“Ngôi nhà hạnh phúc” của những chú mèo vô gia cư

“Ngôi nhà hạnh phúc” của những chú mèo vô gia cư

ctv ban tk

ctv ban tk

Thứ 4, 25/01/2023 06:09

Đôi mắt lo lắng, cơ thể run rẩy, chú mèo nhỏ gồng lên như muốn di chuyển đi đâu đó nhưng không thể… vì hai chân đã bị liệt. Bỗng có tiếng nói cất lên: “Mẹ thương nào, em Cốm của mẹ nằm ngoan, có mẹ ở đây rồi…”, người phụ nữ lại gần, ôm chú mèo nhỏ vào lòng vỗ về an ủi…

Nhà ngày càng chật nhưng tình yêu thương rộng lớn

Người phụ nữ với giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp là bà Nguyễn Thúy Hải (SN 1965), được mọi người biết đến với cái tên “Hải mèo”. Hơn 22 năm qua, bà Hải lặng thầm đi khắp Hà Nội để cứu giúp những chú mèo bị bỏ rơi, bị tai nạn hay cả những chú mèo đang thoi thóp giữa sự sống và cái chết tại các lò mổ.

Dân sinh - “Ngôi nhà hạnh phúc” của những chú mèo vô gia cư

Bà Hải “mèo” cùng “đàn con” nhỏ đông đúc trong căn chung cư nằm trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Ngọc Bảo.

Là người Hà Nội gốc, sinh ra ở phố cổ, được thừa hưởng tình yêu thương động vật từ nhỏ khi nhìn thấy bà ngoại chăm sóc gần chục chú mèo mướp, bà Hải đã coi mèo là những người bạn tâm giao của cuộc đời. Tình yêu thương mèo được vun đắp qua năm tháng, mỗi khi phải chứng kiến những con mèo nhỏ bị bỏ rơi, bị chủ đối xử tàn nhẫn hay bị tai nạn giữa đường khiến người phụ nữ ấy không khỏi day dứt, đau đớn. Trong nhiều năm, bà Hải bắt đầu chăm sóc mèo hoang từ công việc đơn giản như nấu cơm, mang thuốc men đến tận nơi chữa trị cho chúng. Rồi vào một ngày năm 2009, người phụ nữ với thân hình nhỏ nhắn quyết định đưa cuộc sống sang “trang mới” khi đón những con mèo đáng thương về nhà chung sống.

Con mèo được bà Hải đưa về nhà đầu tiên là một con mèo cái, được đặt tên là Mẹ Mèo Cụt. Khi gặp Mẹ Mèo Cụt, nó đang nằm thoi thóp ở ngõ 57 Láng Hạ. Nhờ tình thương và kiến thức y khoa tự áp dụng, bà Hải đã cứu sống thần kỳ Mẹ Mèo Cụt. Kể từ đó, vì thương, nhặt được “đứa” nào, bà Hải đều bế về nhà để tiện chăm sóc. Người với mèo sống chung, ngôi nhà nhỏ ngày càng chật đi, nhưng với bà việc nhìn lũ mèo có mái ấm hạnh phúc là điều quan trọng nhất.

Thời điểm đó, bà Hải đang sống trong ngôi nhà tập thể cũ ở khu vực Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) với diện tích chỉ vọn vẹn hơn 20m2. Ngôi nhà nhỏ đã trở thành nơi nương tựa cho không biết bao nhiêu con mèo. Mỗi con mèo mỗi hoàn cảnh, “đứa” thì bị đủ các loại bệnh, “đứa” bị bỏ đói nhiều ngày, rồi bị tai nạn, bị liệt toàn thân… nhưng đều chung một số phận, đó là bị bỏ rơi và chẳng có ai chăm sóc.

Thời gian cứ thế trôi, hàng trăm con mèo được bà Hải đón về ngôi nhà nhỏ đó, có “đứa” được cứu sống khỏe mạnh ở lại, có “đứa” được chủ mới đón về nuôi, cũng có “đứa” không may mà qua đời… Nhưng với người phụ nữ giàu lòng nhân ái, yêu thương động vật, tất cả chúng đều là những “đứa con” hết mực thương yêu. “Tôi chẳng bao giờ hối hận vì đã dành thời gian để cứu chúng, cưu mang chúng. Nếu hối hận, chắc tôi đã không làm việc này. Hơn 22 năm là khoảng thời gian đủ dài để tôi nhận ra điều đó”, bà Hải chia sẻ.

Hiện tại, bà Hải đã chuyển sang một căn hộ chung cư ở khu vực Lê Văn Lương (Cầu Giấy, Hà Nội). Căn chung cư này có diện tích lớn hơn căn hộ cũ của bà tại Thái Thịnh. Toàn bộ không gian sống, khu vực phòng ngủ chính được bà sửa sang thành nơi ở của 29 con mèo. Do ở một mình, toàn bộ ngóc ngách trong nhà đều ưu tiên dành cho mèo: chỗ để lồng, chỗ để đệm lót, một tủ đồ dùng gồm quần áo, bỉm và một tủ thuốc dành riêng cho những “đứa con” nhỏ.

Tết hạnh phúc là được thấy “đàn con” khỏe mạnh!

