Giai thoại về Long huyệt kết phát và bi kịch bị yểm bùa
Những ai về thăm làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhìn từ xa sẽ thấy ở cuối cánh đồng vút lên bốn trụ uy nghi. Đó là Phủ Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần tên thật là Tôn Thất Hiệp (1653 - 1675) và nơi thờ nhiều danh tướng thuộc dòng dõi vua nhà Nguyễn. Theo lời những bậc cao niên trong làng, đất Vân Thê xưa kia có sông, có núi, hồn thiêng sông núi nên có nhiều nhân tài. Lại có thêm ngôi mộ ngài Quốc Uy Công kết phát long mạch nên phát sinh khí, nơi đây hội tụ gần đủ bộ tứ linh, nên rất linh thiêng.
Lần theo câu chuyện của những bậc cao niên trong làng Vân Thê, chúng tôi tìm về từ đường họ Nguyễn ngày nay, cũng là phủ của ngài Nguyễn Phúc Thuần xưa kia. Bên cạnh ngôi mộ của ngài, cụ Tôn Thất Cử, năm nay đã ngoài 80, là hậu duệ đời thứ 9 của ngài, kể cho chúng tôi nghe nhiều giai thoại. Xưa kia vào thời vua Minh Mạng, ngôi mộ của ngài Phúc Thuần có nhiều điềm lạ. Trong khuôn viên ngôi mộ ở trên trời có bửu tán che, dù mưa đâu mưa ở mộ không mưa, nắng đâu nắng ở mộ không nắng.
Phủ ngài Nguyễn Phúc Thuần uy nghi ở làng Vân Thê.
Một hôm, có đoàn thầy địa lý người Tàu nổi tiếng là những người thông thiên văn, tường địa lý. Không những vậy họ còn có khả năng tiên tri. Họ sang tâu với vua Minh Mạng rằng hiện ở nước Đại Nam nơi nào đó đang có long mạch phát kết không sớm thì muộn sẽ có Nhất Quốc Lưỡng Vương (Một nước sẽ có hai Vua - PV). Nhà vua vì lo sợ mất ngôi, liền phái người đi khắp nước tìm địa điểm phát Vương, nơi long mạch tụ khí. Các thầy địa lý xách la bàn đi đi lại lại khắp nước, lặn lội trên rừng xuống biển tìm phúc địa nhưng tìm mãi không ra.
Một lần, khi các thầy đi qua vùng đất Vân Thê thì gặp lúc mưa to gió lớn, thấy lũ trẻ chăn trâu vội vã chạy trốn vào một khu mộ gần đó thì tất thảy đều không bị ướt. Các thầy thấy điềm lạ nên vào xem xét ngôi mộ, liền về tâu với vua Minh Mạng rằng ngôi mộ đó là nơi tập kết khí mạch của trời đất, đích thị là Long huyệt phát vương. Khi nhà vua cho truy xét ra mới biết đó là ngôi mộ của người con trai thứ tư của chúa Hiền, ngài Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần, vua Minh Mạng liền lệnh cho dời mộ ngài ra Hiền Sỹ (huyện Hương Trà ngày nay).
Tương truyền khi dời ngôi mộ kết ấy, người làng đào xuống liền thấy phía dưới đáy huyệt có hai con cá chép đi theo đường long mạch từ trên núi về đã mọc vân vi, râu dài gần thước, chuẩn bị hóa rồng. Hai con cá được thả ra cửa biển, lập tức mây kéo về trời đen kịt, như thể tiếc cho hai con cá đó. Bởi nếu đủ thời gian hóa rồng thì dòng trực hệ chúa Nguyễn Hiền sẽ lại được làm vua. Hai con cá chép được thả một ở đầu làng, một ở cuối làng. Sau này khi xây hai chiếc cầu ở đó, dân làng gọi là cầu Long Thượng, cầu Long Hạ để nhắc nhở về vùng đất linh thiêng.
Khi đã dời ngôi mộ ngài Nguyễn Phúc Thuần đi nơi khác, nhà vua còn làm nhiều việc để triệt phá long mạch của làng. Vua sai các thầy địa lý, thầy pháp xem xét ở làng núi non, sông hồ, chỗ nào có địa thế tốt, có khí địa linh thì đều yểm cả. Nhà vua còn ra lệnh đào một con sông chia cắt làng với những làng khác, khiến Vân Thê như một ốc đảo nằm thênh thênh giữa bốn bề sông nước. Con sông uốn lượn bao quanh làng được vua đặt tên là sông Như Ý. Theo lời ông Cử, tên sông hàm nghĩa rằng nhà vua đã được như ý toại nguyện, đã cắt đứt được long mạch ở làng. Dòng sông còn được dân làng gọi với cái tên khác là sông Long Giang (sông của con rồng).
Đến xót xa vị tướng tài ba yểu mệnh
Theo sử sách ghi lại, Nguyễn Phúc Thuần là con trai thứ tư của Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (SN 1620-1687). Tháng 7 năm 1672 chúa Trịnh mang đại binh từ miền Bắc vào đánh chúa nhà Nguyễn với ý đồ tiêu diệt sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Thanh thế quân Trịnh hết sức dũng mãnh. Hiền Vương lo lắng bảo các tướng tìm người cầm quân chống giữ. Các tướng đều đồng thanh đề cử công tử Nguyễn Phúc Thuần, một tướng trẻ mới 20 tuổi. Hiền Vương liền phong cho Phúc Thuần làm súy thống lĩnh quân Nguyễn ra trận.
