Ngồi mạng ảo, học kiến thức thật

Ngồi mạng ảo, học kiến thức thật

Thứ 6, 01/02/2013 08:06

Qua mạng xã hội, người học có thể kết nối với các cá nhân, tổ chức cùng đam mê và tham gia góp ý kiến trong những cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn.

Sự tiếp nhận kiến thức theo lối "bách khoa toàn thư mở" đã giúp cho việc học trở nên hấp dẫn, nhưng cũng không tránh khỏi sự nhiễu loạn về tri thức "bẩn"...

Lập nhóm học qua mạng ảo

Hiện nay, trên thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau, như MySpace và Facebook nổi tiếng trong thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu; Orkut và Hi5 tại Nam Mỹ; Friendster tại châu Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Mạng xã hội đã gặt hái được thành công đáng kể theo vùng miền như Bebo tại Anh Quốc, CyWorld tại Hàn Quốc, Mixi tại Nhật Bản. Việt Nam xuất hiện rất nhiều các mạng xã hội như Zing Me, YuMe, Tamtay, Facebook...

Mạng xã hội đã đáp ứng được nhiều yêu cầu của người sử dụng với những tính năng hết sức thông dụng. Đơn cử như mạng xã hội facebook - kênh chia sẻ thông tin thời hiện đại, là sự kết nối toàn cầu, theo sơ đồ cấp số nhân. Mọi người tham gia facebook có thể kết bạn từ bạn của bạn để trao đổi mọi vấn đề trên toàn cầu, hỗ trợ về công việc và thành lập hội, nhóm gồm nhiều cá nhân có chung niềm đam mê và sở thích.

Bạn Lương Thu Phương (sinh viên khoa Báo in, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay: Bạn học có thể tích lũy kiến thức tri thức thuộc mọi lĩnh vực thông qua diễn đàn mạng. Ví dụ trên facebook, những người đam mê văn hóa lập thành hội những người yêu thích văn hóa dân gian Việt Nam (folklore) cho đến hội những người yêu thích thiên văn học, hội sinh vật cảnh Việt Nam, hội doanh nhân... Mỗi thành viên tham gia nhóm sẽ được quyền chia sẻ link (đường dẫn) bài viết, tham gia bình luận, trao đổi, tranh luận hào hứng trên các diễn đàn mở này".

Người học có thể chủ động trong việc học nên cảm thấy nhẹ nhàng, không áp lực. Bất cứ nơi đâu, thời gian nào, bạn cũng có thể lướt "nét" để cập nhật thông tin, kết bạn và tham gia học nhóm. Vì vậy, mọi người trên khắp thế giới cũng có thể bình luận, góp ý về vấn đề bạn đưa ra. Việc học nhóm này đã phát huy hiệu quả của tư duy nhóm bằng cách nhìn nhận vấn đề đa chiều.

Công nghệ - Ngồi mạng ảo, học kiến thức thật

Bạn trẻ đang hào hứng với cách học qua mạng xã hội (ảnh minh họa)

Bạn Nguyễn Trà My (chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cao cấp tại Hà Nội) cho biết: "Tôi đã tham gia hội những người có máu kinh doanh trên facebook nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh. Tôi kết nối với các đối tác, khảo sát thị trường, tư vấn khách hàng cũng nhờ internet.

Việc tạo ra một trang cá nhân để giới thiệu, tiếp thị về sản phẩm đã đạt hiệu quả rất lớn. Khi vắng khách, tôi lại lên facebook để kết nối với bạn bè, các bạn sinh viên để giới thiệu sản phẩm. Nhờ cách bán hàng qua mạng, số lượng sản phẩm bán được đã tăng gấp 2 - 3 lần".

Kết nối tri thức

Thời cổ đại, tri thức nhân loại được lưu giữ trên vách đá, hang động, xương thú, mai rùa, thẻ tre. Đến thời công nghệ in ấn xuất hiện thì tri thức được lưu giữ trên giấy. Khi công nghệ thông tin phát triển thì tri thức sẽ được "số hóa" trên toàn cầu.

Internet ra đời đã mở ra một chân trời tri thức mới. Chỉ với chiếc máy tính nặng hơn 2kg hoặc chiếc điện thoại đa chức năng, người sử dụng có thể truy cập internet mọi nơi mọi lúc bằng sự kết nối wilfi hoặc USB 3G... "Em có thể download những cuốn sách mình cần ở rất nhiều các trang wedsite khác nhau như: Vinabook.com, trituevietnam.com.vn, sachhay.com, ebook.vietnamwebsite.net... Thậm chí, em có thể chia sẻ những cuốn sách này cho hàng vạn người nhờ internet", Phạm Kim Long (sinh viên trường đại học Thương mại) chia sẻ.

