Lịch sử ngôi cổ tự
Ngôi chùa mà chúng tôi muốn nhắc đến là Chùa Phước Hải, người dân thường gọi là chùa Ngọc Hoàng, vì ngôi chùa này thờ Ngọc Hoàng thượng đế và các chư vị thần tiên. Chùa Ngọc Hoàng tọa lạc tại đường Mai Thị Lựu (P.Đa Kao, Q.1, TP. HCM). Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng từ năm 1892, rộng khoảng 2.300m2 do một người có tên Lưu Minh (người Quảng Đông) lập nên. Ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc của người Hoa với hoa văn họa tiết bằng gạch xưa, mái lợp ngói âm dương nhiều màu.
Chùa Ngọc Hoàng.
Được biết, mười sáu năm sau ngày khởi công xây dựng, chùa mới được hoàn thành và có tên ban đầu là Ngọc Hoàng điện. Người lập ra điện này ban đầu với mục đích để thờ cúng cho việc làm ăn thuận lợi, đến năm 1982 chùa được hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản. Kể từ đó ngôi chùa đã thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong tâm thức của người Việt thì ngôi chùa này mang sự linh thiêng cùng nhiều ấn tượng với tên gọi là Phước Hải Tự nhưng người dân quen gọi là chùa Ngọc Hoàng.
Khi bước vào chùa, cảm giác đầu tiên chúng tôi có là sự thích thú với dòng người lễ Phật. Nhóm du khách tham quan chùa với khói hương bay tỏa khắp sân. Cây đa hàng trăm tuổi vươn tán che mát cả sân chùa. Những chú chim bồ câu dạn dĩ làm không gian của chùa trở nên gần gũi với người thăm viếng. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều bức tượng gốm màu. Phía trước cổng tam quan là ngôi miếu nhỏ đặt tượng hộ pháp, nóc miếu trang trí hình lân miệng ngậm ngọc, trên cùng nóc miếu có hình nụ sen. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế lưỡng long tranh châu.
Trải qua hàng trăm năm, những bức tượng độc đáo làm từ giấy bồi vẫn tồn tại uy nghiêm, và hầu như không có vết tích hư hỏng do thời gian.
Gọi là chùa nhưng ít thấy tượng Phật, La Hán ngoại trừ tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt ở chánh điện. Điện lớn của chùa thờ Ngọc Hoàng cùng tả hữu là chư vị quan chức nhà trời. Những bức tượng đồ sộ và uy nghiêm hướng mặt xuống bên dưới trong hương khói nghi ngút. Ngoài ra, chùa còn thờ thần tài, thổ địa và nhiều vị khác. Ở phía bên trái chánh điện có một phòng nhỏ treo biển “Kim Hoa thánh mẫu” và 12 bà mụ. Là nơi cầu con của khách thập phương nên rất đông. Một điều lạ khiến những người ghé thăm ngôi chùa giữa trung tâm Sài Gòn này là họ không tự thắp hương khấn nguyện mà có thêm sự giúp đỡ của người trong chùa.
Cũng giống như những công trình kiến trúc khác, chùa Ngọc Hoàng nhìn từ bên ngoài cũng mang dáng dấp của kiến trúc Á Đông, với sự hài hòa phong thủy như bao ngôi chùa khác. Vậy điều gì khiến ngôi chùa này trở nên đông đúc người đến viếng thăm?
Độc đáo những bức tượng làm bằng giấy bồi
Bên trong chùa Ngọc Hoàng luôn có đông dòng người lễ Phật, khói hương nghi ngút càng làm cho không gian chùa trở nên huyền bí nhưng vô cùng trang nghiêm. Điểm đặc biệt của chùa Ngọc Hoàng đó chính là những pho tượng rất độc đáo bên trong điện thờ. Gần 100 bức tượng trong điện được làm hoàn toàn bằng giấy bồi. Thật khó có thể tin, chỉ với giấy bồi và nan tre, các nghệ nhân đã đắp nên những bức tượng rất sống động, đầy vẻ oai nghiêm nhưng vẫn ẩn chứa sự hiền hòa, bình an. Gần trăm năm kể từ lúc những bức tượng này ra đời, vẫn còn giữ được nét mới, và hầu như chưa thấy dấu ấn thời gian tác động trên những bức tượng có một không hai này.
