"Sổ đen" của làng
Con đường vào xóm Rộc heo hút nhưng những chiếc xe đạp, xe máy, đồ dùng lao động của người dân vẫn để ngổn ngang trên bờ ruộng, thậm chí đặt ngay lề đường.
Khi tôi đang loay hoay tìm nhà dân để gửi xe, bỗng một bác nông dân ở dưới ruộng nói vọng tới: "Định vào trong làng hả? Cứ để xe ở lề đường ấy. Không ai lấy đâu mà sợ mất! Dân làng toàn để xe ở ngoài đường, tối cũng không mang vào nhà. Có người để xe ở lùm cây, rồi đi làm nương làm rẫy đến vài ngày mới về lấy xe, có thấy mất đâu. Nhà không cần đóng cửa, cài then cũng chẳng ma nào vào lấy đồ”. Sở dĩ dân làng ở đây không sợ mất trộm chính là nhờ tục lệ có từ thời Pháp thuộc: Tục "đeo biển cho kẻ trộm".
Ông Đinh Văn Thám - là người biết rõ nhất về tục "đeo biển cho người ăn trộm"
Ông Đinh Văn Thám, 77 tuổi là người biết rõ lịch sử phong tục, tập quán của làng nói chung, cũng như tục "đeo biển cho kẻ trộm" nói riêng.
Theo ông Thám, tập tục này đã có từ thời Pháp thuộc. Hầu hết, các cụ cao niên trong làng không thể nhớ rõ thời gian cụ thể ra đời cái tập tục này, vì trong các tài liệu chính sử cũng không ghi lại, trong hương ước của làng cũng không ghi chép thông tin gì liên quan đến tục tên trộm đeo biển trước ngực này. Tuy nhiên, các cụ trong làng đều khẳng định có chuyện "đeo biển cho kẻ trộm".
Ông Thám cho hay, giống như ở khắp các vùng miền trong cả nước, nhà nước thực dân nửa phong kiến dựng lên những tay sai ở khắp các địa phương để quản lý người dân, đó là giai cấp địa chủ. Xứ Mường cũng không ngoại lệ, nhưng chỉ khác là tại xứ Mường thì đó là các nhà Lang. Nhà Lang được coi như là "vua" của một vùng. Thời đó, ông Quách Văn Cáy là nhà Lang, người cai trị ở vùng đất này.
Một góc xóm Rộc
Trong thời kỳ đó, ăn trộm được liệt vào tội cực kỳ nghiêm trọng. Cứ sau mỗi mùa vụ, người dân sẽ phải cống nạp thóc lúa cho nhà Lang; chăn nuôi được con gà, con lợn tốt, ngon cũng phải cống nạp cho nhà Lang. Sau đó, người của nhà Lang chia bao nhiêu thì người dân được dùng từng đó. Người dân bắn được con hươu, con hoẵng đều phải cống nạp nhà Lang một bên vai, phần còn lại chia cả làng.
Do đó, ai ăn trộm trong làng đều được coi là đã trộm tài sản của nhà Lang và phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Người dân tuyệt đối kiêng kỵ và ác cảm với hành vi ăn trộm, chỉ cần phát hiện kẻ nào có hành vi ăn trộm, dân làng sẽ trình báo lên nhà Lang. Sau khi nhận được thông báo, nhà Lang sẽ cho tay sai đi bắt trộm.
Đội ngũ tay sai cho nhà Lang chính là những người dân, được nhà Lang nuôi ăn, nuôi mặc. Nhà Lang chỉ cần "hô" một tiếng thì chúng sẽ thẳng tay đàn áp trộm. Đối với những tên trộm, khi bị dân chúng bắt, nhốt hoặc xích lại rồi đánh no đòn, khi đội ngũ tay sai đến, tên trộm còn bị đánh thêm một trận "thập tử nhất sinh" nữa. Tên trộm nào may mắn chạy thoát được mà bị bắt lại thì nhận đòn nặng hơn, thậm chí bị đánh đến tàn phế.
"Sau khi bị đánh tơi tả, tên trộm sẽ bị đội ngũ tay sai áp giải một vòng quanh làng để thông báo cho dân chúng biết. Chúng bắt tên trộm đeo một tấm biển ở trước ngực, trong biển ghi rõ tên tuổi, năm sinh, họ tên thân sinh, quê quán, hành vi ăn trộm như thế nào? Tang vật phạm tội được thu giữ là gì. Sau đó, chúng còn bắt kẻ trộm cầm loa đọc to những dòng ghi trong bảng để cho dân làng nghe rõ. Đây là một trong những chính sách cai trị của dòng dõi lang Mường thời Pháp thuộc ngày xưa", ông Thám cho hay.