Với “đàn con” đông, mỗi “đứa” có một vấn đề riêng về sức khỏe, bà Hải phải dành toàn bộ quỹ thời gian trong ngày để chăm sóc chúng. Một ngày của bà bắt đầu vào lúc 6h30: thức dậy làm vệ sinh khu vực sống, thay mới, đánh rửa bát đựng thức ăn cho những con mèo khỏe mạnh; sau đó tự tay dọn rửa vệ sinh cho các con mèo bị liệt, bị bệnh ở những lồng riêng.

Nằm trên chiếc giường gỗ nhỏ ở góc nhà, con mèo mướp mặc một chiếc bỉm xinh xắn mà bà gọi thân thương là Bác Xám Liệt. Bác Xám Liệt được nhặt về nuôi từ một xe rác khi mới chỉ 2 tháng tuổi. Cơ thể bị liệt hoàn toàn, Bác Xám Liệt không thể tự ăn hay đi vệ sinh, mọi sinh hoạt hàng ngày của “thằng Xám” đều do bà Hải một tay làm hết. “Bác Xám Liệt năm nay 11 tuổi, mọi sinh hoạt của em đều phải dựa vào tôi. Nhưng em vẫn khỏe mạnh và rất xinh”, bà Hải bùi ngùi chia sẻ.

Dân sinh - “Ngôi nhà hạnh phúc” của những chú mèo vô gia cư (Hình 2).
Dân sinh - “Ngôi nhà hạnh phúc” của những chú mèo vô gia cư (Hình 3).

Những “đứa con” của bà Hải “mèo” luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của “người mẹ” giàu lòng nhân ái.

Ngoài Bác Xám Liệt, bà Hải kể vanh vách tên của những “đứa con” của mình như Bác Trắng Tròn, Em Bông Liệt, Em Mun Meo, Tôm đen… đôi mắt người phụ nữ rưng rưng khi nói về số phận của các em. “Em Bông liệt chịu lạnh kém lắm. Lúc bà gặp em là lúc e ngã từ tầng 3 ở khu Bách Khoa. Em chống hai tay và lết đi trên mặt đất, toàn bộ thân dưới bị trầy xước, đáng thương lắm!”. “Những đứa bị liệt như này khổ lắm, vì chúng chẳng di chuyển được, nên phát sinh ra nhiều bệnh khác, ví dụ như bệnh tiết niệu và thận”, bà Hải chia sẻ.

Vì lý do đó, bà Hải phải nắm được hết giờ sinh hoạt của từng “thành viên” trong gia đình. Những con mèo bị liệt thì sẽ tập đi vệ sinh trong một khung giờ nhất định. Mỗi ngày, “người mẹ” ấy đều bế chúng để tắm rửa, vệ sinh. Dù bị liệt nhưng các con mèo đều rất sạch sẽ. Cũng vì thế mà hàng ngày, bà Hải chỉ dành 3-4 tiếng để ngủ, còn lại sẽ dành hết thời gian để chăm sóc lũ mèo.

Miệt mài với những công việc không tên trong nhiều năm, dù đông hay hè, ngày lễ hay ngày Tết thì với bà Hải cũng chỉ là một ngày bình thường. Bởi lẽ trong sâu thẳm, bà hiểu rằng việc chăm sóc cho lũ mèo chính là sứ mệnh cuộc đời mình. “Có năm, vào đúng đêm 30 Tết, tôi chỉ vừa kịp chuẩn bị đĩa xôi, thắp hương tiền vàng rồi quay vào chăm các em. Bỗng nghe con Bông què kêu ầm ĩ, tôi chạy ra xem thì thấy vàng mã bắt lửa cháy đùng đùng. Đã nhiều cái Tết tôi chẳng có thời gian mua sắm, cỗ bàn hay nấu nướng gì. Nhưng chắc các “ngài” cũng độ cho chứ từ Tết năm ngoái đến nay, tôi chỉ thắp hương vài lần. Như thế có dở hơi không cơ chứ?”, bà Hải cười nói.

Gắn bó cuộc đời mình với những con mèo, đồng nghĩa với việc phải gác lại những sở thích cá nhân, những chuyến du lịch, những cuộc hẹn gặp của bạn bè đồng trang lứa… bởi bà hiểu rằng với đàn mèo nhỏ, những “đứa” chẳng thể tự ăn, bệnh tật thoi thóp, chúng không thể thiếu được “mẹ Hải”. Thế nên với bà, việc “lũ trẻ” được khỏe mạnh, sống hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất.

Dân sinh - “Ngôi nhà hạnh phúc” của những chú mèo vô gia cư (Hình 4).

Bác Xám Liệt nằm co ro trên chiếc giường nhỏ. Hơn 11 năm nay, mọi sinh hoạt hàng ngày của em đều dựa vào bà Hải. Ảnh: Ngọc Bảo.

“Tôi sẽ làm mọi thứ để các em có được cuộc sống tốt nhất khi ở bên mình. Với những đứa ốm yếu không qua khỏi, tôi luôn thầm cầu nguyện, nếu có kiếp sau hãy trở thành người lương thiện, tử tế. Còn nếu chưa hết kiếp con vật, mà vẫn làm mèo thì về đây mẹ nuôi!”, bà Hải tâm sự.

HOÀNG GIANG – BẢO NGỌC

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.