Ngôi đền thiêng được từng đàn cá heo tới chầu bái ở Đồ Sơn

Ngôi đền thiêng được từng đàn cá heo tới chầu bái ở Đồ Sơn

Ngô Quang Thái

Ngô Quang Thái

Thứ 3, 08/10/2024 20:06

Đó là Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố Đền Vạn Chài ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng. Vào những năm 1990 trở về trước, cứ Mồng Một và ngày Rằm hằng tháng, từng đàn cá heo lại bơi lượn từng đàn tại vùng biển trước cửa đền.

Ở tuổi 72, ông Nguyễn Văn Tung đã có 38 năm gắn bó và làm thủ nhang đền Vạn Chài ở khu vực Bến Thốc, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng. Ông Tung là thế hệ thứ 5 trong gia đình được giao nhiệm vụ nhang khói tại đền Vạn Chài.

Trao đổi với phóng viên, ông Tung cho biết, đền Vạn Chài được xây dựng cách đây gần 200 năm với phần lưng tựa chân núi Đầu Vái, mặt hướng ra biển. Lối kiến trúc mặt bằng đền theo kiểu chữ tam gồm ba gian tiền đường, ba gian trung đường và ba gian hậu cung.

Đền Vạn Chài thờ Tứ vị Thánh Nương - các bậc Thánh bảo hộ giúp đỡ che chở cho những cư dân làm ăn trên biển. Do nằm ở vị trí cửa biển có khí hậu khắc nghiệt nên trải qua thời gian bị xuống cấp nghiêm trọng đền Vạn Chài đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo.

Ngôi đền thiêng được từng đàn cá heo tới chầu bái ở Đồ Sơn- Ảnh 1.

Phần gốc 1 trong 4 cây gạo cổ thụ còn lại trong khuôn viên đền Vạn Chài ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Gần 200 năm qua, cứ đến Mồng Một, ngày Rằm hằng tháng, ngư dân Đồ Sơn lại sắp lễ đến đền Vạn Chài cầu khấn Tứ vị Thánh Nương che chở, phù hộ cho công việc đi biển khi ra khơi sóng yên biển lặng, khi trở về tôm cá nặng khoang.

Xưa kia, tại vùng biển trước cửa đền có rất nhiều cá to, như cá vàng kép, cá đuối… Đặc biệt có loài cá lạ ngư dân nơi đây gọi là cá giống nặng tới 500 - 600 kg, 2 bên mình có 2 chiếc vây hình đao. Mỗi khi đánh được loại cá này, ngư dân lại cắt vây cá dâng các bậc thánh được thờ trong đền Vạn Chài.

"Năm 1992, tôi bắt đầu làm chấp tác ở đền Vạn Chài. Khi đó, cứ vào Mồng Một, ngày Rằm, nhất là dịp lễ hội của đền từ ngày 10 đến 16/3 Âm lịch, từng đàn cá heo kéo nhau bơi lội tại khu vực biển trước cửa đền để chầu bái các thánh. Thời gian gần đây, ít thấy chúng xuất hiện ở vùng biển Đồ Sơn. Thi thoảng mới thấy cá heo tại vùng biển gần đảo Dấu", ông Nguyễn Văn Tung cho biết.

Ngôi đền thiêng được từng đàn cá heo tới chầu bái ở Đồ Sơn- Ảnh 2.

Cây gạo cổ thụ bị gió bão quật ngã nhưng không ảnh hưởng đến đền Vạn Chài ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Trong khuôn viên đền Vạn Chài có 5 cây gạo cổ thụ tương truyền được trồng sau khi xây xong đền. Đến nay, các cây gạo này có đường kính phần gốc lên tới hơn 1m, cao gần 30m, cành lá sum suê tỏa ra bốn phía.

Hằng năm mỗi dịp lễ hội đền Vạn Chài vào giữa tháng 3 Âm lịch, hoa gạo đỏ rực bầu trời. Khi đó, đền Vạn Chài trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách thập phương đến dự lễ hội cũng như chụp ảnh cùng hoa gạo.

Ông Nguyễn Văn Tung cho biết, cơn bão số 3 vừa qua đổ bộ vào Đồ Sơn khiến 1 trong 5 cây gạo bị đổ. Khi đó, ông phải sơ tán khỏi đền để bảo đảm an toàn. Khi trở về, ông Tung cũng như nhiều người dân Đồ Sơn xót ra khi chứng kiến 1 cây gạo bị gió bẻ gãy.

Ngôi đền thiêng được từng đàn cá heo tới chầu bái ở Đồ Sơn- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tung - thủ nhang đền Vạn Chài ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, kể lại chuyện gió bão làm đổ cây gạo cổ thụ (Ảnh: Thái Phan).

"Một người dân sinh sống ở gần đền kể lại với tôi, lúc gió mạnh nhất, cây gạo bị xoắn vặn rồi từ từ đổ xuống khu vực trước cửa sân. Vì thế, ngôi đền không bị hề hấn gì. Mọi người đồn đoán, có lẽ các bậc thánh đã hiển linh.

Khi dọn dẹp, chỉ một cành lớn đã được hơn 1 tấn củi đun tặng người dân trong vùng. Còn phần thân cây, có thợ mộc ở Nam Định nghe tin đến xin rước về để chế tác đồ thờ tự", ông Tung kể lại.

Tròn 1 tháng sau khi bão số 3 đi qua, khi chúng tôi ghé thăm, 4 cây gạo cổ thụ còn lại trong khuôn viên đền Vạn Chài ở khu vực Bến Thốc, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, vốn bị gió bão tuốt sạch lá, nay đã nảy lộc, đâm chồi mơn mởn. Trong tiếng gió rì rào xuyên qua tán cây, kẽ lá, đâu đây văng vẳng lời tiền nhân kể cho du khách thập phương nghe chuyện tích xưa.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.