Đối với tôi, tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật, nơi tôi đã và đang gắn bó suốt 5 năm qua chính là gia đình thứ hai, một ngôi nhà lớn ấm áp, chan hòa tình yêu thương, trìu mến.
Nhớ lại thời điểm mới vào nghề, tôi thừa nhận mình gặp khá nhiều may mắn. Bởi lúc ấy, ít người quan tâm đến công việc sửa lỗi chính tả (morasse, còn được gọi vui là nghề “nhặt sạn”). Khi chưa tìm được việc làm lại tình cờ biết được tòa soạn đang tuyển vị trí này, tôi đã mạnh dạn nộp hồ sơ và được chấp nhận cho thử việc. Vì là dân "tay ngang" nên sau khi vào làm tôi mới hiểu rõ để có được tờ báo chỉn chu với nội dung hấp dẫn, giá trị đòi hỏi rất nhiều công đoạn. Từ khâu xây dựng, triển khai đề tài đến công tác biên tập, đọc soát, dàn trang… tất cả đều phải được thực hiện nghiêm túc, tỉ mỉ vì chỉ một mắt xích trục trặc sẽ ảnh hưởng đến cả số báo.
Đặc biệt làm công việc morasse đòi hỏi sự cần cù, tỉ mẩn, chính xác và luôn phải giữ đầu óc tỉnh táo. Thông thường độc giả chỉ đọc những nội dung mà họ quan tâm nhưng morasse thì phải đọc từ trang đầu đến trang cuối tờ báo, từng dấu chấm, dấu phẩy đến các mẩu rao vặt, quảng cáo. Họ sẽ phải đọc bản thảo đã biên tập, dò và chữa lỗi rồi đọc lại bản in vài lần nữa cho đến khi sạch lỗi.
Lúc trước tôi nghĩ đơn giản chỉ cần đọc thật kỹ và soát lỗi là được. Bắt tay vào làm tôi mới nhận ra công việc này ngoài cần cù, chăm chỉ còn phải hiểu rõ chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, nắm bắt thông tin thời sự, biết ngoại ngữ càng tốt,… Vì vậy, tôi cố gắng tự trau dồi kiến thức, cái gì chưa rõ thì học hỏi thêm từ các anh chị em cùng cơ quan. Dần dần, tôi cũng đã có vốn từ vựng kha khá để có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Hàng ngày, tôi có cơ hội tiếp xúc với tin, bài của nhiều nhà báo, nhà văn, tác giả với phong cách viết khác nhau. Do đó đọc soát và dò lỗi không chỉ đơn thuần là công việc mà đã trở thành niềm vui, gắn bó với tôi như cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Với tôi, đọc sách báo là một trong những cách bổ sung kiến thức rất tốt, nhất là đọc tờ báo mà mình gắn bó. Công việc “nhặt sạn” giúp tôi học cách diễn đạt, rèn luyện tư duy, mở mang suy nghĩ, trau dồi chữ nghĩa để có thêm kinh nghiệm cho bản thân.
Trong thời gian này, tôi cũng đã có thật nhiều kỷ niệm với công việc, với nghề. Nhớ nhất và cũng vất vả nhất đó là thời điểm cận tết Nguyên đán, cả ban cùng tập trung làm báo xuân. Ấn phẩm báo Tết thường làm gộp chung từ nhiều số báo thường và điều mà độc giả mong đợi là một tờ báo có nội dung hay, ý nghĩa và trình bày đẹp mắt. Vì vậy mọi người gần như dồn hết tâm sức cho “chiến dịch” này. Những ngày sắp truyền in là quãng thời gian “bứt tốc” nên nhiều anh chị em đã phải ăn tối luôn tại cơ quan, nửa đêm mới về đến nhà. Mệt nhưng vui vì tất cả đều chung sức, chung lòng để cho ra một tờ báo hoàn thiện nhất như một món quà ý nghĩa dành tặng bạn đọc trong dịp Tết đến Xuân về.
Tuy nhiên cơ quan, tổ chức nào muốn phát triển cũng đều phải không ngừng thay đổi, làm mới bản thân, Đời sống & Pháp luật không phải ngoại lệ. Theo sự tái cơ cấu và phân công lại công việc, tôi được ban lãnh đạo sắp xếp làm biên tập viên cho trang điện tử Người đưa tin. “Vạn sự khởi đầu nan”, bắt tay vào nhiệm vụ mới không phải chuyên môn của mình quả thật là một điều không hề dễ dàng. Tôi đã từng cất tiếng thở dài vì nghĩ sẽ phải thay đổi bản thân, sợ không thể theo được. Nhưng khi sang môi trường mới, được sự động viên, hướng dẫn của những người anh, người chị, người bạn tôi dần học được cách làm quen với công việc. Nỗi sợ hãi trong tôi dần tan biến, tôi bắt đầu có động lực, quyết tâm để làm mới bản thân với vị trí và nhiệm vụ mới.
Ngày tờ báo tròn 20 tuổi đang tới gần, từ tận đáy lòng, tôi xin cảm ơn nghề đã chọn tôi và cho tôi có cơ hội trở thành một phần của ngôi nhà chung Đời sống & Pháp luật. Mong rằng với những nỗ lực cải cách không ngừng từ Ban Biên tập, sự đồng tâm đồng lòng và đam mê nhiệt huyết của các anh chị em, tòa soạn của chúng ta sẽ ngày càng phát triển và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Ngạc Kim Giang