Trong chuyến thăm Việt Nam cuối cùng trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã một lần nữa đến Năm Căn, Cà Mau, nơi ông từng có khoảng thời gian hoạt động trong quân ngũ thời trẻ, theo Washington Post.
Vào năm 1969, ông John Kerry là một trung úy hải quân chỉ huy một đội thuyền máy tuần tra trên vùng sông nước Cà Mau. Trong một cuộc phục kích của lính du kích địa phương, ông đã may mắn trốn thoát.
48 năm sau, khi bước vào những quãng thời gian cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Kerry trở lại đồng bằng sông Cửu Long và gặp lại người cựu chiến binh Việt Nam ở bên kia chiến tuyến từng tham gia vào trận đánh năm xưa.
Không còn là hai kẻ đối đầu nhau giữa hai bờ chiến tuyến, trong cuộc gặp ngắn ngủi, cả ông Kerry và ông Võ Ban Tâm cùng gác lại quá khứ, bắt tay nhau trên bến tàu.
Ông Tâm năm nay 70 tuổi và là một trong những người lính cách mạng lão thành ở Cà Mau. Năm xưa ông từng nằm chờ trong đám cỏ lau để phục kích tàu tuần tra của ông Kerry, chờ đợi thời điểm đội quân của Ngoại trưởng Mỹ mất cảnh giác.
Theo Washington Post, lần gặp gỡ ngắn ngủi này giữa hai con người từng là đối thủ trong quá khứ đã được các quan chức lãnh sứ quán Mỹ tổ chức.
Ngoại trưởng Mỹ nhìn chăm chú vào người đàn ông đội chiếc mũ trắng đứng trước mặt mình và lắng nghe người lính cách mạng Việt Nam kể lại một trong những khoảnh khắc mà ông không bao giờ quên trong cuộc đời.
Ông Tâm nói với ông Kerry rằng đồng đội của ông khi đó đã nghe thấy tiếng thuyền máy từ cách xa 900 mét và nói rằng lính Mỹ đã không có cơ hội nào phản ứng.
"Chúng tôi là du kích", ông nói, "chúng tôi không nấp ở những nơi lính Mỹ nổ súng".
"Tôi rất vui vì cả chúng ta đều còn sống", ông Kerry nói với người lính Cà Mau khi cả hai người nắm lấy tay nhau.
Cuộc gặp gỡ của ông Kerry với ông Võ Ban Tâm được cho là đỉnh điểm cảm xúc trong chuyến thăm hai ngày qua tại Việt Nam, một trong những chuyến công tác ngoại giao cuối cùng của ông trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ của ông. Văn phòng của ông Kerry ở Foggy Bottom đã bắt đầu các hoạt động thu xếp cuối cùng để sẵn sàng chuyển tới Boston.
Giới quan sát đều cho rằng thượng nghị sĩ kì cựu của bang Massachusetts sẽ không còn tiếp tục tham gia vào chính trường sau nhiệm kỳ này, nhưng ông có thể vẫn tham gia vào một số lĩnh vực về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường. Trong đó ông đặc biệt quan tâm đến tác động của nước biển dâng và đập thủy điện trên các dòng sông ở hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Washington Post, ông Kerry đã có cuộc trò chuyện hăng say với một nhà khoa học địa phương về ảnh hưởng của xâm nhập mặn sau khi vùng đất này phải chịu đợt hạn hán kéo dài hồi đầu năm 2016. Đây là đợt hạn hán nặng nề nhất trong suốt hơn 100 năm qua, gây ảnh hưởng lâu dài đến sinh nhai của người dân nơi đây.
Kết thúc chuyến thăm, ông Kerry nói rằng ông sẽ trở lại Việt Nam, đất nước chào đón ông như một đứa con trai lầm lạc trở về nhà.
Người dân Việt Nam đều biết Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain là những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam.
Sau khi trở về Mỹ, cả hai đều tích cực tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, và những năm sau đó hai vị chính khách góp công rất lớn cho việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.
"John Kerry yêu Việt Nam, và Việt Nam cũng mến John Kerry như vậy", Ed Miller, nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Dartmouth - cố vấn về chuyến thăm của ông Kerry cho biết.
Ông Kerry cảm thấy tự hào khi đóng góp công sức vào việc bình thường hóa quan hệ và tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam. Tăng trưởng thương mại Việt-Mỹ trong 20 năm qua đã tăng từ 450 triệu USD lên con số 45 tỷ USD.
"Ông ấy coi Việt Nam là một thành tựu lớn trong sự nghiệp chính trị của mình", Tom Vallely, một người bạn lâu năm của đương kim Ngoại trưởng Mỹ, người từng tham gia gây quỹ xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Quan hệ Việt-Mỹ trong quá khứ và hiện tại được mô tả giống như tấm gương phản chiếu trong cả cuộc đời của ông John Kerry.
"Đó là một trải nghiệm tuyệt vời, rằng sau tất cả mọi chuyện, chúng tôi bây giờ đã thấu hiểu nhau", David Thorne, người bạn thời thơ ấu và là một trong những cố vấn của ông Kerry cho biết. "Đó là một phép lạ khi chúng tôi trở lại vùng đất này tìm kiếm sự hòa giải", David kết luận.
Quốc Vinh