Bên lề Quốc hội sáng 29/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đã chia sẻ với báo chí như vậy xung quanh câu chuyện nhiều nhà ngoại cảm mạo danh, cố tình lợi dụng niềm tin nhu cầu tìm kiếm người thân của người dân để trục lợi.
- Thưa ông, việc một số nhà ngoại cảm dùng xương động vật làm giả hài cốt liệt sĩ đang gây ra cơn chấn động trong tình cảm xã hội. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều nơi, ngay cả khi câu chuyện đau lòng của gia đình nạn nhân bị bác sĩ thẩm mỹ ném xác xuống sông, cũng xuất hiện những "nhà" tự xưng là ngoại cảm đến "phán’ trong lúc nước sôi lửa bỏng. Là đại biểu của dân, ông nghĩ gì về điều này?
- Thực ra nhu cầu tìm liệt sĩ, tìm người thân là rất chính đáng của người dân. Nhiều gia đình thậm chí bức xúc khi chưa tìm thấy con em của mình. Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm và cũng có rất nhiều giải pháp thỏa mãn nhu cầu chính đáng này.
Trong pháp lệnh người có công, có quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nghị quyết 494, quy định xây dựng triển khai hai đề án: Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và liệt sĩ có mộ trong nghĩa trang.
Ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng cần phải xử thật nghiêm những trường hợp mạo danh ngoại cảm để trục lợi.
Ông Lê Như Tiến (ĐBQH tỉnh Quảng Trị): Hành vi trục lợi anh linh liệt sĩ là không thể chấp nhận được. Người dân đã rất tốn tiền, tốn sức, thời gian để kiếm tìm hài cốt người thân bằng ngoại cảm. Một số gia đình đi tìm bằng cách này và ngẫu nhiên chính xác. Nhưng qua báo cáo của một số cơ quan chức năng, phần lớn các trường hợp đều không tìm được, mà đã không tìm được thì rõ ràng rất tốn công của, thời gian, từ chỗ hy vọng thành thất vọng, gây nên một áp lực nặng nề về tâm lý cho gia đình các liệt sĩ vốn rất đã khổ tâm trong tìm kiếm con em mình. Phải xử lý nghiêm nhà ngoại cảm đã đành, phải xử lý nghiêm những những người tiếp tay. Vì chính sự tiếp tay đó đã giúp cho nhà ngoại cảm dấn sâu hơn vào tội lỗi của mình. Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Tìm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, nếu kiểm chứng ADN được thì tốt, còn nếu không kiểm chứng được thì không thể chấp nhận được. Giống như bài học đau xót trong việc tìm hài cốt tướng Phùng Chí Kiên chỉ thu về một chiếc răng động vật, vài mảnh sành cũ. Nhiều người dân tin vào ngoại cảm nhưng không có chứng cứ khoa học. Ủy ban chúng tôi cũng đã từng có đợt giám sát về việc này, cho thấy tỷ lệ chính xác trong tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là rất thấp. Sau giám sát, quan điểm của chúng tôi là tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xong phải thử ADN thì mới công nhận đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Nhà nước cũng có chính sách miễn phí thử ADN cho hài cốt liệt sĩ. |
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chưa được như mong muốn vì còn rất nhiều khó khăn nên nhiều gia đình xuất phát từ tình cảm và mong muốn của mình đã chủ động tìm kiếm thông qua các nhà ngoại cảm.
Thực tế đúng là có những người lợi dụng tình cảm đó để có những hoạt động trái pháp luật. Tôi cho rằng các cơ quan hữu trách phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Trong lĩnh vực này, ngành được giao quản lý NN về chính sách người có công là LĐ-TB và XH đã có những văn bản xác định chưa thừa nhận tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, nhưng ở địa phương, ở các ngành khác, vẫn thiếu sự phối hợp.
Cũng có thể do sức ép của gia đình người thân liệt sĩ, nhưng cũng có thể là do sự thiếu phối hợp trong quản lý. Và rõ ràng, cần xác minh làm rõ trách nhiệm của các địa phương, bộ ngành để có cách quản lý phù hợp.
