Theo Sputnik (Nga), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cáo buộc chính phủ Syria tiến hành “một cuộc tàn sát” tại thành phố Aleppo. Đồng thời, ông Kerry khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng các đồng minh “đối xử tàn bạo với dân thường” và “châm ngòi cho một cuộc chiến giáo phái”.
Nhưng theo nhận định của giáo sư lịch sử Geoffrey Roberts từ Đại học Cork, cũng là một thành viên của Học viện Hoàng gia Ireland, những lời lẽ trên của Ngoại trưởng Mỹ Kerry chỉ có ý định lái sự quan tâm của dư luận ra khỏi những sai lầm của phương Tây ở Syria.
Theo giáo sư Roberts, những bình luận của ông Kerry “mang mục đích chính trị” và chủ yếu hướng đến những người dân Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng rất nhiều những tuyên bố cực đoan trên có mục đích che giấu sự xấu hổ của phương Tây với những chính sách thảm họa tại Syria. Họ đã đưa ra nhiều quyết định rất sai lầm”, giáo sư nói. Theo ông, các nhà lãnh đạo phương Tây đã “ủng hộ những nhóm vũ trang thực chất là một phần của khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS hoặc các nhóm cực đoan. Đó thực sự là thảm họa. Họ đang cố gắng che giấu điều đó. Những lời lẽ của ông Kerry chỉ đang lấp liếm những sai lầm của phương Tây, sự yếu kém của họ cùng những quyết định chính trị sai lầm với Syria”.
Giáo sư Roberts bày tỏ hi vọng rằng khi xung đột Syria được giải quyết, những phát ngôn như trên của ông Kerry sẽ được thay thế bằng “một cuộc đối thoại có tính xây dựng hơn”. Ông cảnh báo, chiến thắng ở Aleppo vẫn chưa thể kết thúc cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại đất nước Trung Đông Syria do các chiến binh thánh chiến tiếp tục kéo về những khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, chuyên gia lịch sử lưu ý rằng khủng hoảng Syria có thể giải quyết một cách nhanh chóng hơn nhiều người tưởng nếu như các bên liên quan như Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia và Qatar cùng nhau thiết lập một “quan hệ đối tác một cách thành thực”.
“Nếu kiểu liên minh đó được thiết lập với mục đích tìm giải pháp chung đảm bảo không có đổ máu sau nội chiến, tôi nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kết thúc sớm, ít nhất là các phiến quân vũ trang sẽ được kiểm soát ở những khu vực nhất định”, giáo sư nói.
Theo quan điểm của ông Roberts, thành lập được liên minh trên phụ thuộc vào các lãnh đạo chính trị của từng quốc gia. Ông cũng nhìn thấy khả năng hợp tác và tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền Mỹ và Nga.
Không ai biết ông Donald Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ như thế nào “nhưng dường như ông ấy không phải là người có tư tưởng bài Nga”, ông Roberts nói. “Ông ấy có xu hướng hòa hoãn, không muốn tiếp tục theo đuổi chính sách can thiệp quân sự của Mỹ. Tôi nghĩ rằng đó là những tín hiệu tốt và rất lạc quan rằng tình hình có thể sẽ được cải thiện trong những tháng tiếp theo”.
Thực tế cho thấy, sau khi đắc cử, ông Donald Trump đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai bên đã nhất trí cùng nhau hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố cực đoan toàn cầu.
Tiến sĩ Rohan Gunaratna, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về chủ nghĩa khủng bố và bạo lực chính trị từ Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) nhận định rằng ông Trump đã “rất cởi mở” khi nói về vấn đề hợp tác với các mối đe dọa của thế giới mà cụ thể nhất là tuyên bố hợp tác với Nga. Tiến sĩ cũng tin rằng trong tương lai, Mỹ - Nga sẽ phối hợp chống IS và al-Qaeda cùng những mối đe dọa chung với hai quốc gia.
Dù từ trước tới nay ông Trump chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về kế hoạch đối phó với xung đột đã tồn tại 6 năm qua tại Syria nhưng ông từng hé lộ rằng có thể chính quyền mới sẽ điều chỉnh lại để mục tiêu của Mỹ và Nga xích lại gần nhau hơn.
Hiện tại, giới quan sát vẫn tiếp tục hướng về phía ông Trump, người sẽ nhậm thức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 năm tới. Ông Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria, kiêm học giả Viện Nghiên cứu Trung Đông cho biết những hình ảnh từ chiến trường Syria sẽ là sức ép khiến ông Trump đưa ra một kế hoạch hành động chi tiết hơn với đất nước ở Trung Đông này.
Danh Tuyên