Ngay khi vừa bước qua cổng tam quan, hai bức tượng bằng giấy bồi uy nghi, được tạo tác rất tinh xảo, cao hơn rất nhiều so với người thật, đó là tượng Phục Long đại tướng và Phục Hổ đại tướng. Chính điện của chùa là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Tượng Ngọc Hoàng là bức to nhất trong chùa với chiều cao hơn 3 mét, đầu đội mũ bình thiên, khuôn mặt được điểm thêm bốn chòm râu dài. Xung quanh Ngọc Hoàng còn có các tượng của Nam Tào, Bắc Đẩu, tứ đại kim cương. Bên trái bàn thờ Ngọc Hoàng là bàn thờ Bắc đế, vị thần trấn giữ phương Bắc của cõi trời, đứng đầu việc thay đổi mùa màng và cầu mưa. Bên phải bàn thờ Ngọc Hoàng là bàn thờ phật Chuẩn Đề với chiếc áo vàng cùng nhiều cánh tay. Trong không gian chật chội, nhưng có hàng trăm bức tượng bằng giấy bồi được đắp trong nhiều tư thế khác nhau. Những khuôn mặt tượng tuy không trắng nhưng toát lên vẽ hiền hòa của những bậc thánh nhân nơi cửa thiêng.
Không chỉ riêng phần chánh điện, những bức tượng bằng giấy bồi lớn nhỏ còn nằm rải rác ở nhiều gian thờ trong chùa như: Tượng Thanh Hoàng, Lỗ Ban và Thái tuế Mã tướng quân. Trên tầng lầu là gian thờ Phật, với các tượng quan thánh Đế quân, quan thế âm Bồ tát, Hộ pháp, Tổ Lưu Minh, La hán. Phong cách thờ tự trong chùa đã cho thấy rõ nhân sinh quan, vũ trụ quan với ba cõi: Cõi trời, cõi âm và cõi Phật. Những bức tượng bằng giấy bồi chiếm phần nhiều trong chùa Ngọc Hoàng. Ngoài ra, còn có một gian thờ gọi là Thập điện Diêm vương, nơi đây không chỉ có Diêm Vương hay các phán quan mà còn thờ 10 bức chạm gỗ diễn tả các hình phạt tại cửa ngục được chạm khắc trên chất liệu gỗ quý. Gian thờ cúng Kim Huê nương nương và 12 mụ bà luôn có đông người khấn vái. Bởi đây là nơi những phụ nữ hiếm muộn thường lui tới cầu tự.
Chúng tôi đã được nghe kể nhiều về ngôi chùa có những bức tượng độc đáo này trước khi đến đây, nhưng với những thông tin có được, cũng như những bức tượng được tận mặt chứng kiến, đã khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự tồn tại bền bỉ của những bức tượng làm từ chất liệu độc đáo này. Những bức tượng bằng giấy bồi uy nghiêm nhưng vô cùng nhân từ đã khiến lòng chúng tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng. Chúng tôi đã đi nhiều nơi, viếng thăm nhiều đình chùa trên khắp cả nước, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi được chiêm ngưỡng những pho tượng có lối tạo hình mỹ thuật và chất liệu kỳ lạ đến như thế.
Chùa Ngọc Hoàng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Không chỉ có những đóng góp cho hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hòa thượng Thích Vĩnh Khương của chùa Ngọc Hoàng còn tổ chức nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chùa Ngọc Hoàng cũng là một địa điểm ém quân thường xuyên của lực lượng giải phóng. Những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật của điện thờ, và đặc biệt là những pho tượng bằng giấy bồi độc đáo, chùa Ngọc Hoàng đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. Hàng năm vào ngày 9 tháng Giêng, chùa tổ chức lễ vía Ngọc Hoàng, đây thật sự là một ngày lễ hội cho người đến chùa trong những ngày đầu năm mới. |
Công Thư