Ngày còn trẻ, khi Tổng thống Vladimir Putin đến văn phòng của KGB với mong muốn trở thành sĩ quan tình báo, ông nhận được yêu cầu phải có bằng đại học hoặc phục vụ trong quân đội.
Thế nhưng, Ủy ban An ninh Quốc gia của Liên Xô vẫn thường tuyển dụng nhân viên và điệp viên theo những tiêu chuẩn khác nhau.
Ai có thể làm việc trong KGB?
Vì KGB là một tổ chức phức tạp gồm nhiều cơ quan điều hành - mỗi cơ quan có trách nhiệm chuyên môn riêng - nên cần phải lấp đầy các vị trí tuyển dụng bằng nhân tài với những chuyên môn đa dạng.
“KGB của Liên Xô là một tổ chức lớn và có cấu trúc phức tạp. Ví dụ, công việc của Tổng cục I (tình báo) về cơ bản khác với các tổng cục về biên phòng hay phản gián”, Andrei Milekhin, một cựu sĩ quan tại KGB, nói với RBTH.
Theo Milekhin, câu hỏi ai có thể xin việc tại KGB là thừa. Vì KGB là một tổ chức lớn và cần đủ loại người. Các nhà tuyển dụng của KGB thường sàng lọc các ứng viên tiềm năng ở nhiều nơi như trường đại học, quân đội, nhà máy, v.v.
Cán bộ tuyển dụng sẽ quan sát và đánh giá các ứng viên tiềm năng tại nơi họ làm việc. Thông thường, các sĩ quan KGB tương lai thậm chí còn không biết rằng họ đang trong tầm ngắm để trở thành một phần của KGB.
Cựu sĩ quan KGB Milekhin cho biết các tân binh được giáo dục và đào tạo một cách rất hiệu quả.
“Tôi chưa bao giờ thấy một hoạt động đào tạo, tổ chức hoạt động tình báo có động lực và hiệu quả như vậy ở bất kỳ nơi nào khác”, Milekhin nói.
Ngoại lệ
Quá trình tuyển dụng của KGB rất chọn lọc, tuy nhiên có những trường hợp KGB đã tuyển mộ những thành phần bất ngờ.
Để hoàn thành nhiệm vụ, các nhân viên KGB dựa vào mạng lưới cung cấp thông tin. Thông thường, cả công dân Liên Xô và công dân nước ngoài đều làm việc cho KGB cả tự nguyện lẫn ép buộc.
Đối với tuyển dụng các đầu mối KGB nước ngoài, đặc biệt là ở các nước thuộc khối phương Tây, tiêu chuẩn là những người có vị thế, uy tín hoặc chức vụ nhất định tại đất nước đó, hoặc những người có khả năng thăng tiên tương tự trong tương lai.
Một sổ tay bí mật của KGB công khai mới đây cho biết, các điệp viên KGB trước hết phải tập trung tuyển người ở các tổ chức chịu trách nhiệm kiểm soát chính sách đối ngoại của đất nước: “Nội các, bộ ngoại giao, lãnh đạo các đảng chính trị, công ty độc quyền, v.v.”
Thông thường, điệp viên KGB sẽ bắt sóng với những người đang bất mãn với công việc hiện tại và những người đồng cảm với các mục tiêu và tư tưởng của Liên Xô.
Các trường đại học trên khắp thế giới cũng là nơi sinh sôi nảy nở của các điệp viên KGB bí mật, những người được tuyển dụng và sẽ được trọng dụng sau này, khi họ thăng tiến trên con đường công danh sự nghiệp.
Các công dân Liên Xô cũng thường vô tình trở thành điệp viên KGB hoặc là người cung cấp thông tin.
“Thông thường, người được nhận sẽ lấy một bí danh, ký và tài liệu cam kết làm việc cho KGB. Người mới sẽ được dạy các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao của điệp viên, như cách liên lạc, mật khẩu, mật mã, v.v. Nếu cần đặc vụ thâm nhập vào các băng đảng, đường dây ma túy, khủng bố ngầm, thì quá trình đào tạo còn nghiêm túc hơn”, Gennady Gudkov, một cựu sĩ quan KGB và FSB cho biết.
Lịch sử cũng từng có trường hợp đại diện của giới trí thức - nhà văn, nghệ sĩ và vận động viên - được KGB tuyển dụng để thu thập những quan điểm trái chiều trong cộng đồng đó.
KGB “cấm cửa” đối tượng nào?
Mặc dù KGB tuyển dụng người cấp tin và điệp viên gần như không bị ràng buộc, cơ quan này vẫn có những tiêu chuẩn nhất định để sàng lọc kỹ những người muốn được làm việc chính thức. Hoen ố danh tiếng hoặc một số dị tật cơ thể sẽ vĩnh viễn không có cơ hội làm trong KGB.
Những ứng viên có ngoại hình không nổi bật thường được ưu tiên, trái ngược với những người có một số đặc điểm ngoại hình bất thường như co giật, dị tật mắt và lác, rối loạn ngôn ngữ, răng hô hoặc vết bớt lớn, bên cạnh những khuyết tật có thể nhìn thấy khác.
KGB cho rằng những hạn chế này có thể làm suy giảm khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ứng viên trong các nhiệm vụ trọng yếu.
Theo một cựu sĩ quan KGB đã trở thành nhà văn, đại diện của một số dân tộc nhất định cũng bị cấm làm việc trong KGB một cách không chính thức vì được cho là “không đáng tin cậy”.