Gọi tên nhau bằng tiếng huýt sáo
Kongthong là ngôi làng kỳ lạ gọi tên nhau bằng tiếng huýt sáo, nằm nép mình bên cánh rừng rậm rạp ở East Hills, bang Meghalaya, phía đông bắc Ấn Độ, với dân số khoảng 700 người thuộc bộ tộc Khasi. Họ sống chủ yếu dựa vào tài nguyên núi rừng bằng nghề nông và săn bắn.
Khasi là một bộ tộc khá đông ở Ấn Độ với khoảng 1,41 triệu người, phân bố khắp các vùng miền thuộc tiểu bang Meghalaya. Người Khasi theo truyền thống mẫu hệ. Phụ nữ làm chủ gia đình, con gái út có quyền thừa kế và trách nhiệm phụng dưỡng mẹ cha già.
Dân làng có nguồn thu chính từ việc lấy cỏ chổi trong rừng, vì vậy ngày bình thường, nơi đây không có mấy bóng người trừ lũ trẻ.
"Chúng tôi sống ở một ngôi làng hẻo lánh, bao quanh bởi rừng rậm và những ngọn đồi. Vì vậy, chúng tôi được đùm bọc giữa thiên nhiên và gần gũi với tất cả những sinh vật tươi đẹp mà Chúa đã tạo ra.
Thế nhưng, điều khiến ngôi làng này trở nên đặc biệt là việc người dân liên lạc với nhau bằng cách huýt sáo thay vì gọi tên. Tại Kongthong, khi đứa trẻ chào đời, người mẹ sẽ sáng tạo ra một giai điệu huýt sáo dành riêng cho con có tên là jingrwai lawbei. Đây sẽ là tên gọi và dấu hiệu nhận biết của đứa trẻ trong suốt cuộc đời.
Theo đó, các bà mẹ thường mượn âm thanh của tự nhiên như mưa, gió, tiếng thác nước, tiếng chim hót… rồi biến tấu và sáng tạo thành làn điệu riêng cho con cái. Tên gọi thường dài từ 30-60 giây và không được trùng với bất cứ tên nào của người trong làng, kể cả người đã khuất.
Mọi người trong làng, nơi sinh sống của người Khasi, sau đó sẽ xưng hô với người đó bằng giai điệu huýt sáo quyến rũ này suốt đời. Họ cũng có tên "thật" thông thường, nhưng chúng hiếm khi được sử dụng. Phong tục này đã khiến Kongthong có biệt danh là "ngôi làng huýt sáo".
Dù những cái tên không có lời nhưng các cư dân ở đây không bao giờ gọi nhầm tên nhau. Một người phụ nữ 50 tuổi trong làng tự tin rằng có thể nhớ được khoảng 500 giai điệu, tượng trưng cho 500 người.
Đi bộ dọc theo con đường chính trong ngôi làng, trải dài là những túp lều bằng gỗ lợp tôn lợp tôn. Có thể nói bạn đang đi qua một bản giao hưởng của những tiếng huýt sáo trên sườn núi.
Một bên là bà mẹ gọi con trai về nhà ăn tối, ở bên khác là trẻ em chơi đùa và ở đầu bên kia thì nhóm trẻ khác quậy phá, tất cả đều vang lên bằng một thứ ngôn ngữ âm nhạc khác thường của riêng chúng.
Nguồn gốc tiếng huýt sáo gọi nhau vẫn là bí ẩn
Tiếng huýt sáo không chỉ dùng để gọi nhau, người dân trong làng còn dùng nó như một phương thức giao tiếp trong các lễ tỏ tình. Mỗi mùa hè, vào một đêm trăng tròn, người dân sẽ đốt lửa và tham gia vào một nghi lễ mà ở đó, thanh niên chưa vợ sẽ hát những giai điệu của mình. Người hát hay nhất sẽ được cô gái còn độc thân xinh đẹp nhất làng chọn làm chú rể.
Bản thân người làng Kongthong không biết truyền thống gọi tên bằng cách huýt sáo này có từ bao giờ, chỉ biết rằng người trong làng đã liên lạc như vậy từ hàng trăm năm nay.
Nguồn gốc của truyền thống này vẫn là một bí ẩn. Theo truyền thuyết của làng, trong rừng Meghalaya có những ác quỷ chuyên nghe trộm tên người. Nếu ai bị ác quỷ biết tên thật, họ sẽ bị "quỷ vật" đến ốm liệt giường. Vì thế, người Khasi ở đây bèn nghĩ ra cách đặt tên không cần từ, ngân nga nó thành điệu nhạc. Và để chắc chắn ác quỷ không học lỏm được giai điệu này, họ gọi nhau bằng cách huýt sáo.
Tuy nhiên, khi thế giới bắt buộc công dân phải có thẻ căn cước, thì người làng Kongthong cũng có tên bình thường. Họ dùng nó trong các giấy tờ nhân thân, ký xác nhận giao dịch… Các bà mẹ ở Kongthong có xu hướng chọn tên tiếng Anh đặt cho con. Song, dù ở đâu thì họ vẫn chỉ thích gọi tên giai điệu. Ngay cả khi bắt gặp nhau ở một thành phố xa lạ, người làng Kongthong vẫn hân hoan huýt sáo để chào hỏi nhau.
KHÁNH LINH (t/h)