Theo tờ Conversation, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong một tuyên bố gần đây đã bất ngờ cho biết, ông sẽ tới thăm Nga và Trung Quốc để mở rộng liên minh với 2 quốc gia này.
Thông báo của ông sau được đưa ra sau quãng thời gian ảm đạm trong mối quan hệ giữa Philippines và các đối tác phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Liên minh châu Âu.
Ngay từ các chiến dịch vận động tranh cử, nhà lãnh đạo Philippines đã có nhiều câu từ công kích không nể mặt về phía Washington. Trong đó chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng trở thành nạn nhân có những phát ngôn được cho là can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines.
Bên cạnh cáo buộc về vấn đề nhân quyền, ông Duterte cũng tức giận vì đang có thêm nhiều lời chỉ trích tập trung vào chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của mình.
Không chỉ từ chối một cuộc điều tra độc lập của Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác có liên quan, ông cũng đã đe dọa sẽ hạ cấp quan hệ quân sự với Mỹ.
Động thái của Duterte
Dù khiến dư luận thế giới cảm thấy ngỡ ngàng, thế nhưng về cơ bản việc thay đổi chính sách đối ngoại là một vấn đề bình thường của mỗi quốc gia. Bẩt chấp thực tế phải thừa nhận rằng Manila và Washington đã có quan hệ khăng khít với nhau từ rất nhiều năm.
Về mặt Hiến pháp, mọi thứ vẫn đứng về ông Duterte khi Hiến pháp Philippines 1987 đã nhấn mạnh nguyên tắc độc lập của quốc gia này, trong đó nêu rõ: "Nhà nước sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập. Trong quan hệ với các quốc gia khác, cần xem xét một cách hết sức cẩn trọng về chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia và quyền tự quyết".
Chính sách này cho phép Philippines không bắt buộc phải liên kết với bất kỳ quốc gia phương Tây hay phương Đông nào, thay vào đó nước này sẽ theo đuổi mối quan hệ thân thiện với tất cả các nước tùy thuộc vào lợi ích quốc gia.
Vì vậy, ông Duterte chỉ đơn giản là hoàn thành đúng bản chất hiến pháp trong vai trò người chỉ huy mới của dân tộc.
Nhưng nếu nhìn sâu hơn, thực sự có một cái gì đó cụ thể đang nảy nở trong tâm trí của vị tổng thống Philippines.
Đó là sự nhấn mạnh Manila sẽ không phụ thuộc vào Mỹ trong các ưu tiên về chính sách đối ngoại.
Trong gần một thế kỷ, Philippines đã luôn vai kề vai với Mỹ, lần đầu tiên dưới vai trò là một thuộc địa và sau đó là một đồng minh trong khu vực.
Các lực lượng vũ trang và các thiết lập an ninh của Philippines trong nhiều thập kỷ đều phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ, trong đó bao gồm cả hỗ trợ hậu cần và hợp tác tình báo. Có thể nói rằng, Washington là không thể thiếu đối với lợi ích an ninh quốc gia của Philippines.
Và, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Biển Đông với Trung Quốc, việc mở rộng quân sự, gia tăng sự hiện diện của mình trên biển đã khiến Manila càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào sự trợ giúp từ quân đội Mỹ.
Với Duterte, chỉ đơn giản là đất nước của ông đang trở nên "quá phục tùng" và quá phụ thuộc vào một thế lực nước ngoài mà ông cho rằng không đủ tin cậy.
Đã nhiều lần, vị Tổng thống Philippines công khai hỏi cam kết của Mỹ với Philippines trong bối cảnh căng thẳng hàng hải trong khu vực.
Tuy nhiên Washington đã không bao giờ làm rõ rằng, liệu các hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines có bao gồm cả trong các tranh chấp khu vực cụ thể như ở Biển Đông hay không.
Cùng với đó, Mỹ viện trợ quân sự cho Philippines được cho là không thấm tháp vào đâu so với đồng minh châu Âu và Trung Đông.
Tổng thống Philippines muốn có những người láng giềng tốt
Duterte đã luôn nhấn mạnh sự cần thiết của việc thắt chặt quan hệ và thân thiện với các nước châu Á khác, đặc biệt là nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản, đó là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế của Philippines.
Mặc dù có những tranh chấp gay gắt ở Biển Đông, ông vẫn liên tục kêu gọi các cuộc đối thoại và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ dựa một cách hòa bình, trong khi chào đón các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Trung Quốc ở trong nước.
Vị tổng thống mới của Philippines được mô tả là một người có vẻ thực tế hơn về chính sách đối ngoại, đặc biệt là khi so sánh với người tiền nhiệm Benigno Aquino, chính khách từng không dành nhiều sự thân thiện với Trung Quốc.
Học giả nghiên cứu về quốc tế Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle nhận định rằng, một chính sách hướng tới ít phụ thuộc vào Mỹ và tham gia thảo luận nhiều hơn với Trung Quốc có vẻ hợp lý cho một quốc gia như Philippines.
Nhưng dù thế nào, Philippines sẽ không sớm có một quan hệ liên minh với Trung Quốc và Nga, chuyên gia này nhận định.
Một số nhà phê bình từng so sánh ông Duterte sẽ giống như cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người từng kiên quyết không đứng chung với Mỹ từ năm 2009 cho tới khi ông qua đời vào năm 2013.
Không đồng tình với điều này, chuyên gia Heydarian cho rằng, nếu xét về độ sâu của quan hệ kinh tế và chiến lược giữa Manila và phương Tây; những khó khăn trong giải quyết căng thẳng lãnh thổ giữa Manila và Bắc Kinh, có khả năng Philippines đi theo con đường của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan.
Ông Erdoğan vẫn thường xuyên đáp trả và không nhân nhượng trước một số chỉ trích về vấn đề dân chủ và nhân quyền từ các nước phương Tây, nhưng về cơ bản, sự hợp tác quân sự cùng các mối quan hệ đầu tư giữa hai bên vẫn giữ nguyên vẹn.
Cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines dưới thời Duterte là không thể tách rời với Washington, mặc dù mối quan hệ song phương không còn bất khả xâm phạm.
Chính sách ngoại giao của Duterte được cho là sẽ dung hòa mọi quyền lực Đông-Tây, mang lại những lợi ích cân bằng dành cho Manila, nhưng đồng thời duy trì một chính sách độc lập tự chủ.
Minh Vũ