Ngôi nhà 'ma' và 'thần khuyển' làm cả làng khủng hoảng

Ngôi nhà 'ma' và 'thần khuyển' làm cả làng khủng hoảng

Thứ 7, 21/12/2013 10:32

Người dân xã Viên Nội vẫn gọi con chó đá đặt làm ranh giới giữa thôn Giang và thôn Tiền nằm sát con đường lớn trải nhựa là “ông” chó đá hay “thần khuyển”.

Người làng bảo “thần khuyển” trấn giữ đầu làng rất thiêng, nếu xoay hướng không đúng ý “ngài” sẽ gây ra hỏa hoạn, còn không giữ gìn vệ sinh cho “ngài”, các gia đình sống xung quanh sẽ đau yếu, bệnh tật. 

Nỗi sợ “thần khuyển chiếu tướng”

Nằm sát con đường liên xã, con chó đá nằm ngay vị trí ranh giới giữa hai thôn Giang và thôn Tiền (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội). Bát hương đặt cạnh chó đá không ngày nào vắng người hương khói cùng đĩa hoa quả nhỏ, hay hộp bánh. Quang cảnh trước và sau vị trí chó đá án ngữ, hẳn ai đi qua cũng phải rợn người bởi cảnh sắc hoang vắng đến lạnh người. Ngay sau chó đá là hai ngôi nhà hoang hóa và xập xệ, rong rêu dọc ngang phủ kín, còn phía trước có một bức tường nằm đối diện bên kia đường cao gần 1m, dài khoảng 4m để tránh tầm nhìn của chó đá “chiếu tướng” vào cổng ngôi đình thiêng thờ vua Lý Nam Đế.

Xã hội - Ngôi nhà 'ma' và 'thần khuyển' làm cả làng khủng hoảng

Hai ngôi nhà “ma” phía sau “thạch khuyển” làng Giang và làng Tiền.

Để tìm hiểu thực hư những câu chuyện con chó đá linh thiêng mà người dân vẫn truyền tai nhau không ngớt, chúng tôi được người làng giới thiệu gặp cụ Hồ Đức Ngân (90 tuổi). Cụ còn khá minh mẫn, khi nhắc đến “thần khuyển” nằm trấn giữ ở đầu làng, cụ liền bảo: “Con chó đá đó thiêng lắm đấy, chớ có “phạm thượng” mà mang họa vào thân”.

Cụ Ngân kể: “Từ thuở khai thiên lập địa, ông bà tổ tiên của làng đã tìm đến đê con sông Đáy, gần nguồn nước để dựng nhà, cửa sinh sống. Mới đầu, dân cư thưa thớt, sau này đông dân nên việc phân chia địa giới giữa các làng thường xảy ra tranh chấp. Đến đời nhà Trần, có cụ Chánh tổng và cụ Bát, người cũng có chức sắc trong vùng được giao đắp đê sông Đáy.

Để phân chia công việc và có địa giới rõ ràng, hai cụ quyết định đặt con chó đá ở giữa làng Giang và làng Tiền. Kể từ đó đến nay, con chó đá vẫn yên vị ở đấy, tuy nhiên cũng đôi lần xoay hướng. Con chó đá chính xác có từ năm nào không ai biết, nhưng tính đến đời tôi cũng khoảng 12 đời”. 

Cũng theo cụ Ngân và một số cụ cao niên trong làng, cách đây khá lâu, sau một lần đắp đê, “thạch khuyển” của làng được xoay hướng đúng giữa vị trí hai làng, không nhìn lệch về hướng nào thì vô tình lại nhìn vào đúng cổng làng Phúc Hữu, bên kia sông thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Điều không ngờ, về sau làng Phúc Hữu thỉnh thoảng lại thấy người làng la lớn “ối làng nước ơi... cháy nhà”. Những vụ cháy cứ liên tục xảy ra trong một năm, có khi đến cả chục lần. Nhiều người đặt câu hỏi, không hiểu lý do vì sao, nguyên nhân nào. Người làng Phúc Hữu đã nhờ một “ông thầy” xem giúp, “ông thầy” phán, làng bị hỏa hoạn là do làng đối diện có con chó đá “chiếu tướng” vào đúng giữa cổng làng. Vì thế, “bà hỏa” thường xuyên ghé thăm. Để “giải” việc này chỉ còn cách làng phải sửa lễ xin “thần khuyển”. Quả nhiên, sau lần làm lễ, làng Phúc Hữu yên bình, không còn chuyện cháy nổ xảy ra nữa.

Một câu chuyện khó tin khác liên quan đến “cụ chó” xảy ra gần chục năm về trước là nhiều gia đình sinh sống gần chó đá tự nhiên cổ to lên giống như bướu cổ. Người thì bảo do thiếu i-ốt, người thì không rõ nguyên nhân gì mà cổ cứ to ra và sưng lên đau nhức.

Ông Kim Bùi Soạn (56 tuổi), một người khá am hiểu về văn hóa, truyền thống của làng cho biết: “Một số gia đình ở cả thôn Tiền và thôn Giang sau khi bị sưng cổ đã đi khám, chữa nhưng không khỏi. Có người mách, do “thần khuyển” mất vệ sinh gây nên.

Thực tế, thời điểm đó phần cổ của “ông chó” và cái chuông đeo trên cổ cũng bị vùi kín rác thật. Nhiều người bị bệnh, ngoài việc điều trị bằng thuốc, họ làm vệ sinh cho “thần khuyển” cẩn thận và sạch bệnh sẽ thuyên giảm. Từ đó đến nay, người dân trong làng luôn trông nom, vệ sinh sạch sẽ và hương khói cho “ngài” cẩn thận”.

