ông bà, đất đai gia đình ra để hù doạ thiên hạ, kiếm tiền sống thì không phải là giang hồ".
Chi tiền để được “yểm bùa” điên
Phần lớn, giang hồ không quan tâm đến tướng, số mà hoạt động phạm tội một cách vô thức theo cái gọi là "hứng" và túi tiền. Vì có mục đích từ đầu nên một số tên giang hồ đã lận lưng cho mình bí kíp biến người bình thường thành tâm thần rất lừa bịp. Đàn em của Tiến lợn kháo rằng, Hưng đầu bò - một giang hồ mới nổi ở đất Cảng, nghe đâu đó chuyện người dân tộc yểm bùa làm người khác bị điên, Hưng bắt đầu tìm hiểu và "luyện".
Trước đây, trong dân gian vẫn lưu truyền chuyện yểm bùa yêu; trấn yểm bùa vào đất để gia đình đó "thất điên bát đảo", lụi bại trong làm ăn, con cái hư hỏng chứ chưa thấy "thuật" yểm bùa trực tiếp vào người để người đó bị điên. Ở các vùng dân tộc ít người miền núi, đâu đó vẫn còn thầy mo, thầy cúng hoạt động trấn yểm bùa với những câu thần chú mang màu sắc âm - dương nhưng với mục đích để giải hạn chứ không phải hại người.
Trong phim ảnh kiếm hiệp, cổ trang của Trung Quốc thì đầy dãy chuyện thầy cúng dùng hình nộm giống người, yểm bùa. Và, nhiều người được biết, Hưng đầu bò đã từng mời vài thầy mo ở miền núi, về yểm bùa điên cho chính mình. Có thông tin rò rỉ ra rằng, Hưng đã đầu tư cho vụ bùa điên này lượng tiền khá lớn. Hưng tin vào sức mạnh của những câu thần chú mà thầy mo mách. Chỉ khi nào cần, Hưng hoặc người thân gọi điện hoặc đọc một câu chú do thầy mo cho là bùa điên trong người Hưng phát huy tác dụng. Hưng lập tức bị... điên.
Nói thế nhưng giang hồ thì chưa chứng kiến bùa điên của Hưng có hiệu nghiệm bao giờ. Có lần, Tiến lợn sai đàn em "khích bác" để Hưng đầu bò đọc thần chú, giả điên cho thành điên thật, nhưng Hưng nhất quyết không "trúng kế" của đối thủ. Bởi, trước khi ra về, thầy mo dặn rằng, câu chú càng ít sử dụng thì càng linh nghiệm. Thấy bảo, có hai lần Hưng sử dụng nó. Lần thứ nhất, Hưng cần một bệnh án điên và lần thứ hai, Hưng muốn đi giám định tâm thần để có hẳn một quyết định bệnh tâm thần chứ không phải bệnh án tâm thần.
Hưng đầu bò mời thầy mo về yểm bùa điên, còn Vũ chó thì lên tận vùng cao để "luyện". Thấy bảo, Vũ chó bỏ phố lên rừng 2 tháng để "luyện" bùa điên. Thời điểm đó, đám "ong ve" của Vũ vẫn hoạt động bình thường. Vũ điều hành đàn em thông qua điện thoại. Đàn em của Vũ rêu rao, Vũ cho vợ lên miền núi, gặp thầy lang để chữa bệnh vô sinh. Sau hai tháng "luyện thành công bùa điên" ở miền núi về, Vũ bắt đầu nhận và thực hiện hàng loạt hợp đồng đâm thuê, chém mướn. Biết Vũ có "chứng chỉ điên", nhiều chủ nhóm giang hồ không ra mặt khi tranh chấp mà cử đàn em giải quyết. Vũ bực tức vì bị coi không ra gì, đã chửi đổng: "Tiên sư mẹ nó, tao có điên thật đâu, có bị hủi đâu mà tránh mặt". Chẳng biết Vũ chó có "luyện" thành điên thật không nhưng, sau 2 tháng bỏ phố lên rừng, về lại phố, người ta thấy Vũ khoe "chứng chỉ điên".
Lột “mặt nạ”
Trước khi bắt tên tội phạm giả điên lột mặt nạ, bao giờ trinh sát cũng nghiên cứu tiểu sử của gia đình chúng. Những tên tội phạm điên bất thình lình ấy, lật hồ sơ huyết thống đến 5 đời cũng không tìm thấy ai mắc bệnh điên. Trong khi, theo y học, bệnh điên ít, nhiều có yếu tố gens di truyền. Phân tích vấn đề này, bác sỹ Cao Thanh Tùng, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, để nói người có yếu tố bệnh lý về tâm thần mang yếu tố di truyền sẽ rất khó. Chúng ta phải có những xét nghiệm cụ thể. Sau khi xem xét các yếu tố bệnh lý, nghiên cứu, phân tích những chứng cứ khoa học cũng như mối tương tác giữa mặt chủ quan, khách quan tác động ra sao thì mới đánh giá và nhận xét chính xác về những trường hợp mang bệnh. Nói tới vấn đề các loại tội phạm hình sự không thể đơn thuần quy kết liên quan tới gens di truyền được. Trong cuộc sống có rất nhiều yếu tố cả tích cực lẫn tiêu cực tác động trực tiếp hay gián tiếp đến mỗi con người.
Theo TS. Phạm Đức Thịnh, nguyên viện trưởng viện Giám định pháp y Tâm thần Trung ương thì: Trên thế giới hiện có khoảng 300 loại rối loạn tâm thần nhưng duy nhất chỉ có một loại tâm thần phân liệt (bệnh mất trí sớm) có hiện tượng người mắc chứng bệnh này thường biểu hiện bằng cách "nhặt lá, đá ống bơ, đếm kiến ngoài đường" hay xuất hiện các yếu tố hoang tưởng, ảo giác thường xuyên và như vậy sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro tới sức khỏe bản thân. Bệnh thần kinh ảnh hưởng đến sức khoẻ hơn là động kinh. Xưa kia người bị bệnh tâm thần không được xem như người bệnh, bị hắt hủi, đánh đập, không được quan tâm chữa trị, chăm sóc khiến người bệnh càng trở nên sa sút, đi lang thang. Nhiều gia đình có người thân bị tâm thần rất sợ phải công nhận điều này với dư luận. Ngày nay với tiến bộ của khoa học, người bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa trị khỏi hoặc thuyên giảm nhiều, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường trong gia đình và xã hội. |
Lan Anh
Kỳ 9: "Kiếm" bệnh án tâm thần đơn giản như... “đan rổ”(!?)