Gọi là ngôi nhà rẻ nhất Việt Nam, vì trong khi một ngôi nhà ở Hà Nội có thể có giá đến cả ngàn lượng vàng, thì ngôi nhà này chỉ có giá 3 triệu VNĐ (chưa đến 1 chỉ vàng). Đó là sáng chế của nhóm thiết kế dự án "Sống cùng lũ lụt" (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội).
Mô hình nhà đoạt giải A
Sáng kiến nhà đa năng siêu rẻ từ sự đồng cảm
Thầy Phạm Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội, trưởng Nhóm thiết kế dự án "Sống cùng lũ lụt" đoạt giải A cuộc thi thiết kế nhà chống lũ lụt cho đồng bào miền Trung) cho biết: "Nhóm chúng tôi mới chỉ được giải ý tưởng thôi, còn để đưa vào thực tế, áp dụng cho từng địa hình thì thầy trò còn phải nghiên cứu kĩ hơn nữa. Mỗi sản phẩm, dự án thiết kế ra phải qua 3 bước: Xây dựng mô hình; đưa mô hình vào thử nghiệm rồi cuối cùng mới đi đến thực tiễn".
Thầy Cường cho biết, đây là cuộc thi thiết kế nhà chống lũ lần thứ 3 do Hội kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Cuộc thi này nhấn mạnh đến tính thực tiễn. Nhóm thiết kế trường ĐH Xây dựng có 6 thành viên (trong đó có 4 nam, 2 nữ).
"Chúng tôi đều vì tình yêu, lòng thương cảm với miền Trung đã thôi thúc để hoàn thành sản phẩm này. Những cuộc thi trước, tôi đã chứng kiến những mô hình đoạt giải nhất nhưng vẫn không được đưa vào thực hiện vì chi phí quá cao. Chính vì thế, thầy trò tôi đã quyết định thiết kế ngôi nhà siêu rẻ giành cho người nghèo", thầy Cường nói.
Được biết, ngôi nhà được thiết kế bằng một khung bê tông có kích thước chiều cao 3m, chiều dài 1,8 m.
Bạn Bùi Thị Nhàn, một thành viên nữ trong nhóm cho biết: "Khi mưa lũ đến, chỉ cần lấy chiếc dát giường đặt lên khung bê tông là có thể biến thành sàn nhà cho người dân tránh lũ và chứa đồ đạc. Chúng tôi cũng đã thiết kế một chiếc bè để người dân có thể chăn nuôi gia súc. Bởi vì, người dân miền Trung vốn đã nghèo khổ vì lũ lụt hàng năm, nay lại mất đi của cải thì họ sẽ sống như thế nào sau lũ. Với mô hình của chúng tôi, chỉ cần đứa bé 12 tuổi cũng có thể tự di chuyển được đồ đạc khi lũ dữ đổ về".
Cũng nhiều người gọi ngôi nhà chống lũ của thầy trò trường ĐH Xây Dựng là dự án đa năng. Bởi vì, khi chưa đến mùa lũ, dưới gầm ngôi nhà này có thể biến thành khu chứa đồ, nơi bán hàng quán, phòng tắm... Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người đều tâm đắc đó là chỉ cần 3 triệu đồng là có thể xây dựng được ngôi nhà này.
Thầy Cường chia sẻ: "Nếu làm qua loa, có thể vẽ ra những bản vẽ chỉ trong hai ngày, tuy nhiên, thầy trò chúng tôi trăn trở trước những khó khăn của người dân miền Trung, vì vậy hàng năm trời để thiết kế ra sản phẩm này phải chắt lọc trên những phân tích sát thực nhất. Sản phẩm này chỉ là một ngôi nhà phụ, bởi vì để xây lại những ngôi nhà kiên cố cho những người dân nơi đây quả là một vấn đề khó, họ không có chi phí. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng, mô hình này sẽ giúp người dân sống chung với lũ một cách an toàn. Và hơn hết, tập huấn cho họ có ý thức chủ động trong việc chống chọi lại với thiên tai".
Điều đặc biệt trong bản thiết kế của mô hình nhà Sống cùng lũ lụt là nhóm của thầy Cường đã vẽ một bình nước, chậu nhôm và một bao gạo ở trên đó. Có nghĩa là, khi lũ bất ngờ ập đến, không kịp sơ tán của cải, thì những vật dụng đó sẽ là nguồn lương thực dự trữ cho họ trong lúc chờ cứu trợ.
Được biết, đề án "Sống cùng lũ lụt" của nhóm đã vượt qua gần 100 mô hình để giành giải xuất sắc.
Thầy dung dị, trò tài hoa
Bạn Hà Việt Cường, sinh viên khoa Kiến trúc (một thành viên trong nhóm thiết kế) cho biết: "Khi bắt đầu thiết kế mô hình, thầy Cường đã nói với chúng tôi là trong khi làm việc, thì công sức của mọi thành viên là như nhau, chúng tôi cứ coi thầy như một sinh viên chứ đừng nghĩ thầy là Phó hiệu trưởng mà cả nể không dám góp ý. Tất cả vì công việc tập thể. Chính vì vậy, khi thầy trò họp phân tích mô hình, chúng tôi đã không ngại ngần gì đưa ra ý kiến phản biện lại thầy. Có nhiều cuộc họp diễn ra gần 10 giờ đồng hồ. Thầy trò phản biện căng thẳng đến nỗi tất cả mọi người đều "đỏ mặt".
Thầy Phạm Hùng Cường, nhóm trưởng của mô hình nhà sống cùng lũ lụt
Theo thầy Phạm Hùng Cường, đối với những người dân ở vùng sâu vùng xa, ô tô không vào được, thì phải thiết kế ngôi nhà theo kiểu có thể tháo rời từng chiếc cột trong khung ra để vận chuyển thuận tiện. Đây là một điểm riêng của mô hình mà chưa có đề án nào từ trước đến nay làm được. Thậm chí, người dân có thể mua các vật liệu xây dựng như xi măng, thép về tự làm được vì ngôi nhà có thiết kế cực kỳ đơn giản.
Sinh viên Bùi Thị Nhàn cũng cho biết thêm: "Thầy Cường là người nhiệt huyết với công việc. Bọn em biết được, khi thiết kế mô hình thật đi dự thi, mặc dù bận nhiều việc của nhà trường nhưng thầy vẫn tận tình động viên chúng em làm việc. Đầu tiên, nhóm chúng em đề ra hàng trăm ý tưởng về những ngôi nhà chống lũ. Chọn ra được ý tưởng khả thi nhất hoàn hảo như hôm nay là những cuộc "đấu khẩu" quyết liệt".
Nhàn tiết lộ: "Tuy thầy không nói ra nhưng chúng em biết, nhiều lần thầy thức trắng đêm để dựng từng mô hình cho ý tưởng để xét tính khả thi. Thậm chí, hôm chuẩn bị đem nhà dự thi, thầy đã thức trắng đêm với nhóm để chắp nối những mảnh ghép cuối cùng".
Văn Chương