Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 13/6 cho biết việc xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, trong khi xuất khẩu nông sản sang các nước “nghèo nhất” theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Biển Đen (BSEC), ông Lavrov cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây là lý do cho cả hai cuộc khủng hoảng trên.
“Phía Nga đã công bố các sáng kiến quan trọng để vượt qua các cuộc khủng hoảng hiện nay trong lĩnh vực năng lượng và lương thực ở các nước nghèo ở Nam Bán cầu, do các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của tập thể phương Tây và các tính toán sai lầm mang tính hệ thống trước đây của họ”, Ngoại trưởng Nga nói.
“Nói một cách cụ thể, đây là việc thành lập một trung tâm phân phối khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ và ưu tiên xuất khẩu nông sản sang các nước nghèo nhất như một phần của thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen”.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, tại cuộc họp, các nhà ngoại giao hàng đầu trong BSEC đã thảo luận về các vấn đề hiện tại và ghi nhận tiến bộ nhất định về một số vấn đề bị đình chỉ trong chương trình nghị sự dưới nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên do Serbia đảm nhiệm trong 6 tháng đầu năm 2023, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực tích cực hơn đối với dự thảo chiến lược mới về năng lượng trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga đã nêu rõ các cách tiếp cận hợp tác của Moscow trong BSEC và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các mối quan hệ bên ngoài của tổ chức này trên cơ sở bình đẳng, công bằng và cùng có lợi, nâng cao vai trò là một trung tâm kinh tế độc lập.
Cuộc họp tiếp theo của các bộ trưởng ngoại giao BSEC dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ chức Hợp tác Kinh tế Biển Đen (BSEC) gồm 13 thành viên: Albania, Armenia, Azerbaijan, Bulgaria, Croatia, Gruzia, Hy Lạp, Bắc Macedonia, Romania, Nga, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.
Ý tưởng về một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái với tư cách một tuyến đường thay thế cung cấp khí đốt cho châu Âu. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhưng các chuyên gia cho rằng một số vấn đề về mặt kỹ thuật có thể cản trở việc hiện thực hóa ý tưởng này.
Khí đốt Nga hiện được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt vì rất nhiều quốc gia châu Âu đang phụ thuộc nặng nề vào nó. Tuy nhiên, các quốc gia EU đang tìm cách giảm tối đa sự phụ thuộc này. Vì vậy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm năng lượng, trong đó bao gồm khí đốt Nga, các nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại rằng châu Âu có thể sẽ phải nhập khẩu chính loại khí đốt Nga mà họ đang cố gắng loại bỏ.
Minh Đức (Theo Anadolu Agency, TASS, DW)