Trải qua hàng nghìn năm, chứng kiến biết bao biến cải thăng trầm, ngôi chùa vẫn uy nghiêm như chứng tích bất di bất dịch của lịch sử. Cho đến tận ngày nay, người đời vẫn truyền tụng cho nhau nghe những câu chuyện huyền bí về sự linh thiêng của ngôi cổ tự ngàn tuổi này.
Ngôi chùa biết... tránh đạn giặc
Chẳng ai biết chắc chắn chùa Mía được xây dựng vào năm nào và ai là người đặt viên gạch đầu tiên nhưng tương truyền, chùa có từ thời nhà Trần. Tính theo chiều dài lịch sử, ít nhất ngôi chùa này đã trải qua hàng ngàn năm và là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất xứ Đoài.
Đường vào chùa phải qua hai sân vườn, bên gốc vải có một cây đa cổ thụ khổng lồ, tán đa phủ bóng khắp không gian xung quanh. Kề bên đường gạch là tòa bảo tháp Cửu phẩm liên hoa cao 13m tượng trưng cho 9 kiếp tu hành của đức Phật. Mỗi tầng tháp xòe hình đầu rồng chạm trổ tinh vi. Trong lòng tháp, một đường cầu thang xoắn trôn ốc chạy thẳng lên trên nơi thờ vọng xá lị đức Phật. Lần theo lối đi lát gạch cổ, lấm tấm rêu phong vào khu vực nội điện, ta như lạc trong một thế giới khác, thâm nghiêm và tĩnh mịch lạ thường. Khắp không gian như ngừng thở, lắng đọng lại trong tiếng kinh kệ văng vẳng bốn bề.
Người trong vùng thường nói, chùa Mía rất linh, nếu thành tâm sẽ cầu được ước thấy. Ở cạnh dân làng từ ngàn đời nay, ngôi chùa từng không ít lần che chở cho dân chúng thoát khỏi can qua. Nhiều đời trôi qua, người làng Đông Sàng vẫn kể cho nhau nghe chuyện thần linh cứu người dân khỏi trận đại hồng thủy cách đây hơn nửa thế kỷ. Lân la quanh chùa, chúng tôi được người dân kể lại câu chuyện nhuốm màu huyền bí thuở nào.
Trận lụt lịch sử năm 1945 do vỡ đê sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Đuống đã nhấn chìm nhiều ngôi làng thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Năm đó, nước tràn về Đông Sàng, tiếng gió, tiếng nước gầm thét xé toang không gian vốn yên ả của làng quê. Dòng nước lũ cuồn cuộn tiếp tục chảy cuốn phăng tất cả những thứ gặp trên đường. Cả làng nháo nhào tìm đường chạy lũ. Thế nhưng, ngọn nước dữ chỉ bò qua cổng làng, chạy chậm dần rồi dừng lại giữa con dốc ngay trước cổng chùa. Ngôi chùa vẫn đứng đó, sừng sững, uy nghiêm không dòng nước nào xâm phạm được.
Du khách thập phương tham quan chùa Mía.
Trận lụt năm đó khiến 11 tỉnh, không kể tỉnh trung du và miền núi bị ngập lụt. Thế nhưng, có một điều lạ, riêng làng Đông Sàng không hề bị dòng nước hung dữ xâm lấn. Người dân nơi đây tin rằng, có một bàn tay vô hình đã chặn dòng nước lại. Nhiều đời trôi qua, các bậc cao niên trong làng vẫn kể cho con cháu họ về giai thoại thần linh chùa Mía đã che chở cho dân làng thoát khỏi bàn tay thủy thần.
Cũng theo lời kể của người làng Đông Sàng, thời kháng chiến chống Pháp, thần linh chùa Mía cũng từng nhiều lần che chở cho dân làng trước họng súng kẻ thù. Khi giặc tràn về, chúng lê máy chém đi khắp nơi, nhiều người dân yêu nước đã anh dũng ngã xuống. Dân Đông Sàng lũ lượt kéo nhau lên chùa, ẩn mình sau lưng tượng hai ông hộ pháp để lánh nạn. Giặc điên cuồng nã đạn vào chùa Mía. Nhưng kỳ lạ thay, không một viên đạn nào chạm đến không gian của chùa. Lại thêm một lần, bàn tay thần linh che chở dân làng thoát khỏi súng đạn.
Lý giải cho những câu chuyện nhuốm màu liêu trai này, sư thầy Thích Đàm Thanh cho biết: “Chùa Mía đã trải qua nhiều thế kỷ. Những câu chuyện kỳ bí liên quan đến ngôi chùa cũng được người dân truyền tụng nhiều nhưng theo tôi đó chỉ là truyền miệng. Đứng trên góc độ của một phật tử nghiên cứu về phật pháp thì không có những câu chuyện như thế”. Tuy nhiên, thầy Đàm Thanh khẳng định, chùa được bao bọc bởi dân làng và được người dân bảo vệ. Qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Mía vẫn tồn tại và luôn là nơi con người gửi gắm những điều tâm linh.
