Nơi tỷ lệ người chết ngang người sống
Nhìn từ bên ngoài, bản Dấu Cỏ không có gì khác so với những bản nghèo xác xơ đóng trên địa bàn của xã Thanh Cửu. Người dân Dấu Cỏ không hề lười nhác mà ngược lại họ luôn gắng sức hết mình cho cuộc sống ngày mai, nhưng ngặt một nỗi, cái nghèo, cái khốn khổ ấy cứ bám riết lấy họ từ khi gà gáy cho đến lúc nhọ mặt người. Đem câu hỏi này đến ông Lê Văn Chiêu, trưởng thôn Dấu Cỏ, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu đầy ngao ngán. Bởi không chỉ bây giờ vùng đất này mới thế, mà đã từ rất lâu rồi, người dân ở nơi đây vẫn chưa tìm ra cách đi riêng cho bản, cho gia đình và chính bản thân mình. Theo thông tin mà chúng tôi có được thì bản Dấu Cỏ hiện nay được đổi thành bản Hạ Thành. Nhưng có lẽ vì cái tên cũ đã ăn sâu vào tiềm thức, nên những hộ dân ở đây thường chỉ gọi Dấu Cỏ còn tên Hạ Thành chỉ dùng mỗi khi họ ghi vào sổ sách để tiện cho công tác quản lý mà thôi.
Biển cảnh báo về phóng xạ được đặt khắp nơi trong bản.
Với 19 hộ người Dao sinh sống, bản Dấu Cỏ được coi là bản thuần nhất. Nhưng có một điều đáng nói ở đây chính là trong suốt 7 năm qua cả bản mới tăng được 2 hộ. Từ đó có thể thấy được rằng, trong một thời gian rất lâu, Dấu Cỏ đã rơi vào tình trạng tỷ lệ người chết ngang với... tỷ lệ người sống.
Rít điếu thuốc lào, chậm rãi nhả ra làn khói trắng đục, mắt ông Chiêu lim dim, ông nói với chúng tôi: “Từ bao năm nay, những bậc làm cha, làm mẹ ở bản này thường phải dậy sớm trước khi bình minh. Không phải họ lo thức ăn, nước uống để đám trẻ đến trường mà họ có nỗi lo khác. Đó là khi vừa nghe thấy tiếng gà gáy canh 3, chẳng ai bảo ai, họ vung chăn, vung màn, chẳng cần chỉnh trang lại mình mà tiến đến vần từng đứa con để nắn đầu, xoa trán xem đêm qua con mình có bị bệnh to đầu hay không? Chỉ đến khi không phát hiện được sự bất thường trên đầu những đứa nhỏ đó, họ mới tạm yên tâm, thu xếp công việc cho ngày mới”.
Vất vả, khổ ải là vậy nhưng so với những đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu mà chưa thể sinh con thì đó vẫn là một điều hạnh phúc. Ông Chiêu cũng bảo, việc sẩy thai, thai chết lưu, hay trẻ sinh ra không có não, đột nhiên phát bệnh to đầu rồi chết vốn là câu chuyện xót lòng kéo dài lâu nay ở Dấu Cỏ. Cũng chính vì thế, chỉ cần vào bất kỳ một gia đình nào trong thôn Dấu Cỏ, nhắc đến những cái chết của đám trẻ nơi đây, chúng tôi đều nhận được sự kinh khiếp, ghê rợn.
Ngay chính bản thân gia đình ông Chiêu, 4 lần vợ mang thai, vợ chồng ông phải hai lần mang hài nhi đi chôn cất. Một đứa mới được 5 tháng, đứa thứ hai khá hơn đôi chút nhưng cũng chỉ được 8 tháng nó lại bỏ vợ chồng ông đi. Những lúc như thế, hai vợ chồng ông cũng chỉ biết ôm nhau khóc, mà không thể giải thích được tại sao chúng lại bị tử thần gọi tên ngay cả khi chúng đang còn quá nhỏ. Cũng vì tai ương quái ác đó mà nó đã khiến gia cảnh ông trưởng thôn có thời gian dài sống trong nơm nớp sợ hãi.
Phải đến vài năm sau, vợ chồng ông Chiêu mới dám sinh tiếp. May mắn thay, hai đứa con sau đều lành lặn. Nhưng trong câu nói của người cha này thì vẫn còn đó nhiều sự chông chênh, lo lắng. “Đến khi nào chúng qua 13 tuổi thì mới dám chắc chắn “tử thần” không bắt chúng đi. Chứ ở đây có nhiều đứa lúc bé thì bình thường, thế nhưng chỉ sau đêm, khi tỉnh dậy đầu chúng bỗng to lên bất thường, hai mắt tròn lố nhìn mà thấy kinh. Những trường hợp đó chỉ sau một thời gian ngắn lìa trần vì không chịu nổi đau đớn” - ông Chiêu cho biết thêm.
