Sức hút bí ẩn của ngôi nhà cổ
Đang bon bon trên những con đường đất ngoằn ngoèo dẫn lối vào làng Thái cổ của huyện Quỳ Châu thuộc vùng núi Tây Bắc Nghệ An, chiếc xe của tôi đột ngột chết máy không sao nổ được. Trong lúc loay hoay tìm người giúp đỡ, một hình ảnh lạ vô tình đập vào mắt khiến tôi không khỏi sững sờ vì vẻ đẹp tráng lệ, phi thời gian của nó. Đó là những bức tường cao sừng sững của một ngôi nhà cổ ẩn hiện dưới tán lá xanh rợp của những cây cổ thụ mà tôi chưa từng biết đến tên gọi của nó. Quên bẵng chiếc xe đang cần sửa và những công việc đang cần làm, tôi xé rào tiến về phía ngôi nhà.
Một góc dinh thự cổ của gia tộc Ló Cắm.
Nhìn những mảng rêu xếp tầng tầng lớp lớp lên nhau trên những hàng gạch vỡ, lũ cỏ chen nhau bò ra từ mọi khe hở trên nền đá hoa cương, tòa nhà hẳn đã bị bỏ hoang hàng thế kỷ. Không hiểu sự hủy hoại khắc nghiệt của thời gian với nắng mưa sương gió hay chính sự lạnh lẽo khi thiếu vắng hơi người đã khiến ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Phần mái của nó gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng phần tường bao, vách ngăn, những ô cửa hình mái vòm cùng một phần nhỏ các họa tiết trang trí vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" như một sự thách thức cuối cùng đầy kiêu hãnh với thời gian.
Và chỉ nhìn thoáng qua những gì còn sót lại trên nền móng cũ cũng đủ để người ta dễ dàng nhận ra kiểu dáng cũng như kích thước ban đầu của nó. Tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc gotich Pháp trên một khu đất rộng khoảng 300m2 với 2 tầng lầu cùng một hệ thống phòng ốc với số lượng khá lớn. Tuy chỉ còn là một phế tích hoang tàn nhưng giống như một viên ngọc vỡ vẫn luôn luôn tỏa sáng, vẻ đẹp và sức hút bí ẩn của ngôi nhà cổ dường như không hề bị giới hạn bởi những ranh giới bất khả xâm phạm của thời gian.
Chưa hết tò mò về tòa nhà bí ẩn, tôi đã lại nảy sinh thêm rất nhiều những câu hỏi khác về chủ nhân của nó. Với một ngôi nhà tầm cỡ như vậy ở vào khoảng thời gian mà nó đang thịnh vượng hẳn vị chủ nhân kia cũng nắm trong tay một thế lực không vừa. Hỏi một người đàn ông trung niên đang dắt trâu qua đường, tôi được biết mình đang đứng ở bản Hòa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An).
Khi tôi hỏi về chủ nhân của tòa nhà cổ thì người đàn ông này vội vã kéo trâu đi ngay, bỏ lại sau lưng cái lắc đầu khó hiểu. Thái độ đó của ông ta càng khiến tôi thêm tò mò, vội rảo bước xung quanh, ghé vào mấy ngôi nhà sàn gần đó để hỏi thăm tin tức. Nhưng hầu hết những người tôi gặp kể cả già trẻ, gái trai đều từ chối trả lời hoặc lắc đầu không biết. Lang thang mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được một người cho mình câu trả lời. Chẳng hiểu run rủi thế nào tôi lại vào đúng nhà của ông Ló Cắm Đậu, hậu duệ 4 đời của chủ nhân ngôi nhà kia. Nhờ may mắn đó, những bí mật của ngôi nhà dần dần được hé mở qua từng câu chuyện.
Ông Ló Cắm Đậu, hậu duệ 4 đời của chúa Phòng.
Bí mật dinh thự gia tộc Ló Cắm
Qua lời kể của ông Ló Cắm Đậu thì ngôi nhà cổ mà tôi đã thấy chính là dinh thự của cố nội ông. Đó chính là chúa làng Lò Cắm Phòng, thủ lĩnh tối cao của đồng bào người Thái cổ ở vùng núi Tây Bắc Nghệ An hồi đầu thế kỷ XIX. Cả một vùng đất rộng lớn, nổi tiếng giàu có nơi đây đều nằm trong sự cai quản của chúa làng. Vì có hiểu biết sâu rộng, nắm giữ trong tay nhiều quyền lực, của cải lại rất quảng giao nên chúa làng Lò Cắm Phòng được cánh sĩ quan Pháp vô cùng nể trọng, kết làm bạn bè. Họ đã giúp chúa làng xây dựng một tòa dinh thự theo kiến trúc Pháp. Để xây dựng được ngôi biệt thự ấy, họ đã phải huy động rất nhiều nhân lực vận chuyển nguyên vật liệu từ đồng bằng. Những tay thợ xây loại giỏi và các kiến trúc sư nhiều kinh nghiệm cũng được mời đến để thực hiện công trình đặc biệt này. Đây có lẽ là ngôi nhà theo kiến trúc phương Tây duy nhất ở vùng đất Tây Bắc xứ Nghệ thời bấy giờ.