Sử chép lại, khi chỉ huy chiến trận ở Quảng Bình, ngài Nguyễn Phúc Thuần sống khắc khổ đơn sơ, giản dị, ở trong trại chỉ có giáp sĩ hầu hạ chứ không dùng phụ nữ. Lần nọ có một ông lão tên Bật Nghĩa đến trại với ý định "tiến" cho ngài cô con gái của ông, một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Ngài liền thẳng thừng từ chối nhưng không quên cấp cho ông lão 10 quan tiền về nhà làm ăn vì ngài hiểu rằng, ông lão hành động như vậy chỉ vì quá túng thiếu cơm áo trong thời loạn lạc. Ba quân nghe chuyện càng thêm kính phục vị tướng quân có đức có lượng.
Nhờ tài "điều độ đúng khớp, chư tướng phục tùng nên có thể lấy ít thắng nhiều" phá được âm mưu thôn tính của quân Trịnh. Qua trận đánh từ tháng 7 năm 1672 đến tháng 7 năm 1673 chúa Trịnh và nhà Nguyễn bãi việc binh đao giữa hai bên. Lấy sông Gianh là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Sau khi nhà Trịnh thoái lui, phàm những người lính Bắc Hà bị bắt, Phúc Thuần đều sai cấp tiến gạo, quần áo cho về quê hoặc cho vào Quảng Nam khai khẩn làm ăn không giết hại một người nào. Phúc Thuần cho lập đàn trong thành Trấn Ninh tế những tướng sĩ tử vong.
Khi yên việc nước, Phúc Thuần từ giã thế sự, bỏ gái hầu về làng Vân Thê làm một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, bàn đạo huyền vi, không tiếp khách, không bàn đến chuyện đời nữa. Không may đến mùa hạ năm Ất Mão, ngài bị bệnh đậu mùa và qua đời khi mới tròn 23 tuổi. Nghe tin dữ, Hiền Vương hết sức đau xót liền phong ngài là Minh Nghĩa Tuyên Lực Công Thuần. Khai phủ phụ quốc thượng tướng quân.
Cụ Tôn Thất Cử bên khu lăng mộ ngài Nguyễn Phúc Thuần nay đã được đưa về chốn cũ.
Dòng họ không phát vương thì phát tướng?
Di tích là minh chứng cho lịch sử Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết: "Phủ thờ Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần, con thứ tư của Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế Hiền Vương đồng thời là nơi thờ của người anh hùng Tôn Thất Thuyết là minh chứng lịch sử đáng quý, nơi lưu giữ lại những giá trị tinh thần vô giá. Năm 1994, phủ thờ đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, địa phương luôn có kế hoạch phối hợp cùng với gia đình thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn". |
Theo lời cụ Tôn Thất Cử, vào đêm vua Minh Mạng cho di dời mộ cụ Nguyễn Phúc Thuần ra Hiền Sỹ, người trông coi lăng mộ ngài hàng đêm cũng là hậu duệ của ngài nằm mộng thấy một bà tiên dịu dàng, đoan trang, phúc hậu nói với ông lời sấm truyền rằng: "Dòng họ ngươi phát dứt Đế vương, tam đợi công hầu, dẫu không có một bậc chí tôn nhưng sẽ có nhiều vị tướng dũng mãnh". Nói xong bà tiên cưỡi mây đạp gió về trời, người trong coi phủ ngài Quốc Uy Công nghe vậy liền kể sự tình cho bà con trong họ, nhưng không mấy người tin.
Quả thực, trăm năm sau những hậu duệ của ngài Nguyễn Phúc Thuần đều nối nghiệp võ đời, vì nước vì dân trong đó phải kể đến cụ Tôn Thất Thuyết, người cháu 5 đời của Nguyễn Phúc Tần. Ông là võ tướng có nhiều công lao dẹp giặc, từng đảm nhận chức Thượng Thư Bộ Binh rồi đến phụ chính trong "hội đồng phụ chính" khiến quân Pháp phải nể sợ. Tôn Thất Thuyết là người đứng đầu công cuộc chống Pháp 1885, giúp vua Hàm Nghi giương cao ngọn cờ Cần Vương yêu nước. Năm 30 tuổi, Tôn Thất Thuyết giữ chức án sát tỉnh Hải Dương. Tôn Thất Thuyết được phong chức "Quang lộc tự khanh" và làm tán lý quân thứ Thái Nguyên.
Thời làm đại thần triều Nguyễn, Tôn Thất Thuyết đã bỏ tiền xây dựng khu phủ thờ ngài Nguyễn Phúc Thuần thành một nơi an dưỡng để những lúc mệt mỏi ông về nghỉ ngơi. Vì thế sau ngày Tôn Thất Thuyết theo vua Hàm Nghi về vùng núi Bình Trị Thiên chống Pháp, bọn thực dân và tay sai đã cho người về Vân Thê phá phách nơi đây để thỏa lòng căm giận. Khi nhận được tin Tôn Thất Thuyết qua đời ở Long Châu (Trung Quốc), gia đình đã thiết lập áng thờ ở gian sau phủ thờ Nguyễn Phúc Thuần. May mắn sao trải qua mấy cuộc chiến, phần chính của Phủ thờ gốc, mộ phần Nguyễn phúc Thuần đã được dời về phủ vẫn còn nguyên vẹn, thường xuyên được con cháu nhang khói.
Bảo Bình