Nam bộ là vùng đất mới, mới theo nghĩa khai hoang lập làng muộn hơn so với những vùng đất khác. Khi lưu dân người Việt, người Hoa chưa vào thì nơi đây chỉ là một vùng đất ẩm thấp, hoang vu, cây cối rậm rạp. Đến thế kỷ thứ XVIII, miền Bắc, miền Trung rơi vào chiến tranh các cứ giữa các thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn làm cho dân tình khốn khổ, dân lưu tán ngày càng nhiều. Từng đoàn người theo mùa gió bấc vào vùng đất phía Nam để sinh sống. Sống trên một vùng đất mới với khí hậu nhiệt đới, để có cái ăn, cái mặc, họ phải thường xuyên chống chọi lại với thiên nhiên. Bên cạnh đó họ còn phải từng bước hình thành lối ứng xử riêng cho phù hợp với điều kiện sống mới. Trong đó ngồi chồm hổm là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng.
Nhiều người Nam bộ ngày nay vẫn ngồi chồm hổm
Trong mỗi gia đình người dân Nam bộ có ít nhất hoặc một vài thành viên trong gia đình đều ngồi chồm hổm, biểu hiện rõ nhất là trong các bữa cơm thân mật của gia đình. Đó là một đặc điểm lý thú trong văn hóa sống của người dân Nam bộ xưa. Ngồi chồm hổm được hình thành để thích nghi với yếu tố địa lý tự nhiên, ứng xử cho phù hợp với môi trường sống của đồng bằng Nam bộ (khí hậu nóng ẩm, đất đai cầm thủy, hoang vu).
Nếu như ở miền Bắc, lên bàn ăn cơm người dân thường dọn lên mâm, trải chiếu, ngồi xếp bằng hoặc ngồi xếp bằng trên bộ ván. Điều này ở vùng Cà Mau vẫn còn giữ được nét văn hóa chốn quê xưa nhưng đã có sự kết hợp giữa ngồi bằng và ngồi chồm hổm trong điều kiện cho phép. Còn lưu dân Nam bộ, ăn uống giản dị, đi ruộng họ mang theo cơm, để trên các bờ ranh. Khi làm mệt, họ lên bờ ngồi chồm hổm ăn cơm. Cứ như thế người nơi đây hình thành thói quen ngồi kiểu này.
Người sau thấy người trước học theo, lại cảm thấy cách ngồi này tương đối dễ chịu và ngồi chồm hổm đã trở thành một trong nét văn hóa sống không thể thiếu trong cư dân Nam bộ. Điều này thể hiện nét linh động trong cách ứng xử với môi trường sống, lối sống giản dị, chân thành.
Ngồi chồm hổm nhiều nhất vẫn là nam giới. Người lớn tuổi trước kia thường ngồi chồm hổm, nay đã bỏ hoặc đôi khi vẫn ngồi như thế. Số người còn trẻ tuổi thì có phần giảm đi, nhất là dân sống ở thành thị. Những người này phần nào do tiếp thu nếp sống văn minh đô thị nên đã thay đổi. Còn ở nông thôn, đa số gia đình đều có một hay vài người ngồi chồm hổm.
Ngày nay, với lối sống văn minh đô thị, thì kiểu ngồi chồm hổm của cư dân Nam bộ đã dần biến mất, thay vào đó là những kiểu ngồi mang phong cách sang trọng, hiên đại hơn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những chị phụ nữ, ngồi chồm hổm tại những khu chợ tự phát, trên vỉa hè, trong các ngõ hẻm đang tấp lập mua bán. Những người đi chợ ngồi chồm hổm thưởng thức món bánh xèo nóng hổi, những chàng thanh niên ngồi chồm hổm uống cà phê phì phèo khói thuốc.
Nhìn chung, cư dân Nam bộ đã tạo nên các giá trị văn hóa, trong đó ngồi chồm hổm là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân Nam bộ. Tuy nhiên, trong từng hoàn cảnh cụ thể mà cách ngồi chồm hổm được biểu hiện rất ý nhị và lý thú.
Thế Quyết