Vì sao ngoại cảm rởm vẫn còn đất sống?
Tôi còn nhớ, cách đây hai năm, ở quê tôi rộ lên phong trào tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm. Đó là thời điểm các nhà ngoại cảm nổi lên đông đúc, phong phú và hầu như chưa có bất cứ một "tai nạn" nghề nghiệp nào đáng để người ta nghi ngại. Có thời điểm, chỉ trong một tuần đã có ba liệt sỹ được tìm thấy vị trí chính xác của hài cốt nhờ vong liệt sỹ nhập vào người thân "lên mồm" chỉ dẫn.
Nhà nọ nhìn nhà kia, thấy một liệt sỹ được tìm thấy mộ phần hài cốt là thân nhân của liệt sỹ khác trong thôn cũng "đứng ngồi không yên". Ai cũng nghĩ sẽ là rất thua thiệt và hổ thẹn với người đã khuất nếu như liệt sỹ khác có thể tìm thấy mộ mà nhà mình lại "dửng dưng" với việc "trong tầm tay" như thế.
Gia đình bên ngoại tôi, có một người ông là liệt sỹ hy sinh ở chiến trường miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông là em trai duy nhất dưới ông ngoại tôi. Người anh trai của liệt sỹ rất áy náy vì từ khi nhận giấy báo tử người em, không hề thấy tin tức về phần mộ. Sau khi nghe, có liệt sỹ trong thôn tìm được hài cốt nhờ phương pháp ngoại cảm, ông ngoại dù đã 84 tuổi, vẫn đạp xe đạp lên nghĩa trang liệt sỹ xã, dự lễ đón hài cốt liệt sỹ của địa phương. Sau đó, ông chỉ đạo con cháu trong nhà bố trí một ngày đi tới "diện kiến" nhà ngoại cảm tài ba để tìm mộ em mình bằng phương pháp áp vong. Gia đình rất hãnh diện khi hài cốt ông cậu là trường hợp thứ hai về với quê hương. Dù phải bỏ ra hơn hai mươi triệu đồng để đi một chuyến xe vào Khánh Hòa và hơn mười triệu đồng để tổ chức một bữa ăn với tổng chi gần bốn mươi triệu đồng, bao gồm cả ba lần đi Hà Nam áp vong và trở lại cảm ơn nhà ngoại cảm, thế nhưng, ông ngoại tôi vẫn vô cùng mãn nguyện. Ông còn nói với tất cả mọi người: "Bây giờ tôi chết cũng yên tâm".
Riêng thôn Lựa, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thời gian đó đã có hơn mười hài cốt liệt sỹ được tìm thấy. Tiếng kèn đám rước hài cốt liệt sỹ từ thôn lên nghĩa trang của xã không có nỗi buồn, không có sự đau xót như những sự ra đi khác mà là niềm vui của người còn sống, niềm tự hào vì người thân của mình bao năm tưởng đã "tan biến", nay lại còn xương cốt đầy đủ. Tất cả những liệt sỹ ở quê tôi khi đó đều được tìm thấy nhờ một nhà ngoại cảm có tên Hồng ở Hà Nam. Hầu hết các liệt sỹ đều hy sinh ở chiến trường B nên mỗi chuyến đi lấy hài cốt liệt sỹ về, các gia đình phải chi một khoản tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Liệt sỹ nào khó nhập vong, đi lại nhiều lần thì chi phí đó có thể tăng cao hơn nữa. Chi phí đó hầu hết là phục vụ cho chuyến đi và làm tiệc mừng đón hài cốt. Phần cảm ơn nhà ngoại cảm thường ở mức tùy tâm.
Linh hồn liệt sỹ cũng sẽ bị tổn thương nếu được trở về không đúng nghĩa. Ảnh minh hoạ.
Sau này, khi bùng phát hiện tượng ngoại cảm rởm, áp vong khiến gia đình thân nhân liệt sỹ có người bị thần kinh, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng chỉ vì ngoại cảm tìm mộ bằng phương pháp kích thích kỳ lạ, phong trào tìm mộ liệt sỹ ở quê tôi cũng dừng hẳn. Mọi người lặng lẽ, bần thần, nhìn nhau, không ai muốn nói lại chuyện tìm mộ của nhà mình nữa. Dù sao, tâm lý đè nặng lâu nay cũng được giải tỏa. Có thể, hài cốt được quy tập về không phải là liệt sỹ nhà mình, cũng không phải áy náy vì nghĩ mình đã làm hết tâm hết sức của người còn sống với người đã chết. Như trường hợp gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) tìm mộ được mấy năm thì liệt sỹ trở về mà chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong các bài viết trước, ông tâm sự: "Dù ngôi mộ mình cất công đi lấy hài cốt không phải người nhà mình, nhưng biết đâu nhờ sự run rủi của liệt sỹ vô danh đó, anh em chúng tôi mới có được ngày đoàn tụ". Chính sự tâm linh đó khiến những người như ông Tuynh hay những người ở làng tôi không hề nghĩ đến chuyện kiện cáo hay bắt đền. Sự tặc lưỡi, lòng biết ơn và niềm tin tâm linh vô hình trung đã làm nguồn nuôi sống cho sự nhố nhăng của nhà ngoại cảm rởm. Niềm tin tâm linh trong mỗi người Việt Nam phút chốc biến thành một điểm yếu để kẻ xấu lợi dụng, hành nghề phán xét.