Phụ nữ Dấu Cỏ luôn lo đến phát khóc về số phận của những đứa con mình.
Vùng đất... phóng xạ
Từ sự bất thường này mà bấy lâu nay mà những gia đình ở Dấu Cỏ phải chịu đựng nỗi khốn khổ. Chúng tôi đã đi tìm hiểu và biết được, bản Dấu Cỏ đang chứa trong mình các mỏ Urani thiên tạo - nguyên tố dùng để làm nhiên liệu trong các lò phản ứng hạt nhân. Nói Dấu Cỏ là “vùng đất trời cho” cũng không ngoa, vì trên thế giới rất ít nơi có những mỏ đất Urani tự nhiên như ở Dấu Cỏ. Qua số liệu khoa học, chúng tôi được biết, hiện tại Dấu Cỏ có 3 thân quặng dài tới vài km, xuất hiện theo kiểu lộ thiên. Đây là một vùng đất cực hiếm, cực quý, cần phải bảo vệ và khai thác hợp lý. Cũng qua các tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, với tính chất đặc biệt của Urani thì việc đầu tiên là phải tránh sự tiếp xúc trực tiếp của con người cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm trên những khu vực này. Ấy thế nhưng, ở Dấu Cỏ mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, nó ngược hoàn toàn so với cảnh báo.
Cũng theo ông Lê Văn Chiêu, từ những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện ra Dấu Cỏ là vùng đất hiếm mang tên phóng xạ. Các chuyên gia đã đến tìm hiểu, đào bới, lấy mẫu về nghiên cứu. Chỉ biết rằng mỗi khi có đoàn công tác lên họ ăn mặc, bảo hộ rất kín kẽ, không để hở bất kỳ một bộ phận nào của con người khi tiếp xúc với đất đá, cỏ cây nơi đây. Nhưng với dân Dấu Cỏ thì đó là chuyện lạ. Có lẽ chính vì nguyên nhân đó mà chuyện chết yểu hay sinh non ở vùng đất này thường xuyên xảy ra.
Cũng vì nguyên do đó mà từ năm 2006 có nhiều biển báo xuất hiện nhằm cảnh báo người dân. Thậm chí, ngay trong nơi rừng xanh núi đỏ này, những biển báo song ngữ Việt - Anh được đặt lên nhưng xem ra cũng chẳng mấy hiệu quả. Bởi ai cũng biết nơi đây có chứa Urani nhưng việc làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất chuyển những hộ dân sống ở Dấu Cỏ sang một nơi ở mới vẫn là việc cần làm thì lại không thấy ai đả động đến.
Được biết, trong Quyết định số 428/QĐ – UBND ngày 03/03/2009 của UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã lập một khu tái định cư cho người dân Dấu Cỏ. Khu vực được triển khai ở Chĩnh Con, cách nơi ở cũ khoảng 5km với trên 25 tỷ đồng được đầu tư. Tuy nhiên theo ông Chiêu, “người dân ở Dấu Cỏ vẫn phải bám trụ lại mảnh đất này là vì những lý do như thiếu nước sinh hoạt, cũng như đất sản xuất. Thêm nữa vì thiếu tiền di chuyển và tháo dỡ nhà cửa nên không biết làm cách nào. Hiện tại Dấu Cỏ có 19 nóc nhà, nhưng chiếm già nửa trong số đó là nhà tạm, nếu đi chuyển ra chỗ ở mới, phần lớn những ngôi nhà đó phải dựng mới nhưng vì không có tiền nên chúng tôi đành chấp nhận vậy thôi”.
Đứa bé đầu to nhưng không có não Gia đình chị Lê Thị Hồng cũng là một ví dụ điển hình. Mang thai gần 10 tháng, không thấy bụng đau hay sự cựa quậy của thai nhi, chị Hồng đâm lo cùng với chồng đi khám. Tuy nhiên khi lên bệnh viện Việt Trì các bác sỹ chẩn đoán con chị không có não nên nó không thể ra đời như đứa trẻ bình thường được. Nghe vậy, tai chị như ù đi bởi bao hy vọng về một đứa trẻ bụ bẫm, kháu khỉnh tan biến. Cực chẳng đã, vợ chồng chị đành gắng gượng hết mình cùng sự trợ giúp của y học, đứa con ấy cũng ra đời. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắc ngoải, sống kiểu thực vật, đầu cháu bé càng ngày càng to nhưng không có não. Kết cục đau buồn, nó cũng đành phải rời xa vợ chồng chị khi còn quá nhỏ. |
Nhóm phóng viên