Khát vọng cho hòa bình
Về xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM), chúng tôi có dịp gặp các nhân chứng còn sống, sau sự kiện 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc. Đó là các bà mẹ: Lê Thị Khuynh (SN 1944), Nguyễn Thị Khỏi (SN 1944), Nguyễn Thị Tám (SN 1945), Nguyễn Thị Hai (SN 1950), Nguyễn Thị Ôi (SN 1949)... và được nghe các bà kể lại những câu chuyện hào hùng và đau thương của hơn 40 năm về trước.
Tượng đài dân công hỏa tuyến dựng năm 2006 tại khu miếu
Năm 1963, giặc dồn toàn bộ nhân dân ở các thôn Tân Hòa I, Tân Hòa II (xã Vĩnh Lộc) vào khu ấp chiến lược để cho bọn chúng dễ bề kiểm soát, ngăn chặn mọi con đường tiếp tế lương thực, thuốc men, súng đạn cho bộ đội du kích. Đến năm 1968, cấp ủy xã được sự lãnh đạo của Huyện ủy Bình Tân cùng chi bộ các ấp đã tổ chức vận động hàng trăm nam, nữ thanh niên độ tuổi mười sáu, đôi mươi, có nhiều dân công còn dưới 15 tuổi, đa phần là nữ tham gia với nhiệm vụ tải đạn, cáng thương, phá rào ấp chiến lược, đắp mô, đào đường, phá cầu, đào công sự... để phục vụ chiến đấu và trực tiếp lãnh đạo đoàn dân công.
Mỗi khi chuẩn bị có chiến dịch và các trận đánh của bộ đội địa phương, đoàn dân công này lại được lệnh đi tải đạn, chuyển thương binh, nấu cơm, đắp đường... luân phiên phục vụ công tác chiến đấu. Mỗi đoàn dân công có khoảng 50-60 người, có du kích dẫn đường với đa số là nữ, với phục trang là chiếc khăn rằn, bộ bà ba, quần xắn quá gối, trong mình mỗi người đều có một chiếc võng dùng để nghỉ ngơi dọc đường khi cần thì làm võng cáng thương binh.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, nhận được lệnh từ trước, đêm 15/6/1968 (ngày 20/5 âm lịch), đoàn dân công Tân Hòa II tập trung tại ngã tư Tân Hòa I, tổng số dân công của hai đoàn là 55 người, trong đó có một đồng chí du kích có vũ trang dẫn đường, một thanh niên tòng quân. Nhiệm vụ của đoàn dân công đêm hôm đó là chuyển hai thương binh của Sư đoàn 9 đang nằm dưới ghe chờ tại đầu rỗng Ông Chồi góc bưng Láng Cát về Bình Thủy (huyện Đức Hòa, Long An), sau đó tải đạn về điểm tập kết.
Bà Lê Thị Khuynh đang để chuyện về đoàn dân công tải đạn năm xưa
Tuổi 20 nằm lại Đìa Dứa
Như thường lệ, đúng 7h tối, mọi người tập trung nhận nhiệm vụ. Đến khoảng 22h30, đoàn dân công tiến về Bình Thủy theo hướng cánh đồng bưng Láng Cát, đoàn đi thành hàng dọc, men theo bờ kênh Đìa Dứa, có những đoạn nước ngập đến bụng. Khi đoàn dân công đi đến góc bưng của kênh Láng Cát thì bất ngờ phát hiện địch pha đèn rọi sáng cả một vùng. "Đèn pha của hai chiếc máy bay rọi khắp cánh đồng bưng, trời sáng như là ban ngày, ngay cả con kiến cũng có thể nhìn thấy", bà Khuynh cho biết.
Thấy máy bay địch, cả đoàn dân công nằm im dưới gốc dứa. Tuy nhiên, do dòng nước nơi đoàn dân công ẩn nấp bị gợn sóng và vẫn còn đục cùng với hai chiếc ghe chuyển hai thương binh của Sư đoàn 9 được dân công giấu nơi đìa dứa, trong ánh đèn pha của giặc hai chiếc ghe bị địch phát hiện lập tức chúng xả đạn (loại rockét) liên tiếp xuống đìa dứa, đạn rơi như mưa xuống vị trí hai chiếc ghe cùng đoàn dân công đang ẩn nấp, ghe vỡ tan, chỉ còn lại những mảnh ván. Khi đạn dội xuống nước tung lên như một trận mưa lớn nhưng không là nước đồng bưng đơn thuần mà lẫn trong ấy là những dòng máu đỏ của các anh chị đoàn dân công lan khắp cả vùng.
