Nằm bên bờ sông Dương Tử, ngôi làng Hà Gia Bá, ở thành phố Lô Châu, Tứ Xuyên, Trung Quốc còn được nhiều người biết đến với tên gọi Kỳ Thạch Trấn bởi nơi đây sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng đặc biệt: Đá cuội.
Nhờ vị trí địa lý đặc thù, khu vực sông Dương Tử ở đây có rất nhiều loại đá với đủ mọi hình dáng, màu sắc kỳ lạ và được nhiều người chơi đá săn lùng.
Chính vì thế thay vì đánh cá hay trồng trọt, chăn nuôi hàng trăm gia đình trong làng lại theo nghề nhặt đá. Nhiều người còn dí dỏm gọi làng Hà Gia Bá là “làng lười” vì không ít dân làng chỉ nhờ nhặt được một vài viên đá đã có thể sắm xe, sửa nhà.
Hàng năm cứ đến mùa đông, khi nước sông Dương Tử bắt đầu rút, lộ ra bãi cạn cũng là khoảng thời gian dân làng bắt đầu vào vụ "thu hoạch". Họ đeo một chiếc gùi trên lưng, đi dọc bờ sông và thu thập đá. Sau đó những hòn đá sẽ được cẩn thận xem xét hình dạng, nghiên cứu kỹ càng kết cấu, màu sắc. Từ những hòn đá tảng đến những viên đá nhỏ như đá cuội, người dân nơi đây đều không bỏ cuộc và gửi gắm hy vọng đổi đời.
Đá được phân loại có giá trị hay không nhờ vào hoa văn và kết cấu. Hòn đá nào có kết cấu và hoa văn càng kỳ lạ, chưa từng xuất hiện lại càng có giá trị. Những ai lượm đá lâu năm sẽ dễ dàng nhận ra viên đá nào bán được nhiều tiền. Theo như dân ở đây, từng có người bán được viên đá với giá 140.000 NDT (gần 500 triệu đồng) và đây cũng là một kỷ lục tới nay chưa viên đá nào phá được.
Theo tìm hiểu, nghề nhặt đá có thể mang lại thu nhập từ 180 - 250 triệu đồng mỗi năm. “Những người già như tôi tuy không có lương hưu nhưng nhờ vào việc nhặt đá rồi bán cũng đủ để có cuộc sống thoải mái", một người dân trong làng cho hay.
Câu chuyện về nghề nhặt đá lạ kỳ khiến dân mạng phải trầm trồ: "Tôi cũng muốn chuyển về đây sống! Chỉ cần ra bờ sông nhặt đá cũng có thể bán kiếm tiền".
Tuy nhiên bên cạnh đó không ít ý kiến cho rằng thực chất những viên đá ở đây không có gì quý hiếm, cũng không có bất cứ lợi ích nào, giá trị của chúng chỉ là do mọi người truyền tai nhau rồi đẩy giá lên cao.
Minh Hoa (t/h)