Cách đây chừng 6 năm, có dịp về thăm làng Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), ấn tượng nhất với chúng tôi là những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính.
Làng có các ngõ nhỏ phân bố đều đặn theo hình xương cá, những trục đường có hình bàn cờ cổ xưa nối tiếp nhau. Cả ngôi làng mang một nét rêu phong với gam màu trầm như níu chân người xứ khác.
Thế nhưng, Thổ Hà ngày nay đang dần lọt thỏm trong những ngôi nhà cao tầng, với lối kiến trúc phương Tây. Dân làng Thổ Hà cũng chẳng ai thống kê xem trong vài năm ấy, đã có bao nhiêu ngôi nhà cổ bị phá.
Phá nhà cổ, xây nhà tầng con cái mới dám lập gia đình
Đó là một thực tế vừa xót xa vừa có phần bi hài của người làng Thổ Hà. Sở hữu ngôi nhà cổ 2 gian có niên đại trên 100 năm nhưng gia đình ông Trịnh Đắc Ước (thôn Thổ Hà) đã phải tặc lưỡi chấp nhận phá bỏ năm 2010. Thay vào đó, ông cho xây căn nhà mới hai tầng, khang trang để có chỗ ở cho cậu con trai chuẩn bị lấy vợ.
Ngoài ra, đáng tiếc hơn cả là có nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đơìå hơn 300 năm tại Thổ Hà cũng đã, đang và sẽ còn bị phá trong thời gian tới. Ông Trịnh Đắc Mùi (59 tuổi, xóm 2, làng Thổ Hà) vừa nhẩm tính vừa xót xa kể về trường hợp ngôi nhà chừng 330 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Đình Quảng (xóm 3, làng Thổ Hà) bị phá năm 2010.
Đây là ngôi nhà cổ thuộc hàng đại khoa (nhà lớn), là điểm tham quan của du khách bốn phương và quốc tế. Ở đây là nơi hội tụ những gì là đặc trưng nhất của gia đình vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa kia. Thế nhưng, ngôi nhà cổ của ông Quảng đã phải chia cho mỗi người con hai, ba gian để các con có chốn riêng tư cho gia đình của mình. Các con ông khi ở riêng vì điều kiện chật chội nên nhất loạt phá nhà cổ đi và xây nhà kiểu phương Tây.
Bảy gian nhà cổ của gia đình ông Trịnh Đắc Thực cũng đã bị chia cắt và bốn gian trong đó bị phá bỏ và xây mới. Có nhiều ông bố, bà mẹ phải đau đầu vì con trai tuyên bố rằng: "Phải phá nhà cổ, xây nhà mới, có phòng riêng con mới dám lấy vợ".
Trong làng, có những gia đình sinh bốn con trai, kinh tế eo hẹp phải phân chia nhà, đa số những diện tích bị chia đều bị phá bỏ. Theo đó, những yếu tố cổ nếu không mất vĩnh viễn thì lại phải trộn lẫn với những ngôi nhà theo kiểu phương Tây, tạo thành bức tranh pha tạp.
Ông Trịnh Đắc Mùi cùng một góc ngôi nhà cổ hơn 300 năm.
Là hậu sinh đời thứ 11 của dòng họ Trịnh Đắc, gia đình ông Trịnh Đắc Mùi hiện đang sở hữu ngôi nhà cổ có tuổi thọ hơn 300 năm. Ngôi nhà của ông thuộc vào hàng trung khoa, lòng ngôi nhà rộng 7,5m, gồm có chín gian.
Trong năm gian nhà chính thì có hai gian dùng để ngủ còn lại ba gian dùng để thờ tổ tiên. Đây là một trong số ít những gia đình còn giữ ngôi nhà cổ với nhiều nét nguyên bản nhất. Cũng đã có người tới hỏi mua nhà nhưng đa phần là sửa sang phục vụ du lịch nhưng chủ nhân ngôi nhà cổ nhất quyết từ chối.