Hồi ông Đậu sinh ra thì cố nội của ông vẫn còn sống. Và cả đại gia đình nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống trong dinh thự rộng 300m2 với hơn chục phòng ốc khang trang. Nhìn ánh mắt đỏ hoe của ông Đậu, tôi hiểu người đàn ông sắp bước qua tuổi 70 này đang hồi tưởng lại những năm tháng tuổi trẻ của mình trong tòa nhà cổ xưa ấy. Qua giọng kể xúc động của ông tôi phần nào hình dung ra cuộc sống sung túc của một đại gia đình vua chúa nổi tiếng giàu sang một thời. Thời bấy giờ, chúa làng là người quyền lực nhất trong vùng, thâu tóm trong tay phần lớn đất đai, trâu bò, lợn gà.
Theo như lời kể của ông Đậu thì: "Nói đến đất của chúa Phòng, người ta phải đo cả một mùa trăng. Nói đến trâu bò, lợn gà của chúa Phòng, người ta phải đếm cả một mùa trăng.". Trong dinh thự của ông, sừng tê, ngà voi, da hổ, da báo, vải vóc, vàng bạc châu báu nhiều không đếm xuể. Nơi đây, thường xuyên diễn ra những buổi yến tiệc linh đình với vô số các món sơn hào hải vị, chim trời cá biển để thết đãi du khách phương xa.
Sau đó, do những biến cố lịch sử mà dòng họ Ló Cắm dần dần suy yếu. Trước làn sóng cách mạng ngày một dâng cao, năm 1949, ông Ló Cắm Đậu đã tự nguyện giao nộp đất đai để chia cho nông dân. Vàng bạc, châu báu, của cải trong nhà cũng được ông Đậu ủng hộ hết cho cách mạng. Sau đó, ông cùng các con dựng một ngôi nhà sàn truyền thống ngay phía sau tòa dinh thự rồi chuyển sang sinh sống ở đó một cách bình dị như những người dân khác trong làng.
Giờ đây, khi đã đề huề con cháu, sống yên vui cùng người vợ thủy chung, ông vẫn luôn canh cánh trong lòng một nỗi băn khoăn về tung tích người cha của mình là Ló Cắm Cương. Trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, cha của ông đột ngột bị mất tích không rõ nguyên nhân. Từ bấy đến nay, trải qua biết bao năm tháng, ông chưa khi nào thôi tìm kiếm nhưng dường như càng tìm lại càng trở nên vô vọng. Cho đến tận bây giờ, ông Đậu vẫn không rõ cha mình lưu lạc nơi đâu, sống chết thế nào. Điều đó khiến ông luôn thường trực một nỗi day dứt khôn nguôi, một món nợ người xưa cả đời không thể trả.
Khi tôi đem chuyện ngôi nhà cổ đến hỏi thì được ông Sầm Văn Duẩn (Trưởng bản Hòa Tiến) cho biết: "Khi tôi sinh ra đã thấy ngôi nhà cổ bị bỏ hoang ở đó nhưng người trong làng dường như chẳng bao giờ nhắc đến nó. Có lẽ vì đó là ngôi nhà do giặc Pháp xây dựng nên mọi người không có thiện cảm và muốn tránh xa. Chính vì thế mà nó sớm bị lãng quên trong đống đổ nát. Ngay bản thân tôi cũng không biết nhiều về căn nhà cũng như những người đã từng sinh sống trong đó. Trong mắt dân làng, đó chỉ đơn giản là một ngôi nhà cũ bị bỏ hoang mà họ không muốn nhắc đến".
Đâu dễ lãng quên Sau dịp thăm thú nhà cổ ấy, tôi trở về với rất nhiều ám ảnh. Đó là nỗi ám ảnh về tòa dinh thự của gia tộc Ló Cắm, một dấu tích lịch sử hiếm hoi thời phong kiến ở vùng núi Tây Bắc Nghệ An đang chìm vào quên lãng. Đó là nỗi ám ảnh về người đàn ông đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy vẫn ngày ngày mỏi mắt trông ngóng tin cha. Thời gian cùng những quy luật khắc nghiệt của nó có thể chôn vùi tất cả nhưng lịch sử chẳng bao giờ thay đổi và tình người đâu dễ lãng quên. |
Dương Dung