Ám ảnh đau lòng
Chùa Từ Quang (thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thu hút hàng trăm lượt khách thập phương đến viếng mỗi ngày. Nhưng không khí ở ngôi chùa này lúc nào cũng tĩnh lặng, tách biệt với phố xá ồn ào bên ngoài. Quanh các tượng Phật đặt trong khuôn viên chùa lúc nào cũng thấy bóng người thắp hương, vái lạy. Người bên cạnh phải ghé tai thật sát mới có thể nghe họ khấn vái điều gì. "Con là Nguyễn Thị H., cầu xin Phật tổ cho con gửi con của con vào chùa. Phật tổ linh thiêng phù hộ độ trì cho con của con sớm ngày chuyển kiếp đầu thai", một người phụ nữ tuổi trạc 30 lẩm bẩm.
Sau một hồi thuyết phục, người phụ nữ ấy mới đồng ý thổ lộ nỗi khổ tâm đang dồn nén trong lòng. Chị H. quê Kiên Giang lên TP.HCM hơn 10 năm nay và đang làm công nhân trong khu công nghiệp Tân Tạo. Năm năm trước, chị yêu một anh tên N. kém chị hai tuổi, quê Thanh Hóa. Hơn một năm tìm hiểu, hai người quyết định "góp gạo thổi cơm chung". Đời sống công nhân vất vả, nhọc nhằn nhưng chị và anh sống rất hạnh phúc. Chị định đi làm, dành dụm một thời gian nữa sẽ công bố chuyện của hai người với gia đình, nhưng khi biết chị mang thai, H. liền "bỏ của chạy lấy người". Phần vì nghèo túng không tiền bạc, phần vì xấu hổ với bà con, dòng họ nên chị cắn răng đi phá bỏ bào thai.
Với chị H., mọi chuyện tưởng chừng như đã khép lại và đau khổ sẽ kết thúc ở đó. Nhưng nỗi đau tình phụ và nỗi ray rứt vứt bỏ đứa con vẫn dằn vặt trong lòng. "Tôi thường mơ thấy, một đứa trẻ đứng quay lưng về phía tôi không rõ trai hay gái, khóc tức tưởi gọi mẹ. Tôi biết nó là con tôi. Tôi đã bỏ nó, chắc nó hận tôi lắm, nên cứ theo tôi hoài", chị H. nghẹn ngào. Cơn ác mộng ấy cứ ám ảnh chị suốt mấy năm qua. Chị cho biết, một người bạn nhà ở gần vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân, TP. HCM) đã chỉ cho chị gửi con vào chùa để nó có nơi nương tựa.
Nhiều người biết đến chùa Từ Quang từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Có người được bạn bè chỉ bảo, có người tình cờ đi ngang qua và thấy ray rứt nên tìm đến chùa sám hối. Cứ vào ngày rằm hàng tháng, bà Trần Kim P. (ngụ quận 5, TP. HCM) cùng chị M. (con gái bà) vào chùa cúng tế cho đứa cháu ngoại lẽ ra năm nay đã tròn ba tuổi.
Ba năm trước, khi hay chuyện con gái mình "ăn cơm trước kẻng" với một thanh niên quê ở tận miền Trung, bà tìm đủ mọi cách ngăn cản tình cảm của con và buộc chị M. phải vứt bỏ đứa bé trong bụng. Một năm sau, chị M. thường xuyên đau ốm và dường như không được tỉnh táo như trước. "Một tháng, nó bị bệnh hết 29 ngày. Mỗi lần bệnh, nó thường mê sảng, chạy chữa cách nào cũng không hết. Tôi có đi coi thầy nói nó bị một cái vong con nít theo phá. Tôi nghĩ chắc đó là con của nó", bà P. kể lại.
Từ cổng chính, bên phải chánh điện chùa Từ Quang là một dãy nhà nhỏ, lúc nào cũng có người ra vào. Các sư cô trong chùa cho biết: Đây là khu vực khách thập phương (những người từng phá thai - PV) đến đăng ký để chùa sắp xếp, chờ ngày lập "Trai đàng" cầu siêu cho con của họ. Bên trái chánh điện là một điện nhỏ đặt tượng một vị Phật. Dưới chân vị Phật này là tượng các ddồng tử với nhiều tư thế đứng, ngồi khác nhau và cạnh đó là đủ thứ đồ cúng tế. Trụ trì Thích Giác Thiện cho biết, đây là tượng "Đức Phật Địa Tạng - Đồng Tử". Người vứt bỏ thai nhi đến viếng chùa thường quỳ thật lâu dưới chân Đức Phật cầu nguyện cho con mình.