Cả làng hoang mang, khủng hoảng

Hai năm trước, liên tiếp thôn Giang và thôn Tiền có người chết do tai nạn mà chỉ rơi vào tuổi tuất. Dân làng không hiểu điều gì và vì sao dân làng gặp “điềm xấu” đến như vậy. Điều này khiến dân làng vô cùng lo lắng và hoảng sợ. Các cụ trong làng đã tìm hiểu và “xem”, “thầy” bảo, do mạo phạm “thần khuyển” nên bị “ngài” trừng phạt. Cụ Nguyễn Danh Phú (74 tuổi) cho biết: “Sự việc diễn ra theo chiều hướng xấu, gần một năm mà liên tiếp những vụ chết do tai nạn chỉ rơi vào tuổi tuất.

Các cụ trong làng bắt đầu tìm hiểu mới vỡ lẽ, đơn vị thi công làm đường nhựa đã đào “ông chó đá” đầu làng lên, để “ông chó”  vật vờ nên bị trừng phạt. Để qua “kiếp nạn” này, cả dân làng, không ai bảo ai, đã tự quyên góp mua lễ vật, xây bệ đặt “ông” ngay sát mặt đường ở vị trí cao. Tuy nhiên, việc nâng “ông” lên cao, vô tình lại “chiếu tướng” vào đình thờ vua Lý Nam Đế nên đã xây một bức tường chắn ngay bên đường để che khuất tầm nhìn”.

Còn trong tâm trí của cụ Hồ Đức Ngân: “Chưa bao giờ làng Giang lại khủng hoảng và hoang mang đến như vậy. Sau khi sửa lễ và đưa “ông” lên vị trí trang trọng hơn, dân làng mới yên ổn và cuộc sống mới bình yên trở lại. Hôm dân làng đưa “cụ” lên cao hơn, đã đào được một cái nồi bằng đất chôn phía dưới ngay chân trước của “ngài”. Có người bảo, cái nồi đó chính là được người xưa trấn yểm, còn thực hư ra sao, không ai biết. Dân làng vẫn chôn cái nồi y như cũ cho “ngài””.

Xã hội - Ngôi nhà 'ma' và 'thần khuyển' làm cả làng khủng hoảng (Hình 2).

Cụ Hồ Đức Ngân bảo dân làng trông nom “cụ” chó đá cẩn thận, cụ sẽ phù hộ cho làng những điềm lành.

Đi tìm lời giải

Những câu chuyện linh thiêng đến khó tin xung quanh “thần khuyển” trấn giữ đầu làng, có người tin, người không tin, người cho rằng đó chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng một điều khiến không chỉ người dân mà cả những ai một lần đi qua đây đều giật mình bởi khung cảnh trước và sau vị trí con chó đá ngự rất hoang vu và vắng vẻ, bên cạnh hai ngôi nhà hoang.

Ông Bùi Kim Soạn cho biết: “Ngôi nhà hai tầng đang thi công dở là của ông Đức, người thôn Giang nằm đằng sau đuôi con chó đá. Đã nhiều năm nay, ngôi nhà không được chủ nhân hoàn thiện để rong rêu, cỏ mọc um tùm. Có người bảo, do đang tranh chấp với anh trai nên gia chủ không hoàn thiện nốt mà để hoang hóa như vậy. Có người lại bảo, ngôi nhà đấy đang thi công thì dừng không rõ lý do, đội thợ xây đang làm đột nhiên “bỏ của chạy lấy người”.

Các đội thợ sau đến làm, họ mới đến ngắm  đã lắc đầu quay đi. Ngay bên cạnh ngôi nhà đó là một quán sửa xe máy được xây khá chắc chắn và lợp ngói đỏ, do không có khách hay lý do gì đó mà chỉ làm được một thời gian ngắn đã bỏ đi. Một số người làng kể, vào những đêm trăng thanh gió mát có một con chó trắng cứ luẩn quẩn, đi đi lại lại. Từ ngày chuyển tới đây làm, gia đình một số người thợ thường xuyên đau ốm, gặp những điều xui xẻo.

Cả đoạn đường dài xã Viên Nội, có duy nhất đoạn “ông chó đá” là hoang vu và lạnh lẽo, dân cư thưa thớt. Ngay phía trước chó đá là ngôi đình thiêng thờ vua Lý Nam Đế, cây cối um tùm cộng với hai ngôi nhà bỏ hoang càng khiến người ta tin vào những câu chuyện ly kỳ của “thần khuyển”. Tuy nhiên, làm đúng ý “ngài”, “ngài” sẽ bảo vệ, phù hộ và mang lại những điều tốt đẹp cho dân làng”.             

Chỉ là đồn thổi

“Trong tín ngưỡng dân gian, tục thờ cúng tự nhiên của người Việt đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Trong đó có tín ngưỡng thờ động vật, có tục thờ chó đá. Ở xã Viên Nội, một số làng vẫn còn thờ chó đá với mong muốn giữ nhà, giữ cửa, sự quyền uy, phú quý. Việc thờ cúng này thì nhiều làng quê vẫn duy trì. Còn những câu chuyện người dân đồn thổi như một số thanh niên trong làng bị tai nạn chết là do các nguyên nhân khác. Bên cạnh đó, câu chuyện ngôi nhà ma phía sau cũng không có căn cứ, có thể do chưa đủ tiền để hoàn thiện nên tạm thời chủ nhân của nó để hoang vậy. Tất cả những câu chuyện chỉ là đồn thổi và thiếu căn cứ khoa học”, ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND xã Viên Nội nói.   

Thiên Vũ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.