- Thưa ông, phải chăng các gia đình phải nhờ tới ngoại cảm là do ngành LĐ-TB và XH đang chưa làm tốt, đang nợ người dân việc đưa người thân “trở về” dù chiến tranh đã chấm dứt từ gần 1/3 thế kỷ?
- Đúng là như thế. Việc còn gần 500 ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hoặc chưa xác minh được danh tính mộ phần là mối quan tâm chung của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, cả XH và các gia đình.
Chưa hẳn là ngành LĐ-TB và XH chưa làm tốt, bởi thực tế cho thấy việc tìm kiếm, xác minh thông tin trong nhiều trường hợp là rất khó khăn. Chiến tranh thì ác liệt. Thời gian thì càng ngày càng lùi xa. Có thể nói đây là công việc khó.
Thực tế nguyện vọng tìm kiếm người dân là chính đáng, nhiều gia đình tự mình tìm kiếm hài cốt co em. Có bệnh thì vái tứ phương mà. Họ tìm mọi cách, mọi con đường. Vì thế, mình bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền, còn phải tìm ra những giải pháp để đáp ứng nhu cầu chính đáng này.
Thứ nhất tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng. Làm công việc này, ngoài trách nhiệm cần có cái tâm, cần sự nhiệt tình, chia sẻ.
Thứ hai cần mở rộng diện tra cứu, tìm kiếm thông tin bằng các con đường, biện pháp. Theo tôi, Bộ Quốc phòng cần sớm hoàn thành chương trình xác định phiên hiệu các đơn vị trong chiến tranh.
Thứ 3 là phải dựa vào dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, vùng nào cũng có dân, và người dân có thông tin về sự hy sinh mất mát.
Thứ 4 là tăng cường tiến bộ khoa học, đặc biệt các công nghệ mới, trong đó có việc xây dựng các ngân hàng dữ liệu thông tin để cung cấp cho người dân.
Thứ 5 là cần tăng cường hợp tác quốc tế. Có trường hợp tổ chức Cựu chiến binh Úc đã cung cấp những thông tin khá chính xác về những trận giao chiến, về những hy sinh mất mát của cả 2 bên, ở những địa điểm cụ thể.
Nếu tích cực chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn.
- Ông có nhắc tới vấn đề truy trách nhiệm. Gần đây nhất là câu chuyện bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường gây tử vong cho bệnh nhân rồi phi tang xác. Đáng nói đây lại là cơ sở chưa được cấp phép hoạt động. Trong khi đó Sở Y tế Hà Nội lại không xin lỗi vụ TMV Cát Tường và cho rằng đó là lỗi của hệ thống phân cấp phân quyền. Còn chánh thanh tra y tế HN còn nói rõ: sở không quản việc của y tế Phường, đó là việc của phường, quận. Và nếu không có dấu hiệu vi phạm, hay không thuộc danh sách đã có giấy phép kinh doanh gửi lên Sở thì thanh tra Sở y tế cũng không biết gì mà thanh tra, kiểm tra Khi nghe thông tin này ông có suy nghĩ gì?
- Đây là một cơ sở hành nghề có liên quan đến lĩnh vực y tế. Theo quy định của pháp luật các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý.
Sở y tế Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước khi có chuyện trên địa bàn của mình mà không có trách nhiệm là thái độ không hợp lý.
- Ông có tư vấn gì cho chính quyền Hà Nội?
- Phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoạt động của TMV Cát Tường đã hoạt động và không có thẩm định của ngành y tế trong thời gian dài thì trách nhiệm thuộc về cấp nào, cá nhân nào. Từ đó mới có hướng xử lý.
Thứ hai là phải rà soát lại toàn bộ cơ sở có tính chất tương tự trên địa bàn để có những giải pháp kịp thời để tránh xảy ra những việc tương tự.
- Thưa ông mới đây Giám đốc Sở Y tế Hà Nội còn trả lời rằng còn chỉ đạo từ lãnh đạo không trả lời báo chí vụ này nữa. Ông nghĩ sao về "chỉ đạo" này?
- Ở đây cần phân biệt, có những nội dung liên quan đến công tác điều tra thì theo quy định là không được cung cấp. Còn mức độ nào phải thông tin công khai báo chí thì cần được minh bạch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đất Việt