Kéo theo đó, lò hóa vàng tại chùa được dỡ bỏ, việc thắp nhang trong chùa cũng được hạn chế.
Theo Zing.vn, việc vận động phật tử không đốt vàng mã ban đầu gặp nhiều khó khăn. Nhiều phật tử thắc mắc tại sao các chùa khác vẫn đốt bình thường mà chùa Liên Hoa lại cấm.
Thậm chí, một số người đã phản ứng bằng cách xin thỉnh hủ cốt người thân đem về nhà hoặc thờ ở chùa khác, lại có người "cảnh báo" rằng chùa sẽ sớm đóng cửa. Dẫu vậy, trụ trì chùa Liên Hoa, Thượng tọa Thích Duy Trấn vẫn kiên định với quan điểm của mình.
“Tôi vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục khuyến khích những phật tử còn lại hưởng ứng chủ trương không đốt vàng mã khi đến chùa, thay vào đó dành tiền làm từ thiện. Vậy là trong năm 1998, chúng tôi đã gom góp được 300 phần quà, thực hiện chuyến đi thiện nguyện đầu tiên bằng số tiền từ việc không với đốt vàng mã”, vị Thượng toạ chia sẻ với Zing.vn.
Cùng với việc vận động kinh phí, những chuyến đi từ thiện đến những vùng xa để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn mà do nhà chùa tổ chức đã khiến các phật tử dần dần nhận ra ý nghĩa, niềm hạnh phúc khi được cho đi, được sẻ chia niềm vui với những người kém may mắn trong xã hội, báo VOV đưa tin.
Cũng theo trụ trì chùa Liên Hoa, việc đốt vàng mã không mang ý nghĩa gì, vì nếu có thì trong kinh Phật đã có ghi lại. Việc giữ suy nghĩ “trần sao âm vậy”, không đốt vàng mã thì ông bà, cha mẹ, người thân sẽ thiếu thốn là do nhân gian truyền miệng từ đời này sang đời nọ.
Được biết, sau 20 năm đưa ra quyết định mang tính “bước ngoặt”, được cho là mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cửa chùa chẳng những không bị đóng cửa như lời “cảnh báo” thuở nào mà ngày càng rộng mở, phật tử tìm đến ngôi chùa ngày càng đông.
Số tiền đóng góp từ việc đốt vàng mã tại chùa Liên Hoa trong năm 2016 là hơn 2 tỷ đồng. Đến năm 2017, số tiền này đã tăng lên 3.7 tỷ đồng.
N.H (tổng hợp)