Không nén được xúc động, bà Phạm Thị Tám kể: "Đang nằm nín thở, tôi nghe tiếng của bà Huỳnh Thị Điệp vọng ra từ bụi dứa bên kia dặn dò: "Tao bị trúng đạn rồi Tám ơi, chắc tao chết! Mày còn sống thì nhớ nói má tao nuôi giùm con tao". Nói đến đó, Điệp lịm đi và tôi không còn nghe thêm gì nữa.
Hai chiếc máy bay vẫn bám sát đầu ngọn dứa điên cuồng nhả đạn xuống cánh đồng bưng. Sau gần một tiếng đồng hồ soi đèn, rải đạn mà không thấy bị chống trả (có thể người chết toàn là dân thường không phải bộ đội) nên địch rút đi. Ngay sau đó, lực lượng du kích của địa phương được huy động vào bưng tìm những dân công bị thương đưa về, hai thương binh của Sư đoàn 9 là mục tiêu chính trong đêm và số dân công hy sinh nằm ngổn ngang trên cánh đồng bưng.
Bà Khuynh bồi hồi nhớ lại: "Tối hôm đó, tôi được lệnh ở nhà nấu cơm cho những người đi tải đạn, bỗng nhiên tôi nghe thấy súng đạn nổ vang trời, tôi nghi có chuyện chẳng lành thì một lúc sau có đến 7 -8 người trong đoàn dân công, ai nấy trên mình đều bê bết máu chạy vào nhà tôi. Tôi lấy rượu rửa vết thương cho từng người, chiếc mùng mền ướt đẫm máu, máu chảy khắp nhà, tôi phải lấy nước rửa mãi mới hết".
Sáng hôm sau, địch lại cho trực thăng vào dò xét, thấy xác chết toàn là dân thường nên chúng kéo về. Mọi người trong xóm huy động khoảng tám chiếc xe bò, xe trâu đưa thi thể dân công về, nhà nào không có xe bò thì chạy qua ấp khác mượn, ai cũng bỏ hết công việc đồng áng, tập trung cho việc chở xác người…
Trận oanh kích của địch đã cướp đi sinh mạng của 32 người. Trong số ấy có một người là du kích dẫn đường, một thanh niên gia đình Cách mạng nhập ngũ đi cùng đoàn dân công, hai đồng chí thương binh của Sư đoàn 9 và 21 người bị thương (gồm 16 nữ và năm nam). Những người hy sinh đều còn rất trẻ, người nhiều tuổi nhất mới 30 tuổi và trẻ nhất là 15 tuổi. Họ đều là những người yêu nước, sẵn sàng ngã xuống để đổi lấy màu xanh cho quê hương, Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Tốt, mẹ liệt sĩ Trần Thị Tý nhớ lại: "Con Tý xin tôi về nhà ông ngoại ở xóm trên, khi đi mặc áo kép, tôi thấy lạ hỏi: "Con về nhà ông ngoại mặc hai áo làm chi?". Nó trả lời: "Con đi dân công má à, con mặc áo đen ở ngoài, còn lại áo hường nghi trang...". Theo bà Tốt, con bà cũng như bao đồng đội khác đi vì lý tưởng hòa bình độc lập, mong cho đất nước sạch bóng quân thù để Vĩnh Lộc mãi mãi thanh bình.
Ghi nhớ công lao của đội nữ dân công Ông Võ Chiến Thắng, phó chủ tịch văn hóa xã hội xã Vĩnh Lộc A cho biết, để ghi nhớ các chiến công của đội nữ dân công, UBND xã đã cho làm con đường "Nữ dân công" chạy thẳng vào khu di tích. Hàng năm, cứ đến ngày 20/5 (âm lịch), xã tổ chức dâng hương để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở khu di tích "Miếu 32 dân công hỏa tuyến…”. |
Hoàng Minh