Mạng xã hội đang có những chiến lược liên kết theo kiểu tri thức hóa đối với các trang tìm kiếm. Mạng xã hội định hướng sẽ biến trang thành bách khoa công nghệ số, không chỉ tìm kiếm thông tin mà còn cung cấp các đường link để tra cứu và tham khảo. Mạng xã hội đang trở thành thư viện sách khổng lồ của nhân loại. Đặc biệt, với phần mềm dịch tự động, khi truy cập internet bằng google chrome, bạn có thể đọc được ngôn ngữ của bất cứ trang mạng nào trên thế giới.

Việc tiếp nhận tri thức đang hướng đến tính thẩm mỹ cao. Trên mạng xã hội, bạn có thể nghe radio, audio sách, đài phát thanh, truyền hình, thưởng thức một cuốn truyện với giọng đọc pha lẫn âm thanh, hình ảnh phụ họa cho tình tiết câu chuyện, nghe audio sách với giọng đọc lôi cuốn kèm theo phụ họa âm thanh hoặc đọc cuốn truyện tranh đầy màu sắc trên ipad. Bạn cũng có thể chia sẻ những tri thức đó cho bạn bè trên toàn thế giới.

Kỹ năng chắt lọc thông tin trên mạng

Tuy việc học qua mạng có nhiều điều thuận lợi nhưng nó cũng không thiếu mặt trái, ảnh hưởng đến mỗi người. Hiện, có nhiều thành viên chia sẻ những trang mạng có nội dung đồi trụy hoặc bài viết, lời bình với nội dung phản cảm, gây "méo mó" văn hóa.

Nhiều học sinh, sinh viên thường dùng mạng xã hội để chia sẻ tài liệu hoặc "quay bài" trong lúc thi cử. Nguồn tài liệu mở cũng góp phần làm cho vấn nạn in sao luận văn trái phép tràn lan, nạn "đạo văn" đe dọa đến sự "trong sáng" của kiến thức, vi phạm bản quyền và luật sở hữu trí tuệ. Để tránh được những vấn nạn đó, người học cũng cần có biện pháp, kỹ năng chắt lọc, tích lũy kiến thức một cách thông minh nhất.

Bạn Bùi Quang Vinh (sinh viên năm thứ hai, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: "Trên trang mạng wikipedia.org, mỗi độc giả cũng giống như một tác giả, có thể chỉnh sửa kiến thức, có thể gây nhiễu thông tin. Vì vậy, để biết được đâu là thông tin đáng tin cậy, người đọc phải biết chính xác nguồn tin, có giác quan nhìn nhận đa chiều về nguồn thông tin cũng như kiểm chứng bằng phương pháp lý luận cộng với tư duy phản biện".

Trong thời đại bùng nổ thông tin, con người có thể vươn ra thế giới theo cách riêng của mình để làm việc và sáng tạo thông qua hàng loạt phương tiện mới của thế giới phẳng như công cụ tìm kiếm (google), phần mềm xử lý công việc (work flow), khả năng tải lên mạng (uploading), từ điển...

Bạn Vũ Hà Phương (sinh viên chuyên ngành Thương mại quốc tế, trường đại học Thương mại) cho biết: "Thế kỷ 21 đã và đang đón nhận một đội ngũ lao động toàn cầu mới là lực lượng làm thuê xuyên quốc gia. Trong tương lai, người lao động có thể ngồi một chỗ mà làm việc cho các công ty, tập đoàn trên khắp thế giới. Ví dụ, một số nhà khoa học sẽ nghiên cứu lĩnh theo dự án của một tổ chức nước ngoài, một nhân viên có thể ngồi văn phòng ở Ấn Độ vẫn làm thuê cho một công ty có trụ sở tại Mỹ và được trả lương qua tài khoản".

Chắc chắn, sự phát triển của "công nghệ số" trong thế giới phẳng sẽ giúp con người vươn tới nguồn tài liệu mở khổng lồ của tri thức, văn hóa và văn minh mới.

Mạng xã hội trở nên thông dụng trên toàn cầu

Mạng xã hội (còn gọi là mạng xã hội ảo) là dịch vụ kết nối các thành viên có cùng sở thích trên internet theo nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Mạng xã hội có những tính năng đặc biệt như chát, email, phim ảnh, voice, chia sẻ file, blog, xã luận.

Mạng đổi mới hoàn toàn các cư dân mạng liên kết với nhau thành một phần tất yếu mỗi ngày cho hàng triệu thành viên trên khắp thế giới. Các dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên có thể tìm kiếm bạn bè, đối tác dựa vào group (như trường hay tên thành phố), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ email, secreen name), hoặc dựa trên những sở thích cá nhân hoặc những lĩnh vực quan tâm.

Hoàng Thế Tào

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.