Ông Mùi nói trong sự tiếc nuối: "Tôi muốn giữ trọn vẹn tất cả những yếu tố cổ xưa của ngôi nhà. Trong làng người ta phá nhà cổ nhiều quá, trông mà xót xa nhưng chẳng còn cách nào khác. Những gia đình đông con đã là một nhẽ, đằng này, có gia đình dư giả nhưng vẫn nhất quyết "hạ sát" nhà cổ để xây nhà cao tầng".
Nhà cổ ở làng Thổ Hà được chia thành nhà đại khoa, trung khoa và tiểu khoa. Nhà đại khoa hiện chỉ còn khoảng 8 căn, lòng nhà rộng 8,5m, chiều dài chừng 7 - 9 gian, mỗi gian chừng 2,6 - 2,8m. Nhà trung khoa rộng 7,5m, gồm có ba, năm hoặc bảy gian. Nhà cổ thường được chia thành nhà chính và nhà ngánh.
Các cụ xưa có quy định nhà chính chỉ dùng để thờ ông bà tổ tiên và chỗ nghỉ ngơi của đàn ông trong gia đình. Con gái và các cô con dâu phải ăn, nghỉ dưới nhà ngánh không được lên nhà chính khi chưa được phép. Khách đến chơi nhà cũng chỉ được ngồi nhà ngánh. Tuy nhiên, nếp sống ấy dần dần được thay đổi theo thời gian, sự phân biệt ấy đến nay đã mất đi hoàn toàn.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Cáp Trọng Việt, trưởng thôn Thổ Hà cho biết, đình làng Thổ Hà có niên đại 365 năm thì những ngôi nhà cổ của Thổ Hà được làm ngay sau khi xây dựng đình.
Trước đây, Thổ Hà là một làng nghề phi nông nghiệp nổi tiếng với nghề làm gốm. Trong làng có hơn 1.000 hộ gia đình, tất cả những ngôi nhà cổ trước kia đều là nhà của tầng lớp Chánh, Phó, Lý trong làng.
Các cụ cao niên trong làng vẫn kể lại rằng, ngay khi đình làng mới xây dựng xong, đám thợ thuyền được đón vào làng xây dựng nhà cổ. Phải mất 2 năm hoặc lâu hơn mới có thể hoàn thành xong một ngôi nhà cổ. Mỗi ngôi nhà là tổng hòa của sự cầu kỳ, tinh xảo về kiến trúc, sự độc đáo trong mỗi bức tường và các gian nhà với thiết kế riêng biệt, phù hợp cho từng chức năng cụ thể.
Những giá trị văn hóa cổ vĩnh viễn mất
Vừa được giới thiệu về ngôi nhà và bức tường to, đẹp, cổ thuộc hàng độc đáo nhất làng của gia đình cụ Nguyễn Bá Lam (94 tuổi, xóm 1, làng Thổ Hà), chúng tôi háo hức đến để mục sở thị.
Thế nhưng, vừa tìm đến nơi, gần nửa ngôi nhà cổ vừa mới được phá dỡ hoàn toàn để xây nhà tầng. Ngôi nhà cổ hơn 300 năm của gia đình cụ Lam thuộc hàng trung khoa, tức nhà cổ loại vừa. Nhà có 7 gian thì 3 gian bên đã phá hoàn toàn.
Theo quan sát của PV Người Đưa Tin, những vết tích của tường cũ, những móng nhà cũ khi đào lên vẫn còn nguyên vết tích của những tiểu sành, mảnh gốm xưa. Đáng tiếc hơn khi tất cả bộ khung nhà, những hình chạm khắc cổ trên gỗ đều bị vứt bỏ.
Anh Nguyễn Bá Trọng (con trai cụ Lam) cho biết, theo như chữ Hán khắc trên câu đối trong nhà và theo gia phả của dòng họ Nguyễn Bá thì ngôi nhà có từ cuối thời hậu Lê. "Mấy năm gần đây, khá nhiều ngôi nhà cổ bị phá đi để xây nhà cao tầng. Những ngôi nhà cổ thuộc hàng trung khoa hay tiểu khoa trông có vẻ xấu và nhỏ nên hay bị phá", anh Trọng nói.