"Mõ ăn trộm"
Ông Thám cho rằng, vài năm trước thì tập tục đó vẫn còn, chủ yếu mang tính răn đe, giáo dục chứ không phải là hình phạt quá nặng nề. Người dân gọi tập tục đó bằng một cái tên nghe nhẹ nhàng hơn, tếu táo hơn là "mõ ăn trộm".
Tên trộm sẽ bị dân làng buộc lại để xử lý. Dân làng sẽ dẫn tên trộm đã được đeo biển giễu qua các xóm của thôn và vừa đi vừa dùng loa để thông báo cho mọi người biết. Họ gọi đó là "sổ đen của làng" và coi đó là điều xấu hổ nhất.
Ông Bùi Văn Cừ, trưởng xóm Rộc
Hiện nay, cuộc sống hiện đại, nhận thức được nâng cao, những thế hệ sau đã sửa dần những mặt "không hay" của tập tục đó. Do bản tính duy tình của người Việt Nam, tính cộng đồng và thương người của người Mường nên họ không gọi là "đeo biển cho kẻ trộm" nữa mà gọi bằng một cái tên nhẹ nhàng hơn là "mõ ăn trộm".
Họ quan niệm rằng, bản thân việc ăn trộm đã là một điều đáng xấu hổ, khi bị phát hiện thì không cần báo cơ quan công an xử lý mà đưa đi giễu cho cả làng biết đã là hình phạt xứng đáng với hành vi của tên trộm vặt rồi.
Ông Thám kể về trường hợp Quách Văn M. - tên trộm vặt trong làng. Nhà nghèo, nhưng M. không chịu khó học hành mà lại lêu lổng, ham chơi. M. "nghiện" chơi bi - a. Khi hết tiền, M. đi trộm xe máy, xe đạp của người trong thôn.
Trong một lần trộm xe đem bán, M. bị dân làng phát hiện, bắt. Mọi người không đánh M. mà gọi các cụ cao tuổi, các bậc già làng đến khuyên răn, chỉ rõ cho M. biết rằng, việc ăn trộm không những ảnh hưởng bản thân mà còn khiến bố mẹ không thể ngẩng mặt lên nhìn hàng xóm. Sau đó, làng gọi một người nức tiếng về cướp giật, vào tù ra tội, nay đã hoàn lương đến để nói chuyện với M.
Những câu chuyện được trả bằng máu và nước mắt của người đã từng lầm lỗi, giúp M. nhận thấy, nếu mình không thức tỉnh thì chắc chắn con đường tội lỗi mà M. đang đi sẽ phải giẫm lên máu và tù tội. M. cúi xin dân làng tha thứ và hứa, sẽ không bao giờ ăn trộm nữa.
Nhận thấy hành vi của M. chưa thật sự nghiêm trọng nên các cụ đã xử lý theo lệ làng, không chuyển đến cơ quan pháp luật. M. đem trả chiếc xe máy cho người đã mất, sau đó M. đã bỏ chơi bi - a và lao vào học hành. Giờ M. đã trở thành sinh viên theo học dưới Hà Nội. M nói: "Sau này em sẽ trở về xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn !".
Lệ làng vẫn tuân thủ pháp luật Ông Bùi Văn Cừ - Trưởng xóm Rộc cho rằng: "Từ trước đến nay, lệ làng luôn tuân thủ theo pháp luật. Đối với những việc trộm cắp vặt, không gây ảnh hưởng lớn thì dân làng sẽ tự xử lý. Nếu có tình trạng trộm cắp gây ảnh nghiêm trọng, chúng tôi sẽ báo cáo đến các cấp chính quyền để xử lý theo đúng pháp luật". Ông Cừ cho biết thêm: "Tục "đeo biển cho kẻ trộm" có từ thời Pháp thuộc. Nhưng hiện nay, nó đã bị biến hóa nhiều. Không còn những đòn roi đến tóe máu, không nhất thiết phải đeo biển để thông báo cho cả làng nữa, mà nay nó đã trở thành những bài giáo huấn thấm đẫm nước mắt. Nhưng trong tâm thức của những người con xóm Rộc thì luôn khắc cốt ghi tâm một điều cấm kị: Không bao giờ được ăn trộm". |
Hoàng Thế Tào