“Người xưa có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chùa cũng như một ngôi nhà vậy, con người sống lâu trong nhà thì nhà nhiều hơi ấm, chùa càng cổ kính thì càng linh ứng nhiều. Không thể nói chùa này thiêng hơn chùa kia, đã là chùa thì chùa nào cũng linh thiêng cả”, sư thầy Đàm Thanh giải thích thêm.
Nơi lưu giữ nhiều pho tượng nghệ thuật nhất việt nam
Theo những tài liệu lịch sử ghi chép lại, ngày xưa, chùa Mía chỉ là một ngôi chùa nhỏ, hoang sơ và cho tới nay người ta vẫn chưa tìm ra ai là người đầu tiên đã đặt móng xây nên. Đến thế kỷ thứ XVII, chúa Trịnh Tráng đi qua nơi đây, tất thảy gái trai trong làng đều kéo nhau đi xem, riêng chỉ có một thiếu nữ vẫn hăng say lao động mà không bận lòng đến xung quanh. Thiếu nữ vừa làm vừa ca: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang – Nửa lo việc nước nửa toan việc nhà”. Chúa Trịnh Tráng thấy cô gái có khí phách hơn người nên đã lấy về làm vợ. Người con gái đất Mía ấy là Nguyễn Thị Ngọc Dong (còn có tên khác là Nguyễn Thị Ngọc Diệu).
Chính cung phi Ngọc Dong đã đứng ra khuyến mộ thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh cùng tôn tạo lại ngôi chùa. Nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà, đã tôn sùng là “bà chúa Mía”. Theo sư thầy Thích Đàm Thanh, chùa Mía được xây dựng theo lối nội công ngoại quốc. Bước qua cổng tam quan sẽ thấy trong vườn chùa có cây đa cổ thụ đã vài trăm tuổi, tán lá xòe rộng rợp bóng mát cả khu vườn. Phía bên mái chùa được thiết kế rất thấp để khi khách vào sẽ phải nghiêng mình kính cẩn. Ni sư tại đây chia sẻ: “Bước vào chùa con người phải thật sự thành tâm, tự cúi mình mà soi rọi lấy phật tâm của chính mình. Cũng do đặc điểm mái thấp nên không ít du khách vào chùa bị cộc đầu”.
Chùa Mía không chỉ là danh lam đệ nhất xứ Đoài mà còn đang lập kỷ lục là ngôi chùa lưu giữ nhiều pho tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Trong chùa hiện thờ 287 tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng bằng gỗ và 174 tượng đất nung. Hàng trăm pho tượng mỗi pho một vẻ, dù làm bằng chất liệu nào cũng tạo ra một kiểu dáng sống động, màu sắc hài hòa. Đáng lưu ý nhất là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Nam Hải, tượng bà chúa Mía, tượng Quan Âm Tống Tử (Quan Âm Thị Kính) đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc.
Theo sư thầy Thích Đàm Thanh, các pho tượng trong chùa đều được tạc theo những phong thái khác nhau. Trong đó, pho tượng “Thích ca nhập niết bàn” là một trong những pho tượng hiếm hiện nay bởi số lượng rất ít. Khác với Thập Bát Bộ La Hán ở chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội) mang vẻ sầu khổ, pho tượng 18 vị La Hán tại chùa Mía có phong thái hài hòa và gần gũi với sinh hoạt đời sống hàng ngày của con người. Cùng với 18 vị La Hán, Bát Bộ Kim Cương tại đây cũng được coi như điển hình của nghệ thuật đã miêu tả ngoại hình, dung mạo những con người giàu tinh thần thượng võ.
“Ngôi nhà tình thương” của những mầm xanh Chùa Mía còn là “ngôi nhà tình thương” dành cho trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Hiện các ni sư trong chùa đang nuôi dưỡng và chăm sóc 7 bé mồ côi. Có bé bị bỏ rơi ở bệnh viện, cũng có bé bị người sinh thành đem đặt ở cổng chùa… Một người bán hàng trước cổng chùa cho biết: “Các cháu bé ở chùa được các ni sư chăm sóc, dạy dỗ tận tình. Những bé lớn đều được cho đi học ở thị xã, nói chung các cháu ở đây đều có điều kiện sống rất tốt về cả vật chất và tinh thần. Những đứa trẻ đáng thương bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng được lớn lên trong vòng tay của Phật và sự yêu thương của mọi người”. |
Anh Văn