Vừa giới thiệu về từng bức tường, mái ngói, bộ khung nhà cổ, anh Trọng chậm rãi bảo: "Do điều kiện, hoàn cảnh đất đai chật chội, đa số các gia đình có hai, ba anh em ruột cùng phải sống chung trong một ngôi nhà cổ.
Từ thời kỳ cách đây chừng 300 năm, Thổ Hà là khu vực tập trung của phần lớn tầng lớp tư sản. Cũng trong các thời kỳ trước, làng Thổ Hà có từ 100 - 112 hộ gia đình trên tổng chiều dài của làng là 1km, chiều rộng hơn 1km.
Hiện nay, vẫn trên tổng diện tích ấy nhưng tổng số hộ gia đình đã lên tới gần 1.000 hộ. Những gia đình không có điều kiện thì buộc phải chia, bán, tháo dỡ, phá nhà cổ để xây nhà tầng. Đây là nguyên nhân chính khiến các ngôi nhà cổ lần lượt bị phá bỏ, số ít ỏi còn lại đang đứng trước nguy cơ mất vĩnh viễn".
Làng Thổ Hà có trên 4.000 nhân khẩu, 900 hộ, chia làm 3 xóm. Đất đai thì chật hẹp, cả làng không có lấy nửa hécta đất nông nghiệp, nhiều gia đình khi con cái đã đến tuổi xây dựng gia đình thì việc xây nhà cao tầng, rộng rãi là cần thiết.
Kiến trúc ngôi nhà cổ hơn 300 năm của gia đình ông Trịnh Đắc Mùi vô cùng độc đáo, vừa tinh xảo lại vừa mang cái cốt cách, cái hồn quê cổ kính. Trong nhà chính gồm có 6 cột lớn, mỗi cột rộng hết cả sải tay người ôm. Hai cột nhỏ cạnh phía cửa có chạm khắc hình rồng khá bắt mắt, rất ít gặp ở những lối kiến trúc tương tự.
Ông Trịnh Đắc Mùi chỉ tay xuống nền gạch xưa cũ rồi nói như phân trần: "Thế hệ chúng tôi giờ đều đã có tuổi, giữ lại được cái gì cổ thì nên giữ. Có nhiều viên gạch còn hằn rõ gót chân, bàn hình hai ngón tay vỗ vào vô cùng đặc biệt. Cái thước nhà trải qua mấy trăm năm vẫn còn như cũ. Nếu nhà cổ bị xóa sổ, đồng nghĩa với những yếu tố văn hóa làng quê sẽ mất đi vĩnh viễn. Đây là một thực tế đau lòng và xót xa mà rất ít người làng Thổ Hà nghĩ đến".
Nhắc đến những ngôi nhà còn sót lại, ông Mùi thoáng buồn, ông bảo: "Bắc Giang còn nghèo, điều kiện khó khăn, nhà cổ ở đây chưa được công nhận di tích như nhà cô ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nên việc có quy hoạch và giúp đỡ để bảo tồn, tu sửa hoàn toàn không có. Việc người dân sửa chữa, phá bỏ hoàn toàn các công trình kiến trúc cổ mà không hề vướng phải rào cản pháp lý nào.
Hiện nay, khó khăn nhất cho người dân là chỗ ở và chi phí tu sửa nhà cổ. Nếu điều kiện cho phép giữ được cả khu nhà cổ thì không chỉ riêng tôi mà hầu hết các gia đình ai nấy đều phấn khởi. Hễ có việc ma chay, cưới xin, được dùng nhà cổ thì vô cùng thích, như được sống với hồn quê theo đúng nghĩa".
Theo thống kê của ông Mùi, hiện tổng số nhà cổ các loại chỉ còn chừng 40 nhà. Theo đó, con số này sẽ còn giảm nhanh trong vài năm tới nếu Thổ Hà không được quan tâm. Trong khi có rất nhiều lời hô hào về việc gìn giữ giá trị văn hóa cũ thì tại vùng quê này, những yếu tố văn hóa quý báu lại bị bỏ ngỏ, không được quan tâm đúng mức. Đây phải chăng là một nghịch lý?
Yến Dương