Đại lễ cầu siêu vong hồn hài nhi tổ chức hằng năm (Ảnh chùa Từ Quang cung cấp)
Xoa dịu nỗi đau trần tục
"Thực hư thế nào thì chỉ bản thân biết" Một số người dân sống gần khu vực chùa Từ Quang truyền tai nhau rằng, thường nghe thấy tiếng khóc, cười của trẻ con phát ra từ chùa. Họ nghĩ, khi người thân của các thai nhi mang chúng gửi vào chùa thì chúng theo đến và tá túc ở đây. Giải thích về vấn đề này, Đại Đức Thích Giác Thiện cho biết: "Sự thật có tồn tại thế giới tâm linh hay không là do quan niệm của mỗi người. Người chưa từng chứng kiến thì bảo là không. Người từng nghe thấy thì bảo là có. Thực hư thế nào chỉ có họ mới biết được". |
Đại Đức Thích Giác Thiện cho biết thêm: "Khi một bào thai hình thành và bắt đầu nhen sự sống, nhưng vì lý do tế nhị nào đó mà các bậc làm cha, làm mẹ không để chúng cất tiếng khóc chào đời, tức là họ đã hủy đi một mầm sống. Hơn thế nữa, họ đã phạm vào tội sát sanh". Và những người như thế thường bị tổn thương về nhiều mặt, dễ nhận thấy nhất là tổn thương về mặt tâm lý. Họ cảm thấy mình gây ra tội nghiệt quá nặng và muốn làm một điều gì đó cho con của họ để xóa bớt ám ảnh trong lòng. Từ đó, chùa sáng lập đại lễ cầu siêu cho vong hồn thai nhi, hướng về thế giới của những sinh linh bị khước từ sự sống. Đây là một trong những giải pháp trấn an tinh thần của người từng nạo phá thai. Đồng thời, việc làm này nhắc nhở người đời phải quý trọng giọt máu do chính mình tạo ra".
Lễ cầu siêu cho vong hồn thai nhi tại chùa Từ Quang diễn ra mỗi năm một lần, bắt đầu từ ngày 9/8 đến 15/8 (âm lịch). Do số lượng ngày càng nhiều nên những người có nguyện vọng cầu siêu phải liên hệ với chùa đăng ký trước. Khi đăng ký, các sư cô trong chùa hướng dẫn rất kỹ lưỡng từ cách ghi tên vào bài vị cho đến nghi thức cúng tế.Thông thường, một số người đặt tên cho các thai nhi theo cảm tính hoặc những cái tên xuất phát từ thực tế đau lòng. "Rơi, Rớt, Bỏ",... là những cái tên thường thấy trước đây. Nhưng hiện tại, chùa có hẳn một bảng gợi ý cách đặt tên, thường là lấy họ của cha và mẹ ghép lại hay những cái tên dựa theo pháp danh của người xuất gia. Như thế, những người từng vứt bỏ thai nhi cũng thấy an ủi và phần nào nguôi ngoai nỗi đau.
Mỗi lần tổ chức lễ cầu siêu, hàng ngàn người từ khắp nơi tìm đến vây kín cả sân chùa. Trong số họ có người là dân lao động nghèo, có người thuộc tầng lớp trí thức, có người từng nạo phá thai nhiều lần, nhưng cũng có người sơ suất bị sẩy thai cũng tìm đến. Mỗi người một cảnh ngộ nhưng mục đích cuối cùng vẫn là hy vọng tìm lại chút thanh thản trong lòng. Thoáng nghe câu chuyện của chị Hồ Thanh T. (quê Hà Nam) mới chạnh lòng. Hơn hai năm trước, chị bị tai nạn giao thông lúc đang mang thai nên không giữ được đứa bé. Không những thế, vụ tai nạn khủng khiếp đó đã vĩnh viễn cướp đi thiên chức làm mẹ của chị. Với người vợ trẻ, sự thật ấy quá tàn nhẫn. Chị thấy tinh thần khủng hoảng trầm trọng nên đến chùa cầu an cho con mình, đồng thời vãn cảnh chùa cho khuây khỏa nỗi đau.
Một trường hợp khá đặc biệt và cũng hy hữu trong dịp lễ cầu siêu cho vong hồn thai nhi ở chùa hằng năm đó là bác sĩ Nguyễn Thị T.X., Trưởng khoa Sản của một bệnh viện danh tiếng ở TP.HCM (chuyên nạo phá thai). Bà chưa một lần từ bỏ cốt nhục của mình, nhưng vì tính chất công việc, bà đã từng giết hại biết bao sinh linh vô tội. Bà đến chùa cầu siêu cho chúng là để giảm bớt áp lực trong lòng và để vững tâm lý tiếp tục đối diện với thực trạng nạo phá thai đáng báo động như hiện nay. "Sau mỗi lần tổ chức lễ cầu siêu như vậy, nhiều người có chia sẻ với nhà chùa rằng, họ thấy lòng thanh thản hơn trước. Nhiều người từng gặp ác mộng thì giờ ít hoặc không còn gặp nữa. Có lẽ, ám ảnh trong họ đã dần vơi đi", Đại Đức Thích Giác Thiện chia sẻ.
Từ năm 2009 đến nay, đã có hơn 10.000 vong hồn thai nhi được gửi vào chùa. Đây chỉ là con số thống kê trong một góc nhỏ chùa Từ Quang. Và bên ngoài cuộc sống xô bồ kia, còn bao nhiêu người từng từ bỏ cốt nhục và đang thấy lòng u uất ngày mai đây lại tìm đến chùa ăn năn, sám hối.
Vinh Điền - Ngọc Lài