Cẩn tắc bất áy náy
Việc làm bất lương xúc phạm đến tâm linh Thạc sỹ xã hội học Phạm Thị Kim Xuyến, ĐH Công đoàn bày tỏ sự bức xúc: "Ngoại cảm rởm vẫn tồn tại và lợi dụng tâm lý tín ngưỡng của người dân Việt Nam để hoạt động, dù với bất cứ lý do gì, ăn tiền hay nhân đạo, hưởng lộc đều là vô đạo đức, là có tội. Chúng luôn mồm nói đến tâm linh nhưng thực chất là xúc phạm đến tâm linh. Việc làm bất lương không chỉ có tội với người sống, mà hơn hết là có tội với người đã mất, khiến linh hồn của các chiến sỹ, nếu thực sự còn, cũng sẽ cảm thấy bị tổn thương". |
Quá trình thâm nhập thực tế, PV báo Người đưa tin đã có dịp trở lại địa chỉ 286 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội nơi gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh đến nhờ nhà ngoại cảm N.Đ.P. tìm giúp mộ người em lúc đó là liệt sỹ Nguyễn Viết Thuấn. Chiếc biển xộc xệch với ba chữ "Ban ngoại cảm" và chỉ dẫn nhỏ "trong ngõ" nằm lẫn với đống dây rợ chằng chịt dưới chân chiếc cột điện dẫn chúng tôi vào ngôi nhà lụp xụp có đề tấm biển to phía trên: "Ban ngoại cảm - Tìm mộ từ xa". Điện thờ trang hoàng bằng ánh nến lung linh huyền ảo phía bên trong, có vẻ lâu nay đã vắng khách. Nhưng điều chúng tôi quan tâm là việc "nhà ngoại cảm" N.Đ.P. đã bị phủ nhận tài năng và không được phép hoạt động tìm mộ, tại sao vẫn có biển quảng cáo, chỉ dẫn dễ gây hiểu lầm cho người khác?!
Trao đổi với PV, ông Trương Mạnh Hùng, công an phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) - nơi P. đăng ký hộ khẩu thường trú, khẳng định: "Từ khi có tai nạn nghề nghiệp không thấy P. có hoạt động tìm mộ công khai. Tuy nhiên, nếu người ta vẫn đến nhờ P. giúp đỡ tìm mộ, hoặc liên lạc qua điện thoạt thì chúng tôi cũng không kiểm soát được. Hơn nữa, nếu N.Đ.P. không hoạt động mê tín dị đoan, thu tiền trục lợi trắng trợn hay làm ảnh hưởng đến những người xung quanh thì chúng tôi không có lý do gì để xử lý".
Tương tự như vậy với trường hợp N.V.P. ở Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó chủ tịch phường cho biết: "Thông tin cung cấp từ phía công an phường, P. có hoạt động tìm mộ tại nhà. Tuy nhiên, chưa có bất cứ đơn thư phản ánh nào của người bị hại được gửi tới phường. Theo những người hàng xóm quanh đó, đôi khi P. có vấn đề về tâm thần, tự nhận mình là "nhà ngoại cảm". Ông Sơn cũng cho rằng: "Rất khó để xử lý triệt để những trường hợp như P. vì P. chỉ núp dưới danh nghĩa giúp đỡ tìm mộ bằng khả năng tự nhận, không phát hiện có sự cấu kết hay móc nối với quán hàng bán đồ cúng lễ. Đến cả thầy cúng, nếu họ trong sáng, với vai trò cúng thay cho những người không biết tế lễ thì cũng là một cách lao động. Chỉ cần người ta không lợi dụng, bày vẽ và kiếm lợi từ những điều như thế là được. Vấn đề thuộc về tự do tín ngưỡng tâm linh của mỗi cá nhân, không thể cấm".
Chúng tôi muốn kết thúc loạt bài viết của mình bằng sự trăn trở của một nhà thơ về con người hôm nay: "Hãy sống sao cho không hoen ố máu của cha ông". Việc ngoại cảm rởm lợi dụng tâm lý, tâm linh của người còn sống để trục lợi là vô cùng thất đức, phỉ báng anh linh của những liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Tất nhiên, ước muốn đoàn tụ trong văn hóa cội nguồn của con người Việt Nam là vô cùng đáng trân trọng. Nhưng, chúng ta nên có sự lựa chọn đúng đắn cho việc làm của mình, như việc tìm mộ.
Nếu tìm được là điều đáng mừng không ai phủ nhận, nhưng nếu đặt niềm tin nhầm chỗ, tìm về nhà một nắm đất, một bộ hài cốt vô danh thì sẽ càng là tội lỗi. Chi bằng, ta hãy để cho linh hồn của các liệt sỹ được siêu thoát nơi chiến trường xưa cùng đồng đội, cùng những chiến công và thân xác tan hòa với núi sông Việt Nam.
Dương Dương