Đằng sau những tin đồn
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vài ngày qua rơi vào tin đồn nói rằng, ông đang cân nhắc việc từ chức vào cuối năm nay khi cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 25/7 đã lên tiếng bác bỏ thông tin nói trên là không có thật.
Phải đối mặt với vô số thách thức khác nhau, từ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đến một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở khu vực Trung Đông, tiếng nói của nhà ngoại giao hàng đầu như Tillerson thường rơi vào thinh không, khi ông Trump tiếp thu ý kiến của đội cố vấn cao cấp và con rể Jared nhiều hơn, theo CNN.
Ông Tillerson cũng muốn cơ cấu lại bộ máy cồng kềnh, chồng chéo trách nhiệm của bộ Ngoại giao, tuy nhiên ý định này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tổng thống và Ngoại trưởng từng nhiều lần công khai thể hiện sự bất đồng. Cả hai có những thông điệp khác nhau trong cách tiếp cận một số vấn đề toàn cầu, tiêu biểu như cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh.
Trong giai đoạn đầu, ông Trump ủng hộ việc cô lập Qatar, ngược lại ông Tillerson lại kêu gọi các nước giảm căng thẳng.
Mặc dù khác biệt là điều dễ nhìn thấy, nhưng ông Tillerson đã bắt đầu nổi lên như một tiếng nói quan trọng về chính sách đối ngoại sau khi ông là người Mỹ duy nhất tham gia cùng Tổng thống trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhiều quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao nói với CNN, họ đồng ý với quan điểm dù Tillerson không cảm thấy hạnh phúc nhưng ông có thể sẽ vẫn ở lại để xem xét tình hình liệu có cải thiện.
Trong lịch sử nước Mỹ, khá nhiều Ngoại trưởng đã rời khỏi vị trí của họ khá sớm. Nhưng chỉ có ba người từ chức vì những vấn đề liên quan đến quy tắc. Và trong 100 năm qua chỉ có một người duy nhất là Cyrus Vance quyết định rời đi để thể hiện sự phản đối với Tổng thống.
Trên thực tế chức danh Ngoại trưởng là vị trí quyền lực thứ hai trong Chính phủ và có uy tín nhất trong nội các. Đó là lý do khiến ít người muốn rời bỏ nhiệm kỳ quá sớm.
Do đó nếu lựa chọn ra đi, ông Tillerson sẽ phải có một lý do chính đáng nếu không muốn nhận những lời chỉ trích vì sớm từ bỏ trách nhiệm.
Chính quyền của Tổng thống Trump đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn từ bên trong.
Theo các nhà phân tích, quyết định từ chức của Tillerson vào lúc này là quá sớm giữa lúc mọi thứ còn chưa thành hình.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ đang còn những công việc dang dở mà nếu người tiền nhiệm của ông hiếu chiến và thực dụng hơn, các chính sách đối ngoại hiện tại của Mỹ về đồng minh, Iran hay Triều Tiên có thể bị đảo ngược.
Đọc thêm>>> Tôn Chính Tài - ngôi sao chính trường Trung Quốc bất ngờ 'ngã ngựa'